Để tiếp nối bài viết trước đây về tổng quan tình trạng da mất nước (dehydrated skin), bài lần này mình sẽ đào sâu hơn về các bước khắc phục tình trạng này.
Da mất nước là trạng thái mà bất cứ làn da nào cũng có thể gặp phải, nguyên nhân đến từ cả các yếu tố bên ngoài như môi trường, độ ẩm, cách chăm sóc da đến các yếu tố bên trong như loại da, nội tiết tố của cơ thể. Để giải quyết vấn đề một cách triệt để, cung cấp đủ nước cho da không thôi chưa đủ mà bạn còn cần phải quan tâm cả đến việc cải thiện lớp màng acid béo bảo vệ da nữa.
Nội dung bài viết
Bước một: xác định tình trạng da
Việc xác định đúng tình trạng da bao giờ cũng là rất quan trọng để có thể lựa chọn các sản phẩm skincare phù hợp. Da dầu mất nước (oily, dehydrated skin) và da khô mất nước (dry, dehydrated skin) tuy có chung vấn đề nhưng khác cách chăm sóc bởi sự vận hành sinh học của hai loại da là khác nhau.
Với trường hợp da dầu mất nước thì da sẽ có hiện tượng tiết nhiều dầu ở toàn bộ hoặc một số vùng trên mặt nhưng vẫn kém đàn hồi, sần sùi, thô ráp. Sự nhầm lẫn tình trạng da này với da khô có thể dẫn đến lựa chọn sai mỹ phẩm, khiến lỗ chân lông bít tắc, dễ nổi mụn mà vấn đề mất nước vẫn không được cải thiện. Để khắc phục, có hai việc cần làm: Một là bổ sung nước cho da thông qua các sản phẩm cấp ẩm (hydrating); hai là khoá ẩm bằng các loại kem cấu trúc lỏng nhẹ không gây bít tắc lỗ chân lông hoặc dầu dưỡng.
Đối với da khô bẩm sinh, việc mất nước diễn ra một cách phổ biến hơn do lớp màng lipid mỏng yếu, không giữ được nước trên da. Trong tình huống này, nếu chỉ tập trung vào cấp nước thôi sẽ không đủ vì dù cho da của bạn có làm cho da mình rất ẩm đi chăng nữa thì nó cũng không có cách nào níu kéo được độ ẩm đấy, đành bất lực để nước bốc hơi dần. Vậy nên, điều đầu tiên quan trọng phải làm đó là cải thiện lớp màng bảo vệ da, sau đó mới đến cấp nước, khoá ẩm. Có vậy, da mới thực sự khoẻ mạnh và cân bằng.
Bước hai: cleansing đơn giản
Đối với da bị mất nước, quá trình làm sạch da nên được tối giản vì cleansing quá kĩ có thể sẽ làm trôi mất lớp màng acid béo bảo vệ da. Bên cạnh đó, các thành phần tẩy rửa trong sữa rửa mặt (nhất là surfactants) cũng góp phần làm khô da thêm. Để cleansing an toàn cho tình trạng da mất nước, bạn cần lưu ý:
- Rửa mặt tối đa 2 lần một ngày, không rửa mặt quá lâu, bỏ thói quen kì cọ cho đến khi da hết sạch dầu. Bạn muốn làm da sạch nhưng vẫn cần đảm bảo da còn hơi nhớt, đó là dấu hiệu lớp màng acid béo không hoàn toàn bị rửa trôi
- Hạn chế dùng máy rửa mặt, chỉ nên dùng một đến hai lần một tuần như biện pháp tẩy da chết vật lí nhẹ nhàng 1. Nếu da bạn yếu và khô thì tốt nhất chỉ nên mát xa da mặt nhẹ nhàng bằng tay.
- Giảm thời gian tắm xuống dưới 10 phút, tránh để da tiếp xúc với nước quá nóng so với nhiệt độ cơ thể
- Buổi sáng rửa mặt bằng sữa rửa mặt nhẹ dịu, ít bọt xà phòng dành cho da nhạy cảm hoặc micellar water. Nếu sống ở khu vực ô nhiễm thấp, bạn chỉ cần rửa mặt bằng nước vào buổi sáng là đủ.
- Buổi tối có thể rửa mặt kĩ hơn bằng các loại sữa rửa mặt thông thường hoặc loại dành cho da dầu nếu da bạn đổ nhiều nhờn. Nếu da khô thì chỉ nên dùng các loại sữa rửa mặt nhẹ nhàng cho da nhạy cảm với ít bọt xà phòng để bảo tồn lớp màng acid béo quí báu mà da bạn sản sinh được.
- Tránh các loại sữa rửa mặt chứa Sodium Lauryl Sulfate (SLS), chứa quá nhiều xà phòng và làm da mặt quá khô rít, bị căng sau khi rửa mặt xong
Bước ba: tẩy da chết nhẹ nhàng
Tương tự như việc rửa mặt, tẩy da chết có tác dụng làm sạch da tuy nhiên cũng là nguyên nhân chính trong quá trình chăm sóc da đóng gây đục phá bức tường lipid, làm khô và yếu da. Khi da đang bị thiếu ẩm, bạn cần lưu ý:
- Tẩy da chết vật lí và hoá học tối đa ba lần một tuần. Nếu da bạn quá khô yếu, tần suất tẩy da chết cần được giảm đi
- Tẩy da chết vật lí tối đa hai lần một tuần. Nếu sử dụng tẩy da chết dạng hạt (facial scrub) thì thao tác massage nhẹ nhàng, không chà xát quá mạnh.
- Hạn chế đưa các hoạt chất điển hình là AHA, BHA, hầu hết các loại acid, dẫn xuất vitamin C, vitamin A, retinoids vào qui trình chăm sóc da, nhất là khi da mỏng yếu. Nếu có thì đưa thật từ từ, từng thứ một, cách nhau tối thiểu 4 tuần. Không nên dùng quá 2 thành phần kể trên cùng 1 lúc. Giả sử nếu đã dùng AHA và BHA thì nên cắt retinoids và vitamin C, đến lúc nào da khoẻ đưa vào sau
- Có thể thay thế tẩy da chết vật lí bằng tẩy da chết hoá học hoàn toàn bằng AHA và BHA
Đọc thêm: Skin barrier – loại mỹ phẩm xịn nhất quả đất
Đọc thêm: Tẩy da chết hoá học với BHA
Bước bốn: cấp nước
Sau khi hoàn thành thao tác làm sạch da, da bạn sẽ trở nên khô và cần được cấp nước gấp. Đối với tình trạng da mất nước, nên sử dụng các sản phẩm toner hoặc serum có chức năng dưỡng ẩm (hydrating) trước khi bôi kem dưỡng.
Trong các sản phẩm này, thành phần thường chứa hai nhân tố chính là nước (aqua) và chất hút ẩm (humectant). Có một lưu ý là các chất hút ẩm thường hoạt động theo nguyên tắc hấp thụ nước từ môi trường xung quanh để làm ẩm da. Chúng tiện lợi nhưng cũng rất ngáo ngơ không phân biệt được đâu là nước từ không khí, đâu là nước trên da. Trong điều kiện môi trường quá khô, humectant sẽ hút ngược nước từ da để làm ẩm, bởi thế các nhà sản xuất bao giờ cũng sẽ cho thêm các phân tử nước vào kèm với humectant để giải quyết tình huống này. Tuy vậy, dù sao bạn vẫn nên cố gắng làm ẩm môi trường xung quanh bằng việc đầu tư một cái máy phun sương hoặc sử dụng xịt khoáng thường xuyên khi dùng các sản phẩm cấp nước để đạt hiệu quả tốt hơn.
Một số các chất hút ẩm phổ biến có thể kể đến như: Hyaluronic Acid (HA), glycerin (glycerol), các thành phần tự nhiên như hạt phỉ (hazelnut), lô hội (aloe vera), mật ong (honey) hoặc dưa chuột (cucumber)
Tổng quan về Hyaluronic Acid
Một trong những humectant ‘xịn xò’ nhất mà mình muốn giới thiệu là hyaluronic acid (HA), nổi tiếng bởi khả năng khoá ẩm vô cùng kinh khủng. Một phân tử HA có thể giữ được lượng nước gấp 1000 lần trọng lượng của nó. Thêm vào đó, HA là đường (sugar) chứ không phải là Acid như tên gọi, không bóc tẩy da chết như các loại acid khác nên tương đối an toàn cho da 2.
Nhược điểm lớn của Hyaluronic Acid là phân rã trên da rất nhanh (dưới 1 ngày 3) và có cấu trúc rất lớn, không thẩm thấu được sâu. Do đó, giải pháp để cung cấp HA chất lượng là cần pha trộn các loại muối Sodium Hyaluronate (các phân từ muối của Hyaluronic Acid) có các kích thước đa dạng vào một sản phẩm để chúng thẩm thấu vào các tầng da khác nhau, làm ẩm từ trong ra ngoài 4. Một số sản phẩm tiêu biểu pha chế công thức theo nguyên tắc này gồm có: The Ordinary Hyaluronic Acid 2% + B5, Niod Multi-molecular Hyaluronic Complex, Hyalu B5 Hyaluronic Acid Cream.
Bước năm: khoá ẩm
Để lưu giữ thành quả của việc cấp nước trên da, bạn cần bôi một lớp kem dưỡng lên để khoá độ ẩm đấy lại, không thì chúng sẽ bốc hơi mất. Hầu như tất cả các loại kem dưỡng trên thị trường đều có thể làm được điều này vì về cơ bản chúng đều có cấu trúc đặc với các thành phần gọi là ‘occlusive’ có chức năng khoá ẩm, giúp giữ nước trên da.
Nếu bạn sở hữu da thiên dầu hoặc không thích các loại dưỡng nặng nề gây bít tắc lỗ chân lông thì có thể tìm đến các sản phẩm dạng gel dành cho da dầu.
Hoặc một cách nữa là có thể dùng serum hyaluronic acid kết hợp với dầu dưỡng (facial oil) lỏng nhẹ như dầu Argan, dầu Marula hay dầu Rosehip mà không cần dùng kem dưỡng.
Bước sáu: bảo vệ da khỏi các tác nhân môi trường
Cuối cùng, để công sức của quá trình skincare không bị lãng phí, bạn cần cố gắng bảo vệ da khỏi các tác nhân xấu từ môi trường một cách hết mức có thể. Luôn bịt khẩu trang, đeo kính mắt, sử dụng kem chống nắng mỗi khi đi ra đường vì tia UV cũng là tác nhân gây khô da. Bên cạnh đó, để ý vệ sinh thường xuyên những vật tiếp xúc với da mặt như vỏ chăn, gối. Tránh các khu vực quá khô, quá nóng, làm ẩm môi trường một cách tốt nhất có thể bằng máy phun sương hoặc xịt khoáng.
Chúc các bạn chống hạn hán cho da mặt thành công nhé!
Nguồn tham khảo
- Yoo, L. (2018). Dermarolling • Cleansing Brushes • Skincare Ingredients To Avoid // Skincare Q&A. [online] YouTube. Available at: https://youtu.be/ogXrP_hU3Zs?t=2m17s [Accessed 2 Jun. 2018].
- Baumann, L. (2018). Hyaluronic Acid – Dr. Leslie Baumann. [online] Lesliebaumannmd.com. Available at: http://lesliebaumannmd.com/hyaluronic-acid/ [Accessed 2 Jun. 2018].
- Yoo, L. (2018). The Truth of Hyaluronic Acid • The Ordinary HA+B5 vs NIOD MMHC. [online] YouTube. Available at: https://youtu.be/cDx5_zVxdgY?t=4m4s [Accessed 2 Jun. 2018].
- Essendoubi, M., Gobinet, C., Reynaud, R., Angiboust, J., Manfait, M. and Piot, O. (2015). Human skin penetration of hyaluronic acid of different molecular weights as probed by Raman spectroscopy. Skin Research and Technology, 22(1), pp.55-62.