Tóc mỏng, tóc thưa, tóc rơi lưa tưa không kiểm soát luôn đi kèm với nỗi lo hói đầu. Nhưng liệu hiện tượng tóc rụng có đáng lo ngại như bạn nghĩ, đâu là nguyên nhân khiến tóc rụng nhiều và đâu là giải pháp?

Tóc cũng quan trọng không kém da, là một bộ phận thể hiện vẻ đẹp của con người. Tuy nhiên nhiều người không may mắn (trong đó có mình) sở hữu loại tóc mỏng, mái tóc thưa, bình thường thì không sao nhưng cứ tắm xong hoặc tóc bị dính nước bết lại thành từng bó là hiện nguyên da đầu, quả là một cảnh tượng kinh dị. Đối với những người có sức khoẻ bình thường, đôi khi vào một thời điểm nào đó trong đời, tóc rơi vãi với số lượng lớn một cách đột ngột gây ra sự hoang mang, đặt ra câu hỏi rằng “liệu tôi có bị hói không?”

Rụng tóc, hói đầu

Tóc rụng vốn xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả các tác động vật lý từ bên ngoài và các tác nhân từ bên trong cơ thể, bao gồm cả yếu tố di truyền. Đôi khi, sự lo lắng về việc rụng tóc là có cơ sở, tuy nhiên, nhiều lúc lại là vô căn cứ vì thực ra tóc rụng là hiện tượng rất tự nhiên chứ không phải vấn đề gì đặc biệt.

Chu kì của tóc

Giống như da, tóc cũng có chu kì sinh học, được sinh ra rồi đào thải bởi cơ chế của cơ thể. Vòng đời của tóc trải qua ba giai đoạn chính 1:

  • Anagen là giai đoạn hoạt động của tóc, tóc mọc và phát triển, giai đoạn này kéo dài trong khoảng từ 2 đến 6 năm.
  • Telogen là giai đoạn nghỉ kéo dài từ 2 đến 3 tháng. Trong giai đoạn này, tóc không mọc nữa và rụng ra vào cuối chu kì để tóc mới bắt đầu mọc lại.
  • Catagen là giai đoạn chuyển tiếp giữa hai giai đoạn trên, kéo dài từ 2 đến 3 tuần
Chu kì phát triển của tóc (nguồn ảnh Research Gate)

Chu kì phát triển của tóc (nguồn ảnh: Research Gate)

Thông thường, trên da đầu của người bình thường chỉ có khoảng 90% số tóc là trong trạng thái đang mọc, 10% còn lại là tóc nghỉ và có thể rụng bất cứ lúc nào. Trung bình, chúng ta rụng khoảng 50 đến 100 sợi tóc một ngày, lỗ chân tóc sau khi đào thải tóc xong sẽ bắt đầu vào giai đoạn mọc tóc mới 2. Tóc thường rụng ở những nơi tiếp xúc như vỏ gối, mũ, áo, trong khi tắm…

Nguyên nhân khiến tóc rụng nhiều

Nếu thỉnh thoảng chỉ có đôi ba cọng tóc rụng xuống thì bạn có lễ không phải lo sợ quá, tuy vậy, số lượng tóc rụng có thể tăng đột biến vượt quá con số 100 sợi một ngày khiến đầu ngày một lưa thưa. Sau đây là một số nguyên nhân gây rụng tóc phổ biến.

Note: phần này có nhiều thông tin được tham khảo tại website của hiệp hội rụng tóc Mỹ (American Hair Loss Association) 3. Nghe có ngớ ngẩn thế nào thì cái hiệp hội này vẫn là có thật các bạn ạ :)) Hói hẳn là vấn đề quốc dân của Hoa Kỳ nên có hẳn 1 hiệp hội rụng tóc được thành lập luôn 0_0

Di truyền

Yếu tố di truyền tác động rất nhiều lên cấu trúc tóc cũng như các bệnh lý liên quan đến tóc. Nếu người thân trong gia đình bạn hói đầu thì khả năng cao bạn cũng không ngoại lệ. Chứng hói đầu (pattern baldness) thường diễn ra ở nam giới, tuy nhiên phụ nữ cũng có thể mắc phải. Ở Mỹ, độ tuổi trung bình bắt đầu xuất hiện tượng rụng tóc ở người hói là 32, đến khoảng 50 tuổi, 85% nam giới bị thưa tóc rõ rệt; khoảng 25% nam giới mắc chứng này có quá trình rụng tóc diễn ra từ năm 21 tuổi 4.

Nguyên nhân chủ yếu là do gen bẩm sinh làm lỗ chân lông trở nên nhạy cảm với hóc môn Dihydrotestosterone (một sản phẩm của hóc môn nam testosterone), dần trở nên thu nhỏ lại và bị rút ngắn vòng đời, không thể sản sinh ra tóc chất lượng nữa 5.

Tuổi tác

Khi chúng ta già đi, các tế bào và lỗ chân lông trên đầu cũng sẽ lão hoá mà không có cách nào tránh được, sự sản sinh tóc sẽ chậm dần đi. Không chỉ vậy, các tác động từ môi trường trong thời gian dài như khói bụi, tia UV cũng làm sợi tóc ngày một yếu 6.

Mất cân bằng hóc môn

Sự thay đổi về hóc môn thường gây ra rụng tóc ở nữ giới. Tương tự như nam giới, thủ phạm tấn công lỗ chân lông, làm chúng co lại và suy yếu khả năng mọc tóc là hóc môn Dihydrotestosterone. Tuy hàm lượng testosterone ở phụ nữ thấp hơn nhiều so với đàn ông nhưng chỉ cần một sự tăng nhỏ của Dihydrotestosterone cũng đã đủ gây nên vấn đề. Bên cạnh đó, ở một số thời điểm, hóc môn nữ suy giảm cũng gây ra mất cân bằng hóc môn và gây rụng tóc ví dụ như thời kì mãn kinh, hậu sinh đẻ, trong giai đoạn sử dụng thuốc tránh thai 7. Sau khi hóc môn được cân bằng lại, vấn đề sẽ được khắc phục.

Thiếu dinh dưỡng

Có nhiều nghiên cứu chỉ ra sự thiếu một số chất liên quan chặt chẽ với hiện tượng rụng tóc. Các chất này bao gồm: sắt, kẽm, niacin (vitamin B3), acid béo, selenium, vitamin D, biotin, protein / amino acids. Cân bằng lại chế độ ăn uống và ăn đa dạng sẽ giúp khắc phục vấn đề này. Thêm vào đó, sử dụng thực phẩm chức năng cũng là một lựa chọn, tuy nhiên bạn cần phải cân nhắc kĩ, tham vấn được ý kiến bác sĩ được thì càng tốt vì sử dụng thực phẩm chức năng trong khi cơ thể không tồn tại nhu cầu có thể gây phản tác dụng và ngộ độc. Ví dụ như trong trường hợp thừa selenium thậm chí còn gây rụng tóc trầm trọng thêm 8.

Bị ốm hoặc bệnh

Tóc có thể rụng nhiều hơn trong thời gian bạn bị bệnh hoặc ốm. Sau khi hết bệnh, tóc sẽ ngưng rụng và mọc trở lại 9.

Sử dụng các loại thuốc

Rụng tóc là tác dụng phụ của việc sử dụng một số loại thuốc như các loại thuốc xạ trị điều trị ung thư, thuốc kháng sinh, thuốc an thần… Sau khi ngừng dùng thuốc, tóc sẽ mọc lại nhanh chóng.

Cơ thể bị sốc

Sự thay đổi môi trường quá đột ngột hoặc cơ thể trải qua một cú sốc lớn như tai nạn có thể khiến một số lượng lớn lỗ chân lông đột ngột rơi vào trạng thái nghỉ và gây ra rụng tóc số lượng lớn.

Căng thẳng

Căng thẳng là một trong số những yếu tố gây ra rụng tóc, đồng thời còn được coi là nguyên nhân cho một số triệu chứng rụng tóc như telogen effluvium (nhiều lỗ chân lông đang hoạt động đột ngột rơi vào trạng thái nghỉ) hay alopecia areata (hệ thống tự miễn dịch tự nhiên coi lỗ chân lông là kẻ thù, tấn công và khiến chúng mất khả năng sản sinh tóc mới). Điều chỉnh lại tâm lý sẽ giúp tóc giảm rụng đi.

Xử lý tóc quá nhiều

Sử dụng quá nhiều sản phẩm hoá học trên tóc như thuốc nhuộm, keo, sáp, hay xử lý tóc bằng nhiệt qua việc duỗi, uốn nhiều khiến cho vỏ ngoài tóc (hair cuticle) bị hư hại, bào mòn để lộ ra phần lõi tóc (hard cortex) tiếp xúc với môi trường dễ bị tổn thương. Từ đó, tóc dễ bị mỏng, giòn, dễ gãy.

Bứt tóc

Một số người có thói quen bứt tóc, giống như thói quen cắn móng tay. Bên cạnh đó các hành động tạo sức kéo tóc ra khỏi da đầu như cột tóc quá chặt hay sử dụng lược quá mạnh khiến tóc bị dứt ra. Nếu việc kéo tóc ra khỏi đầu xảy ra liên tục tại cùng một vị trí có thể khiến lỗ chân lông bị tổn thương và tóc vĩnh viễn không thể mọc lại ở vị trí đó nữa.

Các lầm tưởng về rụng tóc

Nước quá ‘cứng’ có thể gây rụng tóc

Nước cứng là nước có chứa nhiều khoáng chất, đặc biệt là muối của canxi và magie (CaCO3, MgSO4). Thông thường, các loại nước khai thác ngầm ít xử lý do chảy qua đá mang theo nhiều khoáng chất sẽ cứng hơn 10. Mặc dù nhiều người cho rằng chất lượng nước là nguyên nhân gây ra việc rụng tóc, chưa có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh điều này là đúng. Một thí nghiệm trên mẫu tóc của 15 nữ giới nhúng vào các loại nước có độ cứng khác nhau cho thấy không có sự khác biệt thống kê lớn về độ dẻo dai và sức khoẻ các loại tóc 11.

Tuy nhiên, nếu nghi ngờ nước là thủ phạm khiến tóc bạn rụng nhiều, hãy thử làm ‘mềm’ nước bằng việc đun chúng lên rồi mới sử dụng xem có kết quả gì khác biệt hay không.

Dùng biotin giúp mọc tóc

Một trong những lời khuyên phổ biến nhất mà mình được nghe từ nhiều người khi tham khảo cách làm sao để tóc dày trở lại là sử dụng dầu gội hoặc thực phẩm chức năng chứa biotin. Như đã đề cập ở trên, đúng là biotin là một chất khá quan trọng trong cơ thể, khi bị thiếu hụt sẽ gây ra rụng tóc. Tuy nhiên, rất hiếm khi cơ thể thiếu biotin do chất này tồn tại trong tự nhiên khá dồi dào, có trong các loại thịt, đậu và con người cũng chỉ cần một lượng vừa đủ biotin để nội quan hoạt động trơn tru. Còn nếu như bạn không thiếu chất thì uống biotin vào sẽ không có tác dụng gì trong việc hỗ trợ mọc tóc cả 12.

Sử dụng thực phẩm chức năng chứa L-lysine, L-cysteine (amino acid) giúp mọc tóc

L-lysine, L-cysteine bản chất là các acid amin thiết yếu và cận thiết yếu mà cơ thể cần để tổng hợp ra protein. Có lẽ ai cũng biết protein quan trọng thế nào đối với tóc, khi cơ thể thiếu protein thì quá trình sản sinh tóc sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, giống như biotin, uống amino acid chỉ giúp cải thiện chứng thưa tóc nếu nguyên nhân là do thiếu hụt chúng. Ngoài ra thì không có bằng chứng thuyết phục nào chỉ ra việc hấp thụ chất này sẽ kích thích tóc mọc, thừa chất còn có thể gây đau bụng, tiêu chảy, hại thận 13.

Đây cũng là kết luận chung cho các loại thực phẩm chức năng bổ sung dưỡng chất khác. Nếu cơ thể bạn không thiếu chất, nạp thêm các chất thông qua thực phẩm chức năng sẽ không khiến tóc bạn mọc thêm mà thậm chí có thể gây thừa chất và ngộ độc. Hãy tham vấn ý kiến bác sĩ cẩn thận để xem cơ thể mình có thực sự thiếu chất và có nên sử dụng thực phẩm chức năng hay không.

Biện pháp chăm sóc tóc rụng, tóc mỏng thưa

Hiện nay, có khá nhiều các sản phẩm được quảng cáo là ngăn rụng tóc và kích thích mọc tóc ngoài thị trường, nhất là nơi có luật kiểm soát nội dung tiếp thị lỏng lẻo như Việt Nam. Theo như mình quan sát, một số các loại dầu gội có chứa chiết xuất thực vật, biotin, thành phần trị gàu như piroctone olamine hay một chất mới là redensyl thường được quảng bá là giúp tóc mọc. Tuy vậy, những bằng chứng khoa học đi kèm thì lại không đủ thuyết phục để cá nhân mình tin là chúng có thực sự làm được đúng những gì chúng cam kết hay không.

Để khắc phục vấn đề về tóc hiệu quả nhất, trước tiên hãy tìm ra đâu là nguyên nhân gây rụng tóc và cố gắng loại bỏ nó. Ngoài ra cũng có một số biện pháp đáng tin cậy khác mà bạn có thể thực hiện tại nhà để cải thiện và kích thích mọc tóc.

Sử dụng dầu gội chống rụng tóc

Dầu gội đầu có thể không có nhiều tác dụng trong việc làm tóc bạn dày lên nhưng lựa chọn loại dầu gội đầu có công thức nhẹ dịu sẽ giúp ngăn ngừa tóc rụng trong khi tắm, từ đó, số lượng tóc mọc thêm nhiều hơn số tóc mất đi và dần dà mái tóc của bạn sẽ xum xuê trở lại. Các loại dầu gội đầu dành cho tóc mỏng, tóc rụng thường chứa công thức surfactant nhẹ nhàng hoặc không chứa sulfate (trên nhãn có thể ghi sulfate free, SLS free hoặc SLES free), ít gây tổn hại cho tóc. Các loại dầu gội này cũng sẽ tốt hơn cho da đầu và da vùng trán.

Sử dụng dầu xả

Dầu xả có tác dụng dưỡng ẩm cho tóc, đặc biệt quan trọng với những người sở hữu tóc khô vốn giòn, dễ gãy. Để tránh dầu xả làm bít tắc lỗ chân lông, bạn có thể thoa vào lòng bàn tay rồi dùng trên phần sợi tóc chứ không mát xa trực tiếp lên da đầu.

Mát xa da đầu kết hợp tinh dầu

Đây là cách trị liệu tương đối đơn giản mà bạn có thể thực hành hàng ngày. Cả việc mát xa và sử dụng dầu thực vật đều đã có những nghiên cứu củng cố cho công dụng giúp mọc tóc.

Trong một nghiên cứu trên 9 người đàn ông Nhật Bản sử dụng dụng cụ mát xa da đầu 4 phút mỗi ngày liên tục trong 24 tuần, kết quả cho thấy độ dày tóc được cải thiện đáng kể ở cuối quá trình thí nghiệm. Không chỉ vậy, phân tích DNA của nhóm người này còn cho thấy các gen liên quan đến rụng tóc như IL6 được giảm đi 14.

Có nhiều nghiên cứu rải rác về các loại dầu thực vật khác nhau cho thấy hiệu quả của chúng trong hỗ trợ mọc tóc, dưới đây là kết luận một số thí nghiệm mình tìm được:

  • Một thí nghiệm trên chuột so sánh saline, dầu jojoba, 3% minoxidil và 3% dầu bạc hà (peppermint oil) cho thấy dầu bạc hà đem lại kết quả mọc lông triển vọng nhất 15.
  • Một thí nghiệm sử dụng 400mg dầu hạt bí ngô (pumpkin seed oil) hàng ngày trên 76 bệnh nhân nam có dấu hiệu rụng tóc nội tiết (hay chứng hói đầu – androgenetic alopecia) liên tục trong 24 tuần cho thấy nhóm sử dụng thuốc báo cáo tóc mọc nhiều hơn nhóm sử dụng giả dược. (note: dầu hạt bí ngô được hấp thụ qua đường uống) 16.
  • Một thí nghiệm trên chuột được chia làm 5 nhóm sử dụng giả dược, dầu jojoba, 3% minoxidil, 3% dầu hoa oải hương (lavender oil) và 5% dầu hoa oải hương 5 lần một tuần trong 4 tuần cho thấy nhóm sử dụng minoxidil và dầu hoa oải hương có số lượng lông cao hơn hẳn, lỗ chân lông sâu và tầng hạ bì dày hơn 17.
  • Một thí nghiệm sử dụng tinh dầu táo tàu (Ziziphus jujuba) với 3 nồng độ 0.1%, 1%, 10% trên 3 nhóm chuột được cạo lông trong 21 ngày cho thấy nhóm 1% và 10% có lông mọc dài hơn hẳn. Quan sát về độ dày và lỗ chân lông cho thấy nhóm 1% đạt kết quả tốt nhất. Kết luận đưa ra là tinh dầu táo tàu có tiềm năng trong việc kích thích mọc lông 18.
  • Một thí nghiệm sử dụng sáp tóc trong thành phần có chứa 10% chiết xuất ethanol từ keo ong (propolis) và 10% dầu hạt xà lách (eruca sativa seed oil) trên chuột cho thấy độ dài và khối lượng lông tăng lên sau 30 ngày thí nghiệm 19.

Ngoài ra còn rất nhiều các nghiên cứu so sánh khác về các loại tinh dầu hương thảo (rosemary oil), dầu ốc len (obtusa oil), cỏ mực (eclipta alba),… trong việc kích thích mọc tóc. Mặc dù đa phần các thí nghiệm này được thực hiện trên động vật và chưa có nhiều nghiên cứu về cùng một loại dầu nào đó tuy nhiên chúng ta có cơ sở để tin rằng tinh dầu có tác dụng nhất định trong cải thiện độ dày tóc.

tinh dầu mọc tóc

Bạn có thể tìm mua các loại dầu hoặc serum dầu hỗn hợp dành cho da đầu ở các cửa hàng dược mỹ phẩm, sử dụng pha trộn nhiều loại dầu có thể giúp bổ sung nhiều dưỡng chất đa dạng hơn so với việc dùng chỉ một loại. Kiên trì dành vài phút mỗi ngày dùng tinh dầu mát xa trên da đầu nhẹ nhàng trong một khoảng thời gian sẽ giúp tóc chắc, khoẻ và cải thiện mật độ tóc.

Sử dụng thuốc mọc tóc

Có một số loại thuốc thực sự được chứng minh có công dụng khắc chế các vấn đề trên da đầu hoặc hỗ trợ mọc tóc như minoxidil, finasteride, corticosteroid nhưng chỉ có minoxidil là được chấp nhận bởi FDA cho việc sử dụng mà không phải kê đơn, các sản phẩm còn lại cần có sự chỉ định bởi bác sĩ mới được dùng. Minoxidil cũng được coi là sản phẩm giúp mọc tóc duy nhất dành cho cả nam và nữ, có tác dụng trên cả người bị hói đầu.

Tuy nhiên, sử dụng minoxidil đem lại khá nhiều các tác dụng phụ, trong đó có mọc lông ở vị trí không mong muốn, chóng mặt, tim đập nhanh, sưng phồng chân tay, tức ngực, tăng cân bất thường, mệt mỏi, khó thở. Một số trường hợp dị ứng trầm trọng có thể gây sưng, ngứa, phồng lưỡi, đầu óc choáng váng. Nếu gặp tác dụng phụ quá mạnh mẽ, nên ngưng sử dụng thuốc 20. Bên cạnh đó, minoxidil chỉ có tác dụng tạm thời, tóc sẽ ngừng mọc khi thôi dùng.

Sử dụng máy trị liệu laser

Có nhiều thí nghiệm khoa học trên cả người và động vật cho thấy trị liệu laser cường độ thấp (low-level laser therapy – LLLT) giúp cải thiện mật độ tóc ở người sử dụng mà không xuất hiện tác dụng phụ trầm trọng 21 22  23 24 25. Hiện nay, có khá nhiều sản phẩm mũ laser và lược laser giúp kích thích mọc tóc xuất hiện trên thị trường, đây là một khoản đầu tư khá đáng bỏ ra để thử. Tác dụng của trị liệu laser tuy không nhanh chóng nhưng sẽ đem lại kết quả đáng kể nếu kiên trì sử dụng.

Máy laser kích thích mọc tóc

Kết lại

Tóc rụng dưới 100 sợi một ngày là hiện tượng bình thường khi sợi tóc đi đến cuối chu kì của mình. Tuy nhiên, nếu tóc rụng quá nhiều, hãy nhìn lại các yếu tố như di truyền, tình trạng sức khoẻ bản thân, mức độ căng thẳng, chế độ dinh dưỡng, các loại thuốc đang uống và các tác động vật lý, nhiệt, xử lý tóc hàng ngày xem đâu là nguyên nhân chính gây ra vấn đề. Việc lựa chọn dầu gội đầu dành cho tóc mỏng thưa, dùng dầu xả, mát xa da đầu bằng tinh dầu là những biện pháp đơn giản, rẻ tiền mà bạn có thể thực hiện hàng ngày. Ngoài ra, bạn có thể sắm thêm một dụng cụ trị liệu laser cường độ thấp nếu có nhu cầu. Trong trường hợp các cách trị liệu đều không đem lại kết quả như ý thì hãy cân nhắc sử dụng các loại thuốc mọc tóc nhé.

Nguồn tham khảo

SaveSave

SaveSave

SaveSave

SaveSave

SaveSave

SaveSave

  1. WebMD. (2018). The Basics of Hair Loss. [online] Available at: https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/hair-loss/understanding-hair-loss-basics#1 [Accessed 29 Jul. 2018].
  2. familydoctor.org. (2018). Hair Loss – familydoctor.org. [online] Available at: https://familydoctor.org/condition/hair-loss/ [Accessed 29 Jul. 2018].
  3. Americanhairloss.org. (2018). American Hair Loss Association – Types of Hair Loss. [online] Available at: http://www.americanhairloss.org/types_of_hair_loss/ [Accessed 29 Jul. 2018].
  4. Americanhairloss.org. (2018). American Hair Loss Association – Men’s Hair Loss / Introduction. [online] Available at: http://www.americanhairloss.org/men_hair_loss/introduction.asp [Accessed 29 Jul. 2018].
  5. Americanhairloss.org. (2018). American Hair Loss Association – Men’s Hair Loss / Causes of Hair Loss. [online] Available at: http://www.americanhairloss.org/men_hair_loss/causes_of_hair_loss.asp [Accessed 29 Jul. 2018].
  6. Baran, R. and I. Maibach, H. (2017). Textbook of Cosmetic Dermatology. CRC Press, p.231.
  7. Americanhairloss.org. (2018). American Hair Loss Association – Women’s Hair Loss / Causes of Hair Loss. [online] Available at: http://www.americanhairloss.org/women_hair_loss/causes_of_hair_loss.asp [Accessed 29 Jul. 2018].
  8. Guo, E. L., & Katta, R. (2017). Diet and hair loss: effects of nutrient deficiency and supplement use. Dermatology Practical & Conceptual, 7(1), 1–10. http://doi.org/10.5826/dpc.0701a01
  9. Aad.org. (2018). Do you have hair loss or hair shedding? | American Academy of Dermatology. [online] Available at: https://www.aad.org/public/skin-hair-nails/hair-care/hair-loss-vs-hair-shedding [Accessed 29 Jul. 2018].
  10. Water-Right. (2018). Hard Water – 8 Major Signs You Have Problems | Water-Right. [online] Available at: http://www.water-rightgroup.com/blog/8-hard-water-problems/ [Accessed 29 Jul. 2018].
  11. Srinivasan, G., Srinivas, C. R., Mathew, A. C., & Duraiswami, D. (2013). Effects of Hard Water on Hair. International Journal of Trichology, 5(3), 137–139. http://doi.org/10.4103/0974-7753.125609
  12. Trüeb RM. Serum biotin levels in women complaining of hair loss. Int J Trichol [serial online] 2016 [cited 2018 Jul 29];8:73-7. Available from: http://www.ijtrichology.com/text.asp?2016/8/2/73/188040
  13. LIVESTRONG.COM. (2018). Side Effects of Too Many Amino Acids. [online] Available at: https://www.livestrong.com/article/500895-side-effects-of-too-many-amino-acids/ [Accessed 29 Jul. 2018].
  14. Koyama, T., Kobayashi, K., Hama, T., Murakami, K., & Ogawa, R. (2016). Standardized Scalp Massage Results in Increased Hair Thickness by Inducing Stretching Forces to Dermal Papilla Cells in the Subcutaneous Tissue. Eplasty, 16, e8.
  15. Oh, J. Y., Park, M. A., & Kim, Y. C. (2014). Peppermint Oil Promotes Hair Growth without Toxic Signs. Toxicological Research, 30(4), 297–304. http://doi.org/10.5487/TR.2014.30.4.297
  16. Cho, Y. H., Lee, S. Y., Jeong, D. W., Choi, E. J., Kim, Y. J., Lee, J. G., … Cha, H. S. (2014). Effect of Pumpkin Seed Oil on Hair Growth in Men with Androgenetic Alopecia: A Randomized, Double-Blind, Placebo-Controlled Trial. Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine : eCAM, 2014, 549721. http://doi.org/10.1155/2014/549721
  17. Lee, B. H., Lee, J. S., & Kim, Y. C. (2016). Hair Growth-Promoting Effects of Lavender Oil in C57BL/6 Mice. Toxicological Research, 32(2), 103–108. http://doi.org/10.5487/TR.2016.32.2.103
  18. Yoon, J., Al-Reza, S. and Kang, S. (2010). Hair growth promoting effect of Zizyphus jujuba essential oil. Food and Chemical Toxicology, 48(5), pp.1350-1354.
  19. Shatalebi, M.-A., Safaeian, L., Baradaran, A., & Alamdarian, M. (2016). Preparation and evaluation of a hair wax containing propolis and Eruca sativaseed oil for hair growth. Advanced Biomedical Research, 5, 182. http://doi.org/10.4103/2277-9175.190985
  20. Webmd.com. (2018). Drugs & Medications. [online] Available at: https://www.webmd.com/drugs/2/drug-3503/minoxidil-topical/details [Accessed 29 Jul. 2018].
  21. Jimenez, J. J., Wikramanayake, T. C., Bergfeld, W., Hordinsky, M., Hickman, J. G., Hamblin, M. R., & Schachner, L. A. (2014). Efficacy and Safety of a Low-level Laser Device in the Treatment of Male and Female Pattern Hair Loss: A Multicenter, Randomized, Sham Device-controlled, Double-blind Study. American Journal of Clinical Dermatology, 15(2), 115–127. http://doi.org/10.1007/s40257-013-0060-6
  22. Kim, TH., Kim, NJ. & Youn, JI. Lasers Med Sci (2015) 30: 1703. https://doi.org/10.1007/s10103-015-1775-9
  23. Avci, P., Gupta, G. K., Clark, J., Wikonkal, N., & Hamblin, M. R. (2014). Low-Level Laser (Light) Therapy (LLLT) for Treatment of Hair Loss. Lasers in Surgery and Medicine, 46(2), 144–151. http://doi.org/10.1002/lsm.22170
  24. Lanzafame, R. J., Blanche, R. R., Chiacchierini, R. P., Kazmirek, E. R., & Sklar, J. A. (2014). The growth of human scalp hair in females using visible red light laser and LED sources. Lasers in Surgery and Medicine, 46(8), 601–607. http://doi.org/10.1002/lsm.22277
  25. Lanzafame, R. J., Blanche, R. R., Bodian, A. B., Chiacchierini, R. P., Fernandez‐Obregon, A. and Kazmirek, E. R. (2013), The growth of human scalp hair mediated by visible red light laser and LED sources in males. Lasers Surg. Med., 45: 487-495. doi:10.1002/lsm.22173