Bài viết đầy đủ, khoa học và cập nhật nhất về sự hình thành mụn và các biện pháp điều trị mụn.

Mụn là chủ đề vô cùng rộng và phức tạp đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó không phải ai bị mụn cũng có thể chung cách chữa. Để chăm sóc da mụn tốt nhất không gì tốt hơn bằng việc bạn trang bị đủ kiến thức trước đã.

Nhiều blog về làm đẹp cũng viết về chủ đề này nhưng rời rạc không đầy đủ nên mình quyết định đầu tư lớn thời gian để tổng hợp ra bài viết dài dòng này hy vọng sẽ khai thác được mọi khía cạnh của chủ đề mụn.

Mụn là gì

Mụn nhìn chung là trạng thái trên da bị gây ra khi dầu nhờn, tế bào da chết và lông bó cục lại với nhau mắc kẹt trong lỗ chân lông. Vi khuẩn có thể tham gia vào quá trình hình thành mụn bằng việc làm sưng phù khu vực da này 1.

Cơ chế hình thành mụn

Tiến trình hình thành mụn cụ thể hiện nay vẫn chưa được làm rõ. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng đầu tiên lỗ chân lông bị ách tắc do sự sản sinh quá độ của tế bào da chết và dầu nhờn trên da; sau đó vi khuẩn tấn công vùng da này gây sưng phù và hình thành mụn.

Tuy nhiên với các nghiên cứu có được ở thời điểm hiện tại thì lại cho thấy điều ngược lại mới là đúng: sưng phù có thể là bước đầu tiên trong sự hình thành mụn. Các hiện tượng khác đóng góp trong quá trình tạo mụn bao gồm sự sản sinh quá mức tế bào da, sự sản sinh quá mức dầu nhờn. Bên cạnh đó, trái với suy nghĩ của nhiều người, vi khuẩn, cụ thể là P.acne không phải là nguyên nhân gây ra mụn mà chỉ là một tác nhân khiến mụn thêm trầm trọng 2.
Acne vulgaris

Chính bởi vai trò tiên quyết của sự sưng phù trong quá trình hình thành mụn nên khoa học hiện đại còn coi vấn đề mụn như một bệnh lí sưng phù (inflammatory disease). “Bệnh” là bởi vì nó có thể diễn ra trong nhiều năm và có hiện tượng tái đi phát lại. Còn “sưng phù” là bởi nó gây ra bởi các nguyên tử gây sưng, nhất là interleukin-1 và interleukin-6 3.

Nguyên nhân gây ra mụn

Nguyên nhân gây ra mụn thì nhiều vô số kể, bạn có thể đã nghe rất nhiều các nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên trong số đó có những nguyên nhân có mối liên hệ rất cao với việc hình thành mụn và có những nguyên nhân đơn thuần là sự đồn thổi, không có nhiều bằng chứng chỉ ra sự tương quan. Dưới đây là bảng tổng hợp những thông tin cập nhật nhất mà mình tìm hiểu được về các tác nhân có thể gây ra mụn, bảng này sẽ được cập nhật bất cứ khi nào có thể.

Tác nhânMức độ tương quan với mụnGiải thích
Di truyềnRất caoDi truyền là một trong những yếu tố hàng đầu trong việc quyết định da có nhạy cảm với mụn hay không. Nếu gia đình bạn có ‘tiền sử’ sống chung với loài mụn thì khả năng cao bạn cũng khó thoát khỏi cục nợ này 4.
Hóc môn androgens (như testosterone)Rất caoAndrogens là nhóm hóc môn làm thúc đẩy các đặc tính ở nam giới như sự phát triển cơ quan sinh dục, cơ bắp, cấu trúc mỡ. Ở nam giới, hóc môn testosterone là loại androgen chủ yếu 5. Ở nữ giới, nồng độ androgens thấp hơn, đóng vai trò phát triển lông mu và điều hoà hoạt động một số cơ quan như gan, thận, xương và ham muốn sinh dục 6.Nghiên cứu khoa học chỉ ra khi nồng độ androgens tăng cao, tuyến dầu sẽ tiết nhiều dầu nhờn hơn tăng cao khả năng hình thành mụn 7.
Kết cấu dầu trên daRất caoNghiên cứu thành phần dầu trên da người bị mụn và người bình thường cho thấy hàm lượng acid béo trên da mụn là cao hơn hẳn. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt linoleic acid (omega-3) trên da cũng gây yếu da và khiến da dễ nổi mụn hơn 8.
Mức độ tiết dầu trên daTrung bìnhChưa rõ sự tiết nhiều dầu trên da có gây ra mụn trực tiếp không, tuy nhiên quan sát trên da mụn cho thấy những người này thường có làn da nhiều dầu hơn. Đồng thời có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối tương quan khá chặt chẽ giữa lượng dầu trên da và mụn 9.Sự sản sinh dầu quá độ không chắc là nguyên nhân duy nhất gây ra mụn, nhưng có thể đóng góp thúc đẩy các nguyên nhân khác. Ví dụ: da nhiều dầu là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn dễ sinh sôi phát triển hơn
Vi khuẩn P. AcneKhông trực tiếp – làm trầm trọng mụnPropionibacterium acne (P. acne) là một loại vi khuẩn sinh sống trong cơ thể người. Chúng sống ở trong môi trường dầu và không sống được ở nơi có oxy. P. acne thường được tìm thấy trong mụn, không trực tiếp gây ra mụn nhưng làm mụn trở nên sưng viêm do cơ thể gửi bạch cầu đến khu vực có vi khuẩn này để tấn công 10.
Bụi bẩnKhông phải nguyên nhânBụi bẩn không phải nguyên nhân gây ra mụn, mụn được sinh ra chủ yếu bởi các yếu tố bên trong cơ thể. Vậy nên, rửa sạch mặt không phải là biện pháp để chữa mụn 11.
Thủ dâmKhông tương quanKhông có bằng chứng nào cho thấy mối liên hệ giữa thủ dâm hay quan hệ tình dục và sự hình thành mụn
Các thao tác gây kích ứngRất caoBất cứ động tác nào tiếp xúc với da từ cọ xát, bóp nắn, kéo dãn, đè nén, tạo áp lực,… khi thực hiện một cách quá mạnh bạo đều có thể trở thành nguyên nhân gây kích ứng da và gây ra mụn. Hiện tượng này phổ biến đến mức các nhà khoa học đã đặt cho nó cái tên riêng “acne mechanica” 12.Hãy để ý các thao tác trên da hàng ngày như gãi ngứa, tì tay lên mặt, lau mồ hôi, xì mũi, nặn mụn, …; thậm chí kể cả việc chăm sóc da, nếu kì cọ quá mạnh, tẩy da chết quá độ hoặc dùng dụng cụ, máy rửa mặt quá nhiều đều có thể khiến da bị kích ứng và nổi mụn. Ở nam giới, mụn thường xuất hiện nhiều ở vùng cằm do việc cạo râu hàng ngày gây nên.
ChocolateKhông chắc chắnGần đây, có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ giữa việc tiêu thụ sô cô là và sự hình thành mụn. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào có phương pháp đủ thuyết phục nên chưa thể thực sự kết luận là sô cô la có gây ra mụn hay không 13.
StressKhông trực tiếp – làm trầm trọng mụnStress không trực tiếp gây ra mụn nhưng có thể làm trạng thái mụn hiện tại trở nên nghiêm trọng và kéo dài hơn 14 15 16.
Tiêu thụ thực phẩm có high-glycemic-indexKhông trực tiếp – làm trầm trọng mụnThực phẩm high-glycemic là các loại thực phẩm làm tăng đường huyết nhanh sau khi ăn. Về cơ bản, chúng bao gồm hầu hết các loại thực phẩm có hại như đồ ăn nhanh, nước ngọt, bánh, đường, bánh mì trắng, cơm trắng,… Có thể tham khảo thêm danh sách tại đây (chỉ số Glycemic Index – GI trên 70 được coi là cao)Quan sát cho thấy việc hấp thụ nhiều các loại thực phẩm có chỉ số GI cao làm kéo dài thời gian bị mụn. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu chỉ ra liệu thực phẩm có GI cao có phải nguyên nhân gây ra mụn hay không. Việc chuyển sang chế độ ăn các thực phẩm có GI thấp có thể giúp tình trạng mụn cải thiện 17.
Tiêu thụ các sản phẩm từ sữa bò (dairy products)Không chắc chắnNhiều nhà khoa học cho rằng sữa có chứa hóc môn tăng trưởng insulin như IGF-1 có khả năng sẽ làm cơ thể tiết ra nhiều androgens hơn từ đó tiết ra nhiều dầu và gây ra mụn 18. Tuy nhiên những nghiên cứu này được cho là chưa đủ thuyết phục và cần phải có nhiều bằng chứng hơn nữa để thực sự kết luận mối quan hệ giữa sản phẩm từ sữa và mụn 19.
Omega-3Không trực tiếp – giúp cải thiện mụnOmega-3 là một loại acid béo thiết yếu mà cơ thể cần để hoạt động một cách bình thường, chúng thường có trong các loại cá, nhất là cá hồi, cá ngừ, các loại thực vật dạng cỏ như tảo,… 20Omega-3 có thể giúp giảm mụn trên da thông qua khả năng giảm sưng phù, ngăn chặn sự phát triển của khuẩn và làm lành vết thương 21.
Thiếu kẽm (zinc)Rất caoKẽm là một vi chất cần thiết cho cơ thể, sự thiếu hụt kẽm có mối liên hệ cao với sự hình thành mụn trên da. Cung cấp đủ kẽm sẽ giúp giảm sưng phù, ngăn chặn vi khuẩn P. acne phát triển, điều hoà hóc môn androgens từ đó cải thiện tình trạng mụn.Biểu hiện của sự thiếu kẽm gồm có: suy giảm trí nhớ, tiêu chảy, thưa tóc, mỏng tóc, nổi nhiều mụn, dễ bị dị ứng đồ ăn và môi trường,… Các thực phẩm chứa nhiều kẽm bao gồm: hạt bí ngô (pumpkin seeds), bò ăn cỏ, cừu, hạt điều, nấm, gà, sữa chua, rau chân vịt, bột cacao 22.
Vitamin AKhông tương quanMột thử nghiệm trị liệu mụn bằng vitamin A trên nhóm bệnh nhân với liều lượng 150000IU mỗi ngày trong 12 tuần cho thấy không có sự cải thiện rõ rệt giữa nhóm bệnh nhân dùng thuốc với nhóm sử dụng giả dược 23.
Vitamin B5Chưa chắc chắnThông tin cung cấp Vitamin B5 có thể giúp giảm mụn bắt nguồn từ giả thuyết của bác sĩ Lit-Hung Leung vào năm 1995, cho rằng tăng liều lượng vitamin B5 sẽ giúp tăng cường khối lượng Coenzyme A, một chất giúp chuyển hoá các acid béo, điều hoà tình trạng mụn 24. Có những người cho rằng việc sử dụng vitamin B5 giúp mình chữa trị được mụn, có người thì khẳng định không có tác dụng. Vẫn cần nhiều nghiên cứu và bằng chứng hơn để chứng minh mối liên hệ giữa vitamin B5 và mụn 25.
Lớp màng bảo vệ da bị hư hoạiRất caoCó những bằng chứng về việc sự kém thẩm thấu lớp biểu bì gây ra mụn. Trong một thí nghiệm trên 36 bệnh nhân nam bị mụn trong độ tuổi 14 đến 26 với 29 nam giới bình thường cùng nhóm tuổi cho thấy các bệnh nhân bị mụn có dấu hiệu lớp màng bảo vệ da bị suy giảm chức năng 26.
Hóc môn estrogenTương quan âm cao (giúp giảm mụn)Ở nữ, estrogens đóng góp vào hoạt động vào cơ quan sinh dục và phát triển các yếu tố sinh dục thứ cấp như ngực và hông, đồng thời giúp điều hoà chu kì kinh nguyệt. Ở cả nam và nữ, estrogens tăng độ dày xương, giúp đặc máu (blood clotting) và tăng cường tích trữ mỡ.Estrogens giúp cải thiện mụn bằng cách ‘ra lệnh’ cho các tế bào ở tuyến nhờn sản sinh bớt dầu đi, đồng thời còn giúp giảm sưng phù.

Rối loạn hóc môn estrogen là một trong những nguyên nhân chính gây ra mụn ở nữ giới. Để cân bằng, các bác sĩ có thể kê một số đơn thuốc giúp tăng cường estrogen. Biện pháp trị liệu này không phù hợp với nam giới vì dễ gây tác dụng phụ như nở ngực và yếu sinh lí 27.

Phân biệt các loại mụn

Mặc dù tất cả các loại mụn đều bắt đầu từ triệu chứng da bị sưng phù, tuy nhiên cách phân loại phổ biến vẫn chia mụn làm hai nhóm chính: mụn không sưng (non-inflammatory acne) và mụn sưng (inflammatory acne).

Mụn không sưng (non-inflammatory acne)

Mụn không sưng là mụn sinh ra khi lỗ chân lông bị ách tắc, hỗn hợp dầu nhờn và tế bào chết tích tụ dưới da. Mụn không sưng trải qua hai giai đoạn phát triển: ban đầu, mụn kích thước bé chưa nhìn thấy được, gọi là microcomedones; giai đoạn hai, mức độ tích tụ ngày càng lớn làm lỗ chân lông nở và mụn nhìn ngày càng rõ, lúc này, mụn không sưng được gọi là comedones. Mụn không sưng thường không gây đau đớn khi chạm vào, bao gồm mụn đầu đen (blackheads) và mụn đầu trắng (whiteheads).

Loại mụn (comedone)

Đặc điểm

Mụn đầu đen (blackheads)

Khi lỗ chân lông mở, mụn tiếp xúc với bề mặt da bị oxi hoá cộng với tác động của sắc tố melanin biến thành màu nâu đen. Màu đen của mụn không phải do bụi bẩn, không thể rửa trôi. Mụn đầu đen có thể mất nhiều thời gian để chữa hơn.

Mụn đầu trắng (whiteheads)

Khi lỗ chân lông đóng, dầu nhờn, vi khuẩn kẹt dưới da tạo ra đốm mụn đầu trắng.

  • Mụn đầu đen - nguồn ảnh proactiv.com
    Mụn đầu đen (nguồn ảnh: proactiv.com)

Mụn sưng (inflammatory acne)

Mụn sưng hình thành khi vi khuẩn P. Acne tấn công vào vùng da ách tắc gây viêm. Cơ thể phản hồi bằng cách gửi các tế bào bạch cầu đến kháng, kết quả là vùng da đó càng thêm sưng phù. Mụn sưng gây cảm giác viêm phù, đỏ tấy, đau xót khi sờ nắn, bao gồm: papule, pustule, nodule, cyst.

Loại mụn sưng

Mức độ

Đặc điểm

Papule

Trung bình

Hình thành khi tường lỗ chân lông bị vỡ, bạch cầu được gửi đến vá vết thương và gây ra sưng phù.

Mụn này tương đối nhỏ, có dấu hiệu sưng đỏ, thường được phát triển từ mụn đầu đen hoặc đầu trắng (link)

Pustule

Trung bình

Vài ngày sau khi papule được hình thành, bạch cầu len lỏi lên được bề mặt của da, tạo thành loại mụn mới gọi là pustule (tiếng Anh còn hay gọi là ‘pimples’). Papule và pustule có thể vỡ, làm sưng vùng da bên cạnh và tạo ra loại mụn nặng hơn là nodule hoặc cyst.

Papule có chứa mủ bên trong, sau vài ngày hình thành, chúng sẽ ứa mủ ra và da bắt đầu khôi phục. Hầu hết loại mụn này không để lại sẹo

Nodule

Trầm trọng

Khi mụn phát triển quá lớn làm thành lỗ chân lông bị nứt ở dưới và có thể bị vỡ hoàn toàn, tạo ra một vết mụn to và xót khi chạm vào.

Nodule có kích thước lớn (hơn 5mm), sưng, đỏ, gây đau đớn nhưng không chứa mủ. Nếu không được chữa trị có thể sẽ cứng đầu tồn tại trên da nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, có thể gây ra sẹo vĩnh viễn.

Cyst

Trầm trọng

Là trạng thái mụn tích tụ có kích thước lớn (hơn 5mm), mềm, chứa mủ bên trong

  • Papules
    Papules (nguồn ảnh: webmd.com)

Các trạng thái dễ bị nhầm lẫn với mụn

Hãy nhớ, mụn ở đây mà mình đề cập đến có tên tiếng Anh là acne, theo khoa học là chỉ chung cho trạng thái lỗ chân lông bị bít tắc gây ra các nốt sưng trên da, vậy nên không phải cứ thấy da có các đốm sần khuyết điểm là có thể qui kết thành mụn. Dưới đây là một số hiện tượng phổ biến hay bị nhầm lẫn với mụn, không thể chữa trị theo các biện pháp dành cho mụn.

Mụn thịt (milia)

Mụn thịt là những đốm sần nhìn giống mụn có kích thước nhỏ từ 1-2 mm, chúng được hình thành khi keratin (tế bào da) bị kẹt dưới da. Mụn thịt thường xuất hiện ở trên mặt, nhất là quanh vùng mắt hoặc cằm. Trong hầu hết các trường hợp, mụn thịt có thể tự biến mất sau vài tháng 28.

Mụn thịt (milia)

Mụn thịt (milia) (nguồn ảnh: healthline)

Sợi bã nhờn (sebaceous filament)

Sợi bã nhờn thường xuất hiện ở vùng mũi dưới dạng các đốm màu đen hoặc trắng, thường bị nhầm lẫn với mụn đầu đen hoặc mụn đầu trắng. Tuy nhiên khác với mụn, sợi bã nhờn là hiện tượng rất bình thường trên da xảy ra khi dầu tràn ra quanh lỗ chân lông. Khi nặn, sợi bã sẽ tuôn ra dễ dàng như một chất sáp. Không có cách nào để loại trừ hoàn toàn sợi bã nhờn, giữ vệ sinh mặt cẩn thận bao gồm rửa mặt và tẩy da chết thường xuyên có thể giúp cải thiện phần nào tình trạng này.

Sợi bã nhờn

Sợi bã nhờn

Da gà (keratosis pilaris)

Hiện tượng da gà có cái tên khoa học hơn là sự dày sừng nang lông là một trạng thái da vô hại. Da có biểu hiện nổi các đốm nhỏ li ti có màu sáng, đôi khi có màu đỏ ngứa ngáy và hơi sưng phù, khi sờ lên thì thấy thô ráp (giống da gà). Nguyên nhân đến từ việc tế bào da keratin chồng đè lên nhau tạo ra các nốt sần 29.

Da gà (Keratosis Pilaris)

Da gà (Keratosis Pilaris) (nguồn ảnh: webmd)

Viêm da dị ứng (dermatitis)

Khi da bị kích ứng hoặc dị ứng, nó có thể có triệu chứng sưng phù, ngứa rát. Trường hợp trầm trọng có thể gây rạn da, nứt nẻ, xuất hiện các đốm sưng chứa mủ bên trong (blister) 30.

Viêm da dị ứng (dermatitis) - nguồn ảnh First Derm

Viêm da dị ứng (dermatitis) (nguồn ảnh: First Derm)

Các biện pháp điều trị mụn

Điều quan trọng nhất trong việc đối phó với mụn không gì khác là bạn phải hiểu về nó và các phương pháp điều trị. Việc thụ động và phó mặc mặt mũi của mình hoàn toàn cho bác sĩ da liễu, người bán hàng hoặc ý kiến trên các diễn đàn sẽ khiến bạn mơ hồ, không hiểu được bản chất và luôn phải sống trong sự phụ thuộc vào người khác để giải quyết vấn đề của mình. Dưới đây là những biện pháp trị liệu mụn phổ biến nhất hiện tại, ưu nhược điểm và lời khuyên khi sử dụng chúng, sẽ giúp bạn hiểu hơn và có chính kiến hơn trong việc khắc phục mụn của bản thân.

Các hoạt chất trị mụn

Phần này được tham khảo tại Textbook of Cosmetic Dermatology fifth edition, section IV, chapter 38: Keratolytic treatment of acne 31.

Nhóm chất tiêu sừng
Salicylic acid (BHA)

Beta hydroxy acid (BHA) hay salicylic acid tan được trong dầu, có thể thẩm thấu sâu trong da và làm sạch da, giúp tẩy tế bào da chết, cải thiện quá trình sừng hoá. Nhiều thí nghiệm đã chỉ ra việc sử dụng BHA giúp làm cải thiện tình trạng mụn rõ rệt sau vài tuần sử dụng.

Tuy nhiên, BHA có thể gây châm chích, nhạy cảm, xót da trong thời gian đầu sử dụng và có thể gây khô da.

Lời khuyên: chỉ nên sử dụng BHA từ một đến 3 lần một tuần trên toàn mặt như biện pháp làm sạch, tẩy da chết. Có thể sử dụng chấm điểm trên vùng da có mụn hai lần một ngày đến khi mụn thuyên giảm.

Đọc thêm: Tẩy da chết hoá học với BHA

Glycolic acid và lột da hoá học (chemical peeling)

Glycolic acid là một loại alpha hydroxy acid, có tác dụng điều hoà quá trình sừng hoá thông qua việc làm ẩm da và làm suy yếu liên kết giữa các tế bào da chết, làm chúng dễ bong ra hơn. Glycolic acid nồng độ thấp có thể được dùng hàng ngày để làm sạch nhẹ nhàng bề mặt ngoài của da. Glycolic acid nồng độ trên 20% được dùng làm lột da hoá học, có thí nghiệm cho thấy mụn được tẩy sạch chỉ sau hai đến ba lần lột da (các lần cách nhau từ hai đến ba tuần).

Sử dụng glycolic acid cũng có khả năng gây ngứa rát, châm chích trên da trong thời gian đầu sử dụng.

Đọc thêm: AHA – Giải pháp cho da sạch mịn sáng bóng

Retinoids

Retinoids được biết đến như một trong những thành phần tiêu sừng tốt nhất, giúp cải thiện tốc độ sừng hoá trên da, làm da sạch, sáng, vừa giúp trị mụn, vừa giúp ngăn ngừa mụn xuất hiện sau này.

Tuy nhiên, các tác dụng phụ của retinoids như mẫn cảm, dễ bắt nắng, đỏ xót là tương đối phổ biến, tác dụng trị mụn của retinoids cũng phát tác khá lâu.

Đọc thêm: Có nên sử dụng retinoids không?

Tiêu diệt vi khuẩn mụn
Benzoyl Peroxide

Benzoyl Peroxide (BP) là một trong những chất tiêu biểu nhất trong điều trị mụn được ứng dụng suốt nhiều thập kỉ. BP có khả năng tiêu diệt vi khuẩn P. acne triệt để mà không bị nhờn thuốc, bên cạnh đó còn giúp giảm sưng phù.

Tuy nhiên, sử dụng BP có thể làm oxi hoá lớp màng lipid ngoài da, gây khô da và lột da, lâu dài có thể dẫn đến dấu hiệu lão hoá sớm. Tác dụng phụ của BP còn bao gồm bỏng, xót, đỏ da, gây dị ứng với 1 – 2% bệnh nhân sử dụng.

Lời khuyên: BP là chất trị mụn mạnh nhất mà bạn có thể sử dụng tại nhà. Nên sử dụng BP với các đốm mụn sưng tương đối lớn. Không nên sử dụng trên các loại mụn không sưng, mụn đầu đen, mụn đầu trắng. Nồng độ phù hợp nhất để sử dụng BP là 2.5% bởi nghiên cứu cho thấy hiệu quả của loại nồng độ này tương đương với loại 5% và 10% mà ít gây tác dụng phụ hơn.

Isotretinoin (đường uống)

Cũng là một loại retinoids nhưng isotretinoin có thể được đưa vào điều trị mụn thông qua đường uống (oral). Sử dụng tretinoin cho thấy giúp làm giảm cường độ tiết dầu trên da từ đó giúp cải thiện mụn. Tuy nhiên, hậu quả đi kèm có thể khiến da trở nên khô. Bệnh nhân cần có sự tham vấn và kê đơn của bác sĩ mới được sử dụng isotretinoin

Kháng viêm sưng
Azelaic acid

Azelaic acid vừa có tác dụng diệt khuẩn và kháng viêm đồng thời điều hoà quá trình phân tách tế bào da (keratinocyte differentiation). Tác dụng phụ gồm có ngứa rát, châm chích trên khoảng 1% đến 5% người sử dụng, các tác dụng này tương đối ngắn hạn. Có thể được sử dụng kèm với tretinoin hoặc benzoyl peroxide để tăng cường tác dụng. Sách viết là Azelaic acid cần được kê theo đơn của bác sĩ tuy nhiên hiện nay thành phần này cũng được đưa vào mỹ phẩm bán đại trà.

Sulfur

Sulfur được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề của da chứ không chỉ có mụn. Nó được coi như có khả năng hỗ trợ quá trình sừng hoá đồng thời ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.

Sulfur có mùi tương đối mạnh, không được ưa chuộng lắm với một số người. Bên cạnh đó, có một số tác dụng phụ hiếm gặp như gây khô da, ngứa da, làm da có mùi.

Resorcinol

Chưa có nhiều bằng chứng về khả năng tiêu sừng của resorcinol, tuy nhiên đây là chất có khả năng diệt khuẩn. Ở nồng độ 50%, chúng có thể được sử dụng để làm lột da hoá học, có tác dụng trị mụn, thâm mụn, mờ sẹo nông.

Tác dụng phụ bao gồm cảm giác nóng rát sau khi lột da từ 2 đến 30 phút. Bên cạnh đó, có thể đi kèm triệu chứng chóng mặt. Ứng dụng của resorcinol không phổ biến ở Mỹ và Châu Âu.

Kháng sinh
Clindamycin

Là một loại kháng sinh có hiệu quả trong điều trị mụn, giúp diệt trừ vi khuẩn P. Acne. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Clindamycin không còn là loại thuốc được ưu tiên do phát sinh hiện tượng nhờn thuốc của vi khuẩn khi lạm dụng sử dụng. Vì là kháng sinh nên Clindamycin cần được chỉ định sử dụng bởi bác sĩ 32.

* Note: Các chất có tác dụng trị mụn phổ biến, được sử dụng rộng rãi mà không cần kê đơn là Benzoyl Peroxide, Salicylic Acid, Glycolic Acid và Retinoids. Trong đó BP đem lại tác dụng nhanh chóng nhất và Retinoids thường đem lại tác dụng chậm nhất. Đây là bốn chất mà bạn nên tìm hiểu sâu hơn nếu muốn quyết định áp dụng chúng vào điều trị mụn

Nặn mụn

Chúng ta thường được khuyên là khi xuất hiện mụn thì không nên đụng vào, tuy nhiên chắc hẳn cảm giác da sần sùi khi sờ vào làm ai cũng sẽ thấy ngứa ngáy muốn giải quyết. Nặn mụn đúng cách có thể sẽ giúp da phục hồi nhanh hơn, mặc dù không phải là điều mà bạn nên thường xuyên làm bởi nguy cơ để lại sẹo hoặc gây kích ứng da. Dưới đây là một video khá thú vị về nặn mụn đúng cách, nếu mụn có đem lại cho bạn quá nhiều sự khó chịu và bạn phải triệt tiêu nó thật nhanh chóng thì ít nhất cũng nên làm thật đúng cách để lại ít rủi ro nhất có thể. Lưu ý là những loại mụn lớn trầm trọng như nodules và cysts thì tuyệt đối không được nặn, cần phải tìm đến các chuyên gia có tay nghề hoặc bác sĩ da liễu để chữa trị.

Tóm tắt

Đây là một bài tương đối dài, tuy nhiên có một số điểm chính sau đây bạn nên ghi nhớ:

    • Mụn là hiện tượng dầu nhờn, tế bào da chết và vi khuẩn bị tắc trong lỗ chân lông, nguyên nhân và tiến trình hình thành mụn vẫn chưa được làm rõ.
    • Có hai loại mụn chính là mụn không sưng và mụn sưng, sự khác nhau là mụn sưng có sự tham gia của vi khuẩn P.acne và gây đau đớn
    • Cần phân biệt giữa mụn và các hiện tượng không phải mụn bao gồm mụn thịt, sợi bã nhờn, viêm da dị ứng và da gà
  • Giải pháp đối phó với mụn phổ biến là sử dụng các chất tiêu sừng bao gồm benzoyl peroxide, retinoids, isotretinoin, azelaic acid, salicylic acid, sulfur, glycolic acid và resorcinol; trong đó các chất có nhiều bằng chứng chứng minh hiệu quả và được sử dụng rộng rãi nhất là BP, retinoids, glycolic acid và salicylic acid.

Đọc thêm: Chiến đấu với lão hoá da

Nguồn tham khảo

SaveSave

SaveSave

SaveSave

SaveSave

SaveSave

SaveSave

SaveSave

SaveSave

SaveSave

  1. National Institute of Arthritis and Musculoskeletal and Skin Diseases. (2018). Acne. [online] Available at: https://www.niams.nih.gov/health-topics/acne [Accessed 11 Jul. 2018].
  2. Acne.org Community. (2018). The Role of Bacteria in Acne – Acne.org. [online] Available at: https://www.acne.org/the-role-of-bacteria-in-acne.html [Accessed 11 Jul. 2018].
  3. Acne.org Community. (2018). What Is the Difference Between Inflamed and Non-inflamed Acne?. [online] Available at: https://www.acne.org/what-is-the-difference-between-inflamed-and-non-inflamed-acne.html [Accessed 11 Jul. 2018].
  4. Szabó, K. & Kemény, L. Studying the genetic predisposing factors in the pathogenesis of acne vulgaris. Hum. Immunol. 72, 766–773 (2011).
  5. En.wikipedia.org. (2018). Androgen. [online] Available at: https://en.wikipedia.org/wiki/Androgen [Accessed 11 Jul. 2018].
  6. Healthywomen.org. (2018). Androgen | HealthyWomen. [online] Available at: http://www.healthywomen.org/condition/androgen [Accessed 11 Jul. 2018].
  7. Acne.org Community. (2018). The Role of Testosterone in Acne – Acne.org. [online] Available at: https://www.acne.org/the-role-of-testosterone-in-acne.html#HowDoAndrogensCauseAcne [Accessed 11 Jul. 2018].
  8. Cunliffe, W et al. Comedone formation: Etiology, clinical presentation, and treatment. Clin. Dermatol. 22, 367-374 (2004).
  9. Acne.org Community. (2018). Is Oilier Skin More Prone to Acne? – Acne.org. [online] Available at: https://www.acne.org/is-oilier-skin-more-prone-to-acne.html [Accessed 11 Jul. 2018].
  10. Acne.org Community. (2018). The Role of Bacteria in Acne – Acne.org. [online] Available at: https://www.acne.org/the-role-of-bacteria-in-acne.html [Accessed 11 Jul. 2018].
  11. Magin, P. (2004). A systematic review of the evidence for ‘myths and misconceptions’ in acne management: diet, face-washing and sunlight. Family Practice, 22(1), pp.62-70.
  12. Mills, O. (1975). Acne Mechanica. Archives of Dermatology, 111(4), p.481.
  13. Acne.org Community. (2018). Chocolate and Acne – Acne.org. [online] Available at: https://www.acne.org/chocolate-and-acne.html [Accessed 11 Jul. 2018].
  14. Fried, R. G. & Wechsler, A. Psychological problems in the acne patient. Dermatol Ther 19, 237–240 (2006).
  15. Zouboulis, C. C. & Bohm, M. Neuroendocrine regulation of sebocytes — a pathogenetic link between stress and acne. Exp Dermatol 13 Suppl 4, 31–35 (2004).
  16. Chiu, A., Chon, S. Y. & Kimball, A. B. The response of skin disease to stress: changes in the severity of acne vulgaris as affected by examination stress. Arch Dermatol 139, 897–900 (2003).

  17. Skin Therapy Letter. (2018). Does Diet Really Affect Acne?. [online] Available at: http://www.skintherapyletter.com/conditions/acne/diet-role/ [Accessed 11 Jul. 2018].
  18. Skin Therapy Letter. (2018). Does Diet Really Affect Acne?. [online] Available at: http://www.skintherapyletter.com/conditions/acne/diet-role/ [Accessed 11 Jul. 2018].
  19. Bhate, K. and Williams, H. (2014). What’s new in acne? An analysis of systematic reviews published in 2011-2012. Clinical and Experimental Dermatology, 39(3), pp.273-278.
  20. Dr. Axe. (2018). 15 Best Omega-3 Foods You Need. [online] Available at: https://draxe.com/omega-3-foods/ [Accessed 11 Jul. 2018].
  21. Acne.org Community. (2018). Omega-3 Fatty Acids and Acne – Acne.org. [online] Available at: https://www.acne.org/omega-3-fatty-acids-and-acne.html [Accessed 11 Jul. 2018].
  22. Dr. Axe. (2018). 7 Signs of Zinc Deficiency & the Best Foods to Cure It!. [online] Available at: https://draxe.com/zinc-deficiency/ [Accessed 11 Jul. 2018].
  23. Vitamin A in Acne Vulgaris. (1963). British Medical Journal, 2(5352), 294–296.
  24. Leung, L. (1995). Pantothenic acid deficiency as the pathogenesis of acne vulgaris. Medical Hypotheses, 44(6), pp.490-492.
  25. Acne.org Community. (2018). Does Vitamin B5 Work for Acne? Info & Reviews – Acne.org. [online] Available at: https://www.acne.org/vitamin-b5.html [Accessed 11 Jul. 2018].
  26. Editor, J. (2018). The Role of Skin Care as an Integral Component in the Management of Acne Vulgaris : JCAD | The Journal of Clinical and Aesthetic Dermatology. [online] Jcadonline.com. Available at: http://jcadonline.com/the-role-of-skin-care-as-an-integral-component-in-the-management-of-acne-vulgaris-2/ [Accessed 11 Jul. 2018].
  27. Acne.org Community. (2018). The Role of Estrogen in Acne – Acne.org. [online] Available at: https://www.acne.org/the-role-of-estrogen-in-acne.html [Accessed 11 Jul. 2018].
  28. Karen Gill, M. (2018). How to get rid of milia: Treatment, prevention, and causes. [online] Medical News Today. Available at: https://www.medicalnewstoday.com/articles/320953.php [Accessed 11 Jul. 2018].
  29. WebMD. (2018). Keratosis Pilaris. [online] Available at: https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/keratosis-pilaris#2 [Accessed 11 Jul. 2018].
  30. WebMD. (2018). The Basics of Dermatitis. [online] Available at: https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/guide/understanding-dermatitis-basics#1 [Accessed 11 Jul. 2018].
  31. Baran, R. and Maibach, H. (n.d.). Textbook of Cosmetic Dermatology, Fifth Edition.
  32. Medscape, Topical Clindamycin Preparations in the Treatment of Acne Vulgaris (2008)