Có những cục mụn nhìn bình thường như bao cục mụn bình thường khác. Nhưng khổ là dù cho bạn uống thuốc hay bôi gì vào cũng không khiến cục mụn ấy lặn đi. Rất có thể bạn đang nhiễm phải mụn nấm – một loại mụn không được bình thường như các cục mụn bình thường khác cho lắm.

Mụn nấm là gì

Vi khuẩn nấm (tên khoa học là Pityrosporum hay malassezia folliculitis) tồn tại tự nhiên trên khoảng 92% dân số thế giới. Vì một số những tác động không mấy thuận lợi của môi trường, nội tiết tố, các vi khuẩn này phát triển, lọt vào sâu trong da làm lỗ chân lông nhiễm nấm. Sau khi bị nhiễm nấm, lỗ chân lông trở nên viêm sưng và hình thành triệu chứng mụn nấm như chúng ta hay gọi.

Một điều quan trọng mà bạn cần biết đó là malassezia ăn lipids (chất béo) để tồn tại. Nên những thứ khiến da trở nên nhờn ẩm đều tạo điều kiện để malassezia sinh sôi nảy nở. Đây cũng là lý do mà mụn nấm thường xuất hiện ở giai đoạn từ dậy thì cho đến 30 tuổi, khoảng thời gian mà tuyến bã nhờn hoạt động mạnh nhất.

Cách nhận biết và phân biệt với mụn viêm sưng (acne vulgaris)

Dưới đây là một số hình ảnh của mụn nấm để bạn nhìn và nhận biết bằng mắt. Hoặc không thì bạn tra trên Google để ra nhiều hình ảnh nhìn cho nó sướng.

nhận biết và điều trị mụn nấm

Mụn nấm thường xuất hiện ở các vùng da nhiều dầu, tiết nhiều mồ hôi và dễ bí bách. Điển hình hay mọc trên mặt, ngực, lưng và cánh tay. Nhìn bằng mắt, mụn nấm là các đốm lồm cồm li ti, thậm chí sưng đỏ nhìn giống hệt mụn bình thường. Tuy nhiên mụn nấm thường nổi chi chít vào với nhau còn mụn sưng thì có thể mọc lẻ tẻ mỗi cái một vùng da.

Vì mụn nấm bị gây ra bởi nấm (fungus) chứ không phải vi khuẩn (bacteria) nên sử dụng các biện pháp diệt trừ vi khuẩn thông thường như bôi benzoyl peroxide hoặc dùng kháng sinh sẽ không ăn thua, thậm chí còn làm rối loạn nội tiết và làm nấm sinh sôi nhiều hơn. Vậy thì nếu bạn có mụn giống mô tả ở trên mà áp dụng các phương pháp trị mụn mãi không thấy chuyển biến gì thì khả năng cao là bạn đã nhiễm nấm.

Mụn nấm thường xuất hiện trên da dầu ẩm nên hay đi kèm với mụn ẩn, mụn bọc, mụn sưng, thậm chí là hiện tượng viêm da tăng tiết bã nhờn (seborrheic dermatitis).

Một đặc điểm phân biệt nữa giữa mụn nấm và acne vulgaris là mụn nấm thường tạo ra cảm giác rất ngứa và khó chịu. Mụn sưng thông thường cũng gây ngứa nhưng không dai dẳng và khó chịu như mụn nấm.

Phía trên là bốn dấu hiệu bạn có thể dựa vào để tự chẩn đoán xem mình có bị mụn nấm hay không. Còn để chắc chắn nhất thì hãy đi khám da liễu. Bác sĩ sẽ cạo nhẹ phần da sưng hoặc khám xét nội dung bên trong cục mụn dưới kính hiển vi để phát hiện nấm và kê cho bạn thuốc bôi và uống phù hợp.

Nguyên nhân hình thành mụn nấm

Tóm gọn lại là tất cả những gì làm da bạn ẩm dầu đều góp phần nuôi nấm. Các nguyên nhân cụ thể có thể được liệt kê như sau:

  • Cơ thể tiết nhiều mồ hôi, mồ hôi kẹt trong lớp quần áo bí bách lâu dần dẫn dễ làm nấm phát triển
  • Chất béo và hợp chất của chất béo trong mỹ phẩm bao gồm: Fatty Acid, Amino Acid, Ester (hợp chất của Alcohol và Fatty Acid – các thành phần đuôi ‘ate’ trong bảng thành phần như sopropyl palmitate, decyl oleate, glyceryl stearate), Polysorbate, Cholesterol, Ceramide, Lipid, các loại dầu dưỡng
  • Thành phần lên men, tiêu biểu là Glactomyce
  • Kem dưỡng khoá ẩm (occlusion) quá nặng làm bí và ẩm da.
  • Các loại thuốc làm thay đổi hóc môn và tăng tiết bã nhờn: thuốc kháng sinh, thuốc tránh thai, thuốc điều trị ung thư, v.v…
  • Các yếu tố về dinh dưỡng làm rối loạn nội tiết, tăng tiết bã nhờn như béo phì, rối loạn tiêu hoá

Cách điều trị mụn nấm

Để điều trị mụn nấm, hãy thử các cách dưới đây.

Thay đổi chu trình skincare:

  • Ngưng sử dụng tất cả các sản phẩm chứa thành phần fatty acid, amino acid, ester, ceramide (những chất liệt kê bên trên). Tạm dừng dầu dưỡng, dầu tẩy trang, các loại serum / toner nền dầu.
  • Đổi sang kem dưỡng lỏng nhẹ hoặc không dùng kem dưỡng nếu thời tiết quá nồm ẩm và da không có dấu hiệu mất nước
  • Sử dụng các hoạt chất làm sạch sâu và có tính năng tiêu sừng để vừa trị mụn, vừa làm sạch vi khuẩn nấm như Salicylic Acid, Sulfur
  • Dùng dầu tràm trà vì theo một số nghiên cứu chỉ ra, tràm trà có thể có tác dụng ngừa nấm
  • Routine skincare mình gợi ý chỉ cần ba bước sau: dùng SRM chứa salicylic acid. Chấm mụn bằng salicylic / sulfur (xem thử loại này nè). Sau đó dùng tăm bông chấm thêm tràm trà vào vết mụn nấm. Nếu da khô thì dùng kem dưỡng oil-free không chất béo, không ester cho da nhạy cảm.

Dùng một số loại thuốc bôi trị nấm có thể mua ngoài hiệu thuốc như sau:

  • Kem bôi chứa Ketoconazole, Spectazole (econazole), Clotrimazole, Ciclopirox olamine. Trong đó Ketoconazole có vẻ phổ biến nhất, dễ dàng mua ngoài hiệu thuốc.
  • Đổi sang dầu gội trị gàu và sữa tắm ngừa nấm có chứa Selenium Sulfide hoặc Ketoconazole nồng độ thấp

Nếu tham vấn được ý kiến của bác sĩ thì bạn có thể hỏi về việc sử dụng một số loại thuốc uống để quá trình điều trị được diễn ra nhanh chóng hơn. Trên thực tế thì dạng uống sẽ có hiệu quả tốt hơn dạng bôi rất nhiều. Một số thành phần uống trị nấm tiêu biểu bao gồm: Fluconazole, Itraconazole, Isotretinoin

Nguồn tham khảo

Ayers K, Sweeney SM, Wiss K. Pityrosporum Folliculitis: Diagnosis and Management in 6 Female Adolescents With Acne Vulgaris. Arch Pediatr Adolesc Med. 2005

Folliculitis, Pityrosporum (Malassezia Folliculitis) – Dermatology Advisor

Fungal Acne Explained – Simple Skincare Science