Có lẽ đã không ít lần bạn nghe đâu đó rằng paraben đem lại nhiều tác hại cho sức khoẻ, thậm chí là gây ung thư và vô sinh. Nhiều nhãn hàng ‘tự nhiên’, ‘organic’ cũng thích cộp nhãn ‘paraben free’ như một niềm tự hào rằng mình an toàn, không cần chất bảo quản. Nhưng nếu paraben nguy hiểm đến vậy, tại sao phần lớn các sản phẩm trên thị trường đều chứa chất này? Có khi nào paraben lại chung số phận giống như cồn, silicone, chịu tiếng xấu bởi những tin đồn thiếu cơ sở?

Paraben trong mỹ phẩm dùng để làm gì?

Paraben là một hợp chất không màu, không mùi, thường được sử dụng làm chất bảo quản trong mỹ phẩm 1. Paraben giúp mỹ phẩm không bị ẩm mốc và ngăn chặn sự hình thành của vi khuẩn, nấm, men. Không có chất bảo quản như paraben thì mỹ phẩm sẽ hỏng rất nhanh sau khi mở nắp.

Các loại paraben thường thấy trong mỹ phẩm bao gồm Methylparaben, Ethylparaben, Propylparaben, Isopropylparaben, Butylparaben, Isobutylparaben, Benzylparabe; trong đó thường thấy nhất là methylparaben propylparaben.

Ứng dụng của paraben trong mỹ phẩm và thực phẩm đã có từ thế kỷ trước, chắc cũng đã phải đến gần 100 năm. Cho đến nay, đây vẫn là chất bảo quản phổ biến nhất có mặt trong hầu hết các sản phẩm ngoài thị trường.

Các tác hại của paraben hay được nhắc tới

Tác hại của paraben thì cả thế giới nghe rồi chứ không phải bây giờ mới tiết lộ. Những nhãn hàng mang phong cách tự nhiên, ‘organic’ thì càng truyền bá thông điệp ‘không paraben’ một cách mạnh mẽ. Nhưng liệu trong số các tác hại về paraben mà bạn được nghe thì liệu có mấy cái đáng quan ngại thực sự?

Paraben không phân rã hoàn toàn khi hấp thụ vào cơ thể

Paraben bản chất là một loại ester (a.k.a. dung hợp của cồn và acid hữu cơ), khi đi vào cơ thể sẽ được thuỷ phân thành ankyl alcohol và p-hydroxybenzoic acid thông qua hoạt động của enzyme esterase.

Nhiều nghiên cứu trên chuột và tế bào người cho thấy paraben thuỷ phân không hoàn toàn, thậm chí hiệu suất thuỷ phân khá kém 2. Bên cạnh đó, một thí nghiệm sử dụng kem bôi ngoài da chứa paraben nồng độ 2% trên 26 nam giới khỏe mạnh, sau khi đo lường máu và nước tiểu đã phát hiện ra paraben còn tồn tại lượng nhỏ chưa phân huỷ hết 3.

Tuy nhiên những nghiên cứu trên phương pháp không lý tưởng vì chủ yếu tiến hành trên động vật và tế bào chứ không phải trên cơ thể người sống thật. Có 1 thí nghiệm được thực hiện trên người thì hàm lượng paraben sử dụng lại quá cao so với mức cho phép (0.8%) nên kết luận cũng không thực sự mang ý nghĩa thực tiễn.

Khi thí nghiệm được tiến hành trên mẫu da người thật với mỹ phẩm ngoài thị trường thì kết quả lạc quan hơn hẳn với hầu hết paraben đều được chuyển hoá thành ankyl alcohol và hydroxybenzoic acid (Lobemeier et al. 1996 4, Fasano 2005 5).

-> Như vậy, có thể tạm kết luận là khả năng paraben trong mỹ phẩm thông thường lọt vào cơ thể là rất thấp. Tuy vậy, do ngày nào chúng ta cũng sử dụng nhiều loại mỹ phẩm khác nhau có chứa paraben, hàm lượng nhỏ này có thể tích tụ dần, qua nhiều năm trở thành một khối lượng đáng kể. Nghiên cứu về sự tích tụ paraben trong cơ thể người qua thời gian dài hiện nay chưa có nên không thể biết được là có gây ra ảnh hưởng gì cho sức khoẻ hay không.

Paraben gây ung thư vếu

Một vài nghiên cứu chỉ ra paraben có liên hệ tới một vài tác nhân gây ung thư vú. Nakagawa và Moldeus (1998) 6 đề xuất rằng paraben làm giảm năng lượng nội bào từ đó gây chết tế bào, là tác nhân gián tiếp gây ung thư. Một nghiên cứu khác vào năm 2004 của Darbre và đồng bọn 7 phát hiện sự có mặt của paraben trong tế bào ung thư vếu.

-> Từ đây tạm kết luận là paraben có mối tương quan lờ mờ với ung thư vú. Lờ mờ đến đâu thì còn phải chờ một nghiên cứu chuẩn chỉnh chính xác hơn được thực hiện trên người trong tương lai.

Paraben gây vô sinh

Có một số nghiên cứu kết luận paraben làm tịt đường sinh sản của chuột đực. Một số nghiên cứu khác trên chuột thì phản bác, bảo là không gây làm sao hết 8.

-> Tạm kết luận là chưa kết luận được gì.

Paraben gây ung thư da

Cũng mới chỉ có các nghiên cứu trên chuột và chưa có nghiên cứu nào chỉ ra mối quan hệ trực tiếp giữa paraben và ung thư da. Ishiwatari (2005) 9 có đề xuất rằng paraben kích thích quá trình biệt hoá tế bào da (keratinocyte) và thúc đẩy sự lão hoá, làm gia tăng các vấn đề da liễu, tuy nhiên không có đủ bằng chứng chắc chắn để chứng minh nhận định này

-> Tạm thời chưa đủ chứng cớ để kết luận là paraben gây ung thư da

Paraben gây kích ứng da

Các nghiên cứu chỉ ra paraben nồng độ thấp trong các loại mỹ phẩm gần như không làm da bị kích ứng, ngứa rát, nổi mẩn 10

Các nghiên cứu về paraben có đáng tin?

Như đã trình bày bên trên, các bạn có thể thấy là mặc dù các nghiên cứu về tác hại của paraben nghe đáng sợ nhưng đa phần chúng được thực hiện với phương pháp thiếu lý tưởng. Phần nhiều các thí nghiệm được thực hiện trên chuột, tế bào hoặc mẫu da, không thể so sánh với da trên cơ thể người sống tươi roi rói được. Những thí nghiệm được thực hiện trên cơ thể người thật thì lại sử dụng kem bôi paraben nồng độ quá cao so với thực tế. Còn những phát hiện về sự tồn tại của paraben trong máu, dịch lỏng hoặc tế bào ung thư này kia thì cũng chỉ dấy lên được sự nghi ngờ chứ không chứng minh được là paraben có thực sự gây ra ung thư hay không.

Hiện tại chưa có nghiên cứu nào đủ tốt để chứng minh chắc chắn tác hại của paraben. Có một điều chúng ta có thể thấy là suốt gần 100 năm ứng dụng paraben trong mỹ phẩm, thậm chí là thực phẩm, vẫn chưa có ca ngộ độc hay chết yểu nào được báo cáo với nguyên nhân trực tiếp là từ paraben. Vậy nên dù sao, đây cũng là vấn đề cần chờ thêm nghiên cứu để xác nhận.

Có nên tránh paraben không?

Các nghiên cứu về tác hại của paraben tuy chưa đủ độ chính xác nhưng dù sao cũng là những bằng chứng không thể hoàn toàn phớt lờ. Nếu bạn tránh được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu, còn không tránh được thì thực ra cũng không sao cả, hãy cân nhắc những điều sau.

Thứ nhất, paraben được các tổ chức lớn công nhận là an toàn với nồng độ thấp trong đó có CTFAFDA. Bên cạnh đó suốt cả trăm năm lịch sử ứng dụng, chưa có báo cáo ghi nhận ca chết yểu nào vì paraben cả.

Thứ hai, bạn không thể dùng mỹ phẩm không có chất bảo quản được vì chúng sẽ hình thành nấm mốc, vi khuẩn trong một nốt nhạc. Bôi cái đống vi sinh vật đấy lên da còn tồi tệ hơn là bôi chất bảo quản.

Thứ ba, nhiều loại mỹ phẩm không dùng paraben nhưng lại dùng các chất bảo quản khác ít được nghiên cứu và thậm chí còn nguy hiểm hơn. Paraben chả tốt đẹp gì nhưng ít ra chúng ta cũng biết các mặt xấu của nó rồi, không quá đáng kể và người tiêu dùng toàn cầu vẫn sống được với nó suốt gần thế kỷ nay.

Thứ cuối, nếu bạn nhìn xung quanh thì không chỉ mỹ phẩm mà thậm chí thực phẩm mà bạn ăn vào cũng có chứa chất bảo quản và thậm chí là những chất được coi là độc hại hơn paraben nhiều lần. Nếu kiên quyết từ bỏ ‘hoá chất độc hại’ trong tất cả các sản phẩm hàng ngày thì cách duy nhất bạn có thể làm là cởi bỏ quần áo, đóng lấy một cái khố và chuyển hộ khẩu vào rừng cư trú ngay lập tức. Còn chỉ bỏ paraben trong mỹ phẩm không thì mình thấy cũng chẳng cải thiện được gì mấy.

Nguồn tham khảo

  1. Final Report on the Safety Assessment of Isobutylparaben and Isopropylparaben – International Journal of Toxicology
  2. Paraben esters: review of recent studies of endocrine toxicity, absorption, esterase and human exposure, and discussion of potential human health risks – Philippa D. Darbre and Philip W. Harvey
  3. Systemic uptake of diethyl phthalate, dibutyl phthalate, and butyl paraben following whole-body topical applica- tion and reproductive and thyroid hormone levels in humans – Janjua NR, Mortensen GK, Andersson AM, Kongshoj B, Skakkebaek NE, Wulf HC. 2007
  4. Hydrolysis of parabens by extracts from differing layers of human skin – Lobemeier, C. C. Tschoetschel, S. Westie, and E. Heymann
  5. Butylparaben: In vitro kinetics and metabolism using full thickness human skin – Fasano, W.J.
  6. Mechanism of p-hydroxybenzoate ester-induced mitochondrial dysfunction and cytotoxicity in isolated rat hepatocytes – Nakagawa, Y., and P. Moldeus
  7. Concentrations of parabens in human breast tumours – Darbre PD, Aljarrah A, Miller WR, Coldham NG, Sauer MJ, Pope GS.
  8. Final Amended Report on the Safety Assessment of Methylparaben, Ethylparaben, Propylparaben, Isopropylparaben, Butylparaben, Isobutylparaben, and Benzylparaben as used in Cosmetic Products – International Journal of Toxicology
  9. Effect of methyl paraben on skin keratinocytes – Ishiwatari, S., T. Suzuki, T. Hitorni, T. Yoshino, S. Matsukurna, T. Tsuji, O. Handa, S. Kokura, and T. Yoshikawa. 2005.
  10. Acute oral, dermal. and mucous membrane toxicity testing of product containing Butylparaben and Propylparaben – CTFA. 1980