Kem chống nắng có gây gây ung thư da, làm da kích ứng hay để lại các tác hại lâu dài trên da?

Gần đây, có vài thông tin cho rằng sử dụng kem chống nắng lâu dài có thể gây tổn hại, thậm chí ung thư da. Một số beauty blogger còn tuyên truyền quan điểm không dùng kem chống nắng ¯\_(ツ)_/¯. Liệu nỗi lo này có cơ sở hay không, kem chống nắng có những mặt trái nào mà chúng ta cần đề phòng và lưu ý?

Kem chống nắng hữu cơ và vô cơ

Trước khi đề cập tới các tác hại đang được tranh cãi của kem chống nắng thì mình phải nói qua một chút về hai loại kem chống nắng trên thị trường.

Kem chống nắng ‘vật lý’ và ‘hoá học’ mà chúng ta hay gọi thực ra có cái tên chính xác hơn là kem chống nắng ‘vô cơ’ và ‘hữu cơ’ dựa vào thành phần của nó

Kem chống nắng vật lý chứa hai thành chất vô cơ tiêu biểu nhất là kẽm oxide (ZnO) và Titanium dioxide (TiO2). Các chất này có khả năng chống nắng quang phổ tương đối rộng tuy nhiên khi sử dụng hay để lại một lớp màng trắng trên da gây mất thẩm mỹ. Để khắc phục vấn đề này, người ta nghĩ ra cách đập nhỏ phân tử ZnO và TiO2 ra thành các hạt nhỏ kích cỡ nano (nanoparticles). Từ đó khi thoa lên da, màng trắng trông sẽ bớt lộ liễu kinh dị.

Kem chống nắng hoá học bao gồm các thành phần hữu cơ (có chứa cacbon và hydro trong phân tử) như Avobenzone, Oxybenzone, Dioxybenzone,… . Các thành phần này khi thoa lên da không tạo vệt trắng, bám da lâu hơn tuy nhiên độ quang phổ chống nắng thường hẹp. Bên cạnh đó, chúng còn dấy lên một số nghi ngờ về độ an toàn khi sử dụng trên da.

Quan ngại về tác hại của thành phần chống nắng vô cơ

Nhìn chung các thành phần chống nắng vô cơ ở kích thước thông thường khá an toàn. Chúng không hấp thụ vào da, ổn định và dễ rửa trôi. NHƯNG, quan ngại lại nảy sinh khi các chất này được đập nhỏ thành dạng nano, rằng hạt kích thước nhỏ có dễ dàng lọt qua da và đi vào cơ thể.

Nếu điều này xảy ra thì có hai hệ luy có thể dẫn tới. Đầu tiên, cơ thể nhận thấy các chất xâm lăng bất ngờ từ bên ngoài sẽ kích thích hệ miễn dịch để đào thải gây kích ứng. Thứ hai và trầm trọng hơn cả đó là các chất vô cơ phân tử bé lọt vào mạch máu và tích tụ dần trong cơ thể qua năm tháng dẫn đến những nguy cơ nguy hiểm tiềm tàng về lâu dài 1.

Bên cạnh đó, thành phần chống nắng vật lý kích thước nhỏ thiếu ổn định hơn dưới tác động của ánh nắng. Nôm na là nắng kích thích khiến chúng tích lũy năng lượng, ‘nóng’ lên và có nhu cầu phải xả năng lượng đó sang các phân tử xung quanh. Phản ứng dây chuyền này khiến da bị kích ứng (tuy không đáng kể), đồng thời tạo các gốc tự do tấn công tế bào da khiến chúng ta mau già 2.

Nghe những tác hại trên có vẻ rất kinh khủng nhưng bạn cũng không cần thiết phải quan ngại quá. Hiện tại, các nghiên cứu trên tế bào và động vật đều đồng ý rằng ZnO và TiO2 phân tử nano gần như không thẩm thấu trên da lành lặn.

Hơn nữa, khi sản xuất kem chống nắng vật lý, các nhà sản xuất đã tính hết đến các tác động bất lợi của chúng. Giải pháp được đưa ra đó là gói các phân tử kích thước nano vào trong lớp màng đặc biệt làm bằng silica hoặc dimethicone để tăng độ ổn định, ngăn không cho chúng lọt vào da, hoặc đưa các chất chống oxy hoá vào sản phẩm giúp trung hòa lại các gốc tự do chẳng may hình thành 3.

Quan ngại về tác hại của thành phần chống nắng hữu cơ

Thành phần chống nắng hữu cơ bao gồm rất nhiều chất và không phải chất nào cũng có hồ sơ an toàn giống nhau. Trong khi sulisobenzone, bemotrizinol được đánh giá là an toàn và ổn định cao, oxybenzone, avobenzone và octocrylene lại bị các nghiên cứu chỉ ra là thiếu ổn định dưới tác động ánh nắng và có nguy cơ gây kích ứng 4.

Không chỉ vậy, một số chất còn có thí nghiệm chỉ ra là có tác động làm thay đổi hóc môn như 4-MBC, oxybenzone, dioxybenzone, OMC. Mặc dù cũng phải lưu ý rằng đa phần các thí nghiệm này không có phương pháp lý tưởng, được thực hiện trên động vật, tế bào, qua đường uống chứ không phải trên thực tiễn sử dụng trên da người thật nên độ tin cậy cũng không quá cao. Nhưng nếu bạn lo xa mà quan ngại thì cũng chả trách được vì nếu điều này xảy ra trên người thật thì đúng là méo vui tí nào 5.

Trên thực tế thì bạn không cần thiết phải hốt hoảng vứt hết đống kem chống nắng hoá học nhà mình vào sọt rác vì nhà sản xuất cũng tính hết các tác động kể trên rồi. Để ngăn chặn các hệ quả không mong muốn của kem chống nắng hóa học, họ cũng nghĩ cách bọc chúng lại trong những lớp màng hoá chất hoặc kim loại có tính trơ hoặc sử dụng chúng kèm với các chất ổn định khác.

Thiếu Vitamin D

Không phải lúc nào tác động của ánh nắng cũng tai hại chỉ tàn phá da không mà chúng cũng có các lợi ích nhất định. Tia UVB là nhân tố giúp điều hoà quá trình tổng hợp vitamin D cho cơ thể. Đây là loại vitamin quan trọng cho sức khỏe xương khớp. Đó là lý do tại sao bạn hay được nghe khuyên là nên tắm nắng vào trước 9h sáng và sau 5h chiều.

Vậy sử dụng kem chống nắng nhiều có cản trở quá trình tổng hợp vitamin D trên da? Một vài nghiên cứu đã chỉ ra là nghi ngại này có cơ sở khi đo lường trên nhóm người sử dụng kem chống nắng cho thấy hàm lượng vitamin D tổng hợp trên da ít hơn hẳn 6.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc cơ thể sẽ bị thiếu hụt vitamin D khi lạm dụng kem chống nắng. Trên thực tế, một văn bản học thuật tổng hợp vào năm 2009 chỉ ra mặc dù sử dụng biện pháp chống nắng làm giảm lượng vitamin D tổng hợp qua da, khả năng cơ thể bị thiếu chất là rất thấp. Điều này có thể được giải thích là do chúng ta không thể phủ kem chống nắng đến mọi bộ phận trên trên cơ thể. Những điểm da lòi ra ngoài tiếp xúc với ánh nắng vẫn có thể hấp thụ và tổng hợp vitamin D. Bên cạnh đó, chế độ ăn nhiều cá, nấm hoặc sử dụng thực phẩm chức năng bổ trợ cũng bù vào lượng vitamin D thiếu hụt.

Dùng kem chống nắng có gây nổi mụn?

Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra mối tương quan giữa kem chống nắng và sự hình thành mụn trên da có lẽ bởi vấn đề về mụn rất phức tạp, được hình thành do nhiều nguyên nhân chứ không thể đổ thừa chỉ tại một loại mỹ phẩm nào đấy.

Nhưng đúng là các thành phần chống nắng vật lý và một số thành phần hoá học có thể gây bí da. Bạn cứ tưởng tượng kem chống nắng giống như một lớp áo quần bạn khoác lên da của mình để chống lại tác động của tia UV, nên là nó cứ nằm chềnh ềnh trên da bạn cả ngày vậy thôi chứ thấm đi chỗ khác thì làm gì còn tác dụng đúng không?

Các bạn da dầu sợ bít tắc lỗ chân lông thì cần chịu khó tìm các dòng kem chống nắng khô thoáng, không nhờn, bết, dính. Đồng thời cũng có thể tiến hành cleansing thêm lần nữa vào mỗi buổi chiều cho da sạch sẽ.

Bây giờ đánh đổi giữa sự bất tiện khi dùng kem chống nắng và không dùng thì thà bạn dùng còn hơn. Vì nếu da không được bảo vệ cẩn thận sẽ bị tàn phá nặng nề, khô đi, cấu trúc da sẽ sập xệ và nguy cơ hình thành mụn còn cao hơn.

Kết luận

Nói chung kết lại là bạn vẫn cứ sử dụng kem chống nắng bình thường như từ trước tới nay bạn hay dùng, các nhà sản xuất đã phải trải qua quá trình kiểm định chất lượng ngặt nghèo (nhất là ở châu Âu) để sản phẩm được bày bán nên bạn có thể tự tin bôi đắp mà không cần lo lắng. Sử dụng kem chống nắng vẫn là biện pháp cần thiết để giúp giảm thiểu tác hại của tia UV lên da 7.

Các nghiên cứu về thành phần kem chống nắng chưa có thí nghiệm lâm sàng trên người, nhất là trong điều kiện môi trường thực tế nên còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ không ai dám khẳng định chắc chắn. Về cơ bản, miễn là chúng không lọt sâu vào cơ thể thì không sao hết. Đây là lý do mình không thích dùng xịt chống nắng vì độ phủ vừa kém, lỡ mỗi lần xịt lại lỡ hít một tí vào thì cuốn phim cuộc đời nó ngắn tập lắm luôn.

Bạn cũng nên nhớ rằng thường xuyên mặc quần áo chống nắng và hạn chế ra ngoài đường vào giờ nắng nóng đỉnh điểm là cách chống nắng đơn giản mà hiệu quả.

Nguồn tham khảo


  1. Nanoparticles in skin care: The risks may trump the rewards – Smart Skincare
  2. Literature Review on the safety of titanium dioxide and zinc oxide nanoparticles in sunscreens – Australia government Department of Health
  3. Active sunscreen ingredients in Australia – Australian Journal of Dermatology
  4. Active sunscreen ingredients in Australia – Australian Journal of Dermatology
  5. Active sunscreen ingredients in Australia – Australian Journal of Dermatology
  6. Current challenges in photoprotection –  Henry W.Lim et al.
  7. Tips to Stay Safe in the Sun: From Sunscreen to Sunglasses – FDA