Thực ra than hoạt tính không khác gì miếng bọt biển rửa bát, tẩy rửa rất sạch, nhưng…
Than hoạt tính (activated charcoal hay activated carbon) có lẽ là thành phần không còn xa lạ gì đối với người tiêu dùng. Loại bột tro đen trùi trũi này thường được sử dụng trong các sản phẩm vệ sinh cá nhân với công dụng có vẻ trái ngược hoàn toàn với ngoại hình của nó là “làm trắng” (Tự dưng thấy giống thời các cụ hồi xưa có tục nhuộm răng để răng trắng bóng phết nhỉ :)). Nhưng mà liệu dưới góc độ khoa học, than hoạt tính hoạt động thế nào và có thực sự sẽ làm da và răng bạn trắng bóc như quảng cáo hay không?
Nội dung bài viết
Than hoạt tính là gì?
Nguyên liệu để làm ra than là các thành phần tự nhiên giàu cacbon như gỗ, vỏ dừa, hoặc cây tre. Để tạo ra than hoạt tính, quá trình sẽ cần phải trải qua một giai đoạn xử lý đặc biệt nữa bằng nhiệt hoặc hoá chất để giúp “kích hoạt” cacbon. Sau sự kích hoạt này, than sẽ xuất hiện muôn vàn các lỗ nhỏ li ti trên bề mặt của mình, thành phẩm này được gọi là than hoạt tính.
Công dụng của than hoạt tính
Các lỗ nhỏ trên bề mặt của than hoạt tính đóng vai trò tiên quyết trong khả năng làm sạch của nó, khiến các chất bẩn dễ dàng bị kẹt lại và lấy đi. Cũng giống hệt như miếng bọt biển rửa bát, nhờ vào cấu trúc nhiều lỗ nhỏ mà dễ dàng đánh bay được dầu mỡ lì lợm trên bát đĩa trong khi các loại khăn lau bình thường phải bó tay.
Nhờ vào khả năng làm sạch hiệu quả của mình, than hoạt tính được ứng dụng triệt để trong các công tác vệ sinh như khử độc trong y tế, làm mặt nạ, khẩu trang, khử khói bụi ô nhiễm môi trường, lọc nước và còn xuất hiện cả trong các sản phẩm chăm sóc vệ sinh cá nhân, tiêu biểu là kem đánh răng và sữa rửa mặt.
Những hạn chế của than hoạt tính
Khả năng tẩy rửa sạch sẽ của than hoạt tính là điểm lợi tuy nhiên cũng là một nhược điểm bởi nó không phân biệt được đâu là chất có lợi và đâu là chất có hại để làm sạch chọn lọc. Vì thế, than hoạt tính tuy được ứng dụng để xử lý các vụ ngộ độc nhưng lại không phải là ‘đồ ăn’ lý tưởng vì chúng hút luôn các chất dinh dưỡng, thậm chí có thể gây táo bón hoặc nôn mửa. Tuy vậy, nhìn chung than hoạt tính an toàn khi hấp thụ, các tác dụng phụ là khá hiếm gặp.
Bên cạnh đó cũng chưa có bằng chứng khoa học đáng kể nào về công dụng làm trắng răng hay da của than hoạt tính mà hoàn toàn chỉ là những lời đồn đại hay những quảng cáo xa vời của người bán. Cơ chế hoạt động của than hoạt tính hoàn toàn là vật lý chứ không phải phản ứng sinh hoá nào đặc biệt nên không thể kích trắng đột ngột được. Thêm nữa, nếu còn nhớ chút kiến thức hoá học hồi cấp 3, bạn có thể sẽ nhận ra rằng cacbon là nguyên tử khá trơ lỳ, gần như không phản ứng với các chất khác ở điều kiện thường mà phải cần đến các xúc tác đặc biệt. Bởi vậy, công dụng lớn nhất của than hoạt tính trong mỹ phẩm là giúp làm sạch, trừ khuẩn giúp cải thiện vệ sinh chứ khó có thể làm trắng được.
Kết
Theo mình thì than hoạt tính và các nguyên liệu chứa thành phần cacbon tương tự (như tinh than tre) lành tính và không gây ra các vấn đề về sức khoẻ khi hấp thụ hay dùng trên da, thậm chí là một chất làm sạch khá ổn. Tuy vậy đừng quá kỳ vọng vào tác dụng làm trắng của chúng mà hãy đơn giản coi nó như miếng bọt biển giúp việc vệ sinh cá nhân trở nên hiệu quả hơn giống như các chất làm sạch khác.
Đọc thêm về than hoạt tính
What Is Activated Charcoal Good For? Benefits and Uses – Healthline
Activated Charcoal – Webmd
What are the benefits of activated charcoal? – Medical News Today
Activated Charcoal In Skincare – The Science – Lab Muffin
Đọc thêm: 10 lầm tưởng phổ biến về chăm sóc da