Autophagy là một phát hiện quan trọng giúp chúng ta hiểu hơn về cơ thể và tiếp cận khoa học tới các cách thức giúp cơ thể khoẻ mạnh và trẻ lâu
Autophagy là gì
Autophagy hiểu đơn giản là ‘tự thực bào’, là cơ chế tế bào tự lôi các thành tố của cơ thể mình ra ăn để tạo ra tế bào mới trẻ khoẻ hơn.
Cho đến những năm 60s của thế kỉ trước, tiến sĩ sinh hóa người Bỉ tên Christian De Duve là người đầu tiên quan sát được hành vi tự thực bào trên mô gan. Ông chứng kiến được tế bào có một bộ phận giúp tự tiêu hóa các cơ quan của chính mình rồi thải ra các amino acid để tổng hợp thành các cơ quan mới khoẻ mạnh hơn. Bộ phận này được đặt tên là lysosome và quá trình tế bào tự ăn chính các bộ phận của mình được đặt tên là ‘tự thực bào’ hay autophagy. Phát hiện này đã giúp Christian đạt giải nobel y học vào năm 1974.
Autophagy là cơ chế sinh tồn của cơ thể. Ngoài thức ăn hàng ngày, cơ thể chúng ta còn tự ăn chính mình để tồn tại. Autophagy giúp cung cấp năng lượng sống, tái tạo tế bào và đồng thời cũng là cách hiệu quả để loại bỏ chất thải của tế bào, giúp thanh lọc cơ thể, giúp sống lâu, sống trẻ, sống khoẻ. Nếu cơ chế tự thực bị hư hoại thì cặn bã sẽ tích tụ, gây ra nhiều bệnh lý như béo phì, bệnh parkinsons, bệnh ung thư, sưng phù, viêm, và khiến bạn già sớm.
Cơ chế hoạt động của autophagy
Giáo sư Yoshinori Ohsumi người Nhật đã tìm ra cơ chế vận hành của autophagy thông qua hàng loạt các thí nghiệm công phu của mình và đạt được giải nobel vào năm 2016 cho thành tựu này.
Quá trình tự thực bào xoay quanh hoạt động của lysosome, là bộ phận có vai trò giống như một ‘nhà máy tái chế’ giúp tái tạo các bộ phận bị hỏng hóc và tạo điều kiện sản sinh ra những bộ phận mới.
Cụ thể thì các ‘chất thải tế bào’ trôi nổi trong dịch nội bào (cytoplasm) sẽ được thâu tóm bởi một cấu trúc có màng lipid đôi mang tên phagophore. Phagophore phát triển lớn dần, quây chỗ chất thải cần tái chế lại tạo thành một cái màng kín mang tên autophagosome, sau đó hợp nhất cái màng này với lysosome. Các enzyme trong lysosome sẽ phân giải chất thải có cấu trúc protein kích thước lớn thành các amino acid nhỏ rồi thải lại vào dịch nội bào. Tế bào sau đó sẽ sử dụng các amino acid mới được tạo ra để tổng hợp năng lượng hoặc các bộ phận mới.
Ngoài cơ chế hấp thụ các cơ quan hỏng hóc thông qua phagophore (macro-autogaphy) thì lysosome còn có thể tự mình trực tiếp nuốt các cấu trúc protein phức tạp qua màng ngoại bào của nó (micro-autophagy).
Làm sao để thúc đẩy autophagy
Cơ chế tự thực bào là cơ chế diễn ra tự nhiên nhưng việc nhịn ăn cũng có thể thúc đẩy được autophagy. Đơn giản là nếu bạn nhịn ăn thì cơ thể không còn cách nào ngoài việc tự ăn chính mình. Lợi ích là sự thanh lọc cơ thể, thải bớt độc tố và sống trẻ sống khoẻ hơn.
Nhịn ăn có rất nhiều kiểu, có thể nhịn ăn vài giờ một ngày trong vài ngày, nhịn ăn 1 ngày trong tuần, 1 vài ngày trong tháng, kiểu nào mà bạn thấy hợp và không làm bạn chuết đói thì theo. Nếu nghị lực không đủ thì bạn cũng có thể theo chế độ ăn kiêng giảm calories tiêu thụ cũng được. Nhưng nhớ là sau quá trình nhịn ăn thì sau đó bạn ăn theo chế độ bình thường chứ đừng có ăn nhiều lên bù vào là công cốc đó nha.
Ngoài ra một phương pháp khả quan khác giúp thúc đẩy autophagy là tập thể dục thể thao. Tập luyện cũng tạo áp lực lên tế bào trong cơ thể, khiến các cơ quan của tế bào bị phá hoại, từ đó kích hoạt autophagy tiêu thụ các phần hỏng hóc và làm việc hiệu quả hơn.
Lưu ý là các nghiên cứu về autophagy mới ở mức độ khởi nguyên, khoa học chưa biết quá nhiều về cơ chế này nên sau này có gì mới update bài này có bị outdate thì các cậu cũng đừng có lạ nhé.