Mặc dù ít phổ biến hơn tẩy da chết vật lý và hoá học tuy nhiên sử dụng enzyme cũng đem lại những lợi ích nhất định cho da.
Mỗi phương pháp tẩy da chết lại có một cơ chế riêng. Nếu tẩy da chết vật lý dùng tác động lực để lấy đi lớp tế bào da ngoài cùng, tẩy da chết hoá học làm suy yếu liên kết giữa các tế bào da khiến chúng tách nhau ra thì tẩy da chết sinh học lại giúp tiêu sừng thông qua sự “ăn mòn” các protein.
Nội dung bài viết
Tại sao lại dùng enzyme để tẩy da chết?
Enzyme là các protein đặc biệt giúp điều khiển hoạt động sống 1 bằng việc phân tách, chuyển hoá protein hoặc tham gia xúc tác các phản ứng sinh hoá trong cơ thể 2.
Trong skin care, enzyme được sử dụng để tiêu sừng là proteolytic enzyme hay còn gọi là peptidases, proteases hoặc proteinases. Nguồn enzyme này chủ yếu được chiết xuất từ quả dứa (bromelain enzyme) và đu đủ (papain enzyme), hoặc từ một số loại hoa quả khác như măng tây, kiwi, gừng,… 3. Proteases được cho là có thể giúp tiêu sừng thông qua cơ chế ăn mòn các tế bào da chết đồng thời thúc đẩy quá trình sinh học trên da 4.
Lợi thế của enzyme
So với tẩy da chết vật lý và hoá học, tẩy da chết sinh học được coi là nhẹ nhàng hơn bởi chúng gần tương tự với cơ chế lột da tự nhiên. Một nghiên cứu của Beloff và Peters vào năm 1958 cho thấy da người và các loài động vật như chuột, thỏ, lợn có hoạt động của enzyme proteolytic ở môi trường pH trung tính 5. Enzyme này tham gia vào quá trình bóc tách các tế bào chết (desquamation) trong điều kiện đầy đủ về độ ẩm 6.
Thêm vào đó, có những nghiên cứu chỉ ra việc sử dụng bromelain (chiết xuất từ thân cây dứa) có chức năng chống sưng viêm, chữa bỏng, giúp mau lành vết thương và cản trở sự phát triển các tế bào ung thư 7; còn việc sử dụng papain trên da được ghi chép giúp kiểm soát sưng phù 8, làm lành vết thương và dịu vết bỏng 9
Không chỉ vậy, proteolytic enzymes còn được dùng để cải thiện các tác dụng của các loại mỹ phẩm, nhất là tăng khả năng dưỡng ẩm của kem dưỡng 10.
Hạn chế của enzyme
Từ xa xưa, chiết xuất cây đu đủ và dứa đã được sử dụng trong điều trị các tổn thương da, tuy nhiên lại chưa có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh tác dụng của enzyme trong skin care hiện đại. Mình tìm được một review được viết bởi đúng một tiến sĩ về ứng dụng của enzyme trong dược mỹ phẩm mà ông này lại có một chút mâu thuẫn lợi ích (conflict of interest) vì làm cố vấn cho nhiều nhãn hàng cosmetic.
Trên thị trường, các sản phẩm thuần tẩy da chết sinh học khá hiếm hoi. Không biết vì lý do gì, có thể do enzyme thiếu ổn định hoặc kén môi trường hoạt động mà nó thường chỉ được đóng vai phụ mờ nhạt trong các sản phẩm, làm nền cho các hoạt chất khác.
Mặc dù enzyme khá lành tính và gần như không đem lại các tác dụng phụ trầm trọng khi sử dụng nhưng không thích hợp với những người bị dị ứng. Nếu bạn dị ứng với đu đủ, dứa hoặc loại quả nào thì cũng không nên sử dụng sản phẩm chiết xuất từ loại quả ấy. Hơn nữa, theo một nghiên cứu được trích trên tạp chí điều tra da liễu (Journal of Investigative Dermatology), enzyme papain được báo cáo có khả năng gây kích ứng tương đối cao 11
Kết luận
Mặc dù không phải là một phương pháp tẩy da chết phổ biến nhưng enzyme cũng có những chứng cứ ủng hộ nhất định. Nếu không dị ứng với các loại hoa quả dùng để chiết xuất enzyme cộng thêm với làn da quá nhạy cảm với các sản phẩm tẩy da chết thông thường, enzyme cũng là một lựa chọn mà bạn nên thử.
Đọc thêm: AHA giải pháp cho da sạch mịn, sáng bóng
Đọc thêm: Tẩy da chết hoá học với BHA
Nguồn tham khảo
- Chemistry.elmhurst.edu. (2018). Enzymes. [online] Available at: http://chemistry.elmhurst.edu/vchembook/570enzymes.html [Accessed 19 Sep. 2018].
- Del Rosso, J. Q. (2013). Application of Protease Technology in Dermatology: Rationale for Incorporation into Skin Care with Initial Observations on Formulations Designed for Skin Cleansing, Maintenance of Hydration, and Restoration of the Epidermal Permeability Barrier. The Journal of Clinical and Aesthetic Dermatology, 6(6), 14–22.
- Healthline. (2018). Proteolytic Enzymes: How They Work, Benefits and Sources. [online] Available at: https://www.healthline.com/nutrition/proteolytic-enzymes#section1 [Accessed 19 Sep. 2018].
- Lab Muffin Beauty Science. (2018). How do enzyme exfoliants work? – Lab Muffin Beauty Science. [online] Available at: https://labmuffin.com/how-do-enzyme-exfoliants-work/ [Accessed 19 Sep. 2018].
- Martin, C. and Axelrod, A. (1958). The proteolytic enzyme system of skin. Biochimica et Biophysica Acta, 30(1), pp.79-87.
- Del Rosso, J. Q. (2013). Application of Protease Technology in Dermatology: Rationale for Incorporation into Skin Care with Initial Observations on Formulations Designed for Skin Cleansing, Maintenance of Hydration, and Restoration of the Epidermal Permeability Barrier. The Journal of Clinical and Aesthetic Dermatology, 6(6), 14–22.
- Baumann, L. (2008). Bromelain (Pineapple Extract). COSMECEUTICAL CRITIQUE, p.34.
- Nutritionreview.org. (2018). Controlling Inflammation with Proteolytic Enzymes | Nutrition Review. [online] Available at: https://nutritionreview.org/2013/04/controlling-inflammation-proteolytic-enzymes/ [Accessed 19 Sep. 2018].
- Leite AP, de Oliveira BG, Soares MF, Barrocas DL (2012), Use and effectiveness of papain in the wound healing process: a systematic review]. 33(3):198-207. Review. Portuguese
- Del Rosso, J. Q. (2013). Application of Protease Technology in Dermatology: Rationale for Incorporation into Skin Care with Initial Observations on Formulations Designed for Skin Cleansing, Maintenance of Hydration, and Restoration of the Epidermal Permeability Barrier. The Journal of Clinical and Aesthetic Dermatology, 6(6), 14–22.
- Papain Degrades Tight Junction Proteins of Human Keratinocytes In Vitro and Sensitizes C57BL/6 Mice via the Skin Independent of its Enzymatic Activity or TLR4 Activation, Stremnitzer, Caroline et al. Journal of Investigative Dermatology , Volume 135 , Issue 7 , 1790 – 1800