Có thực sự những viên thực phẩm chức năng có thể đem lại những lợi ích về sức khoẻ như những gì chúng ta kỳ vọng?

Chủ đề về mặt trái của thực phẩm chức năng là chủ đề mình đã ấp ủ từ lâu nhưng chưa tìm được đủ động lực để ngồi viết. Nhưng sau khi đọc xong cuốn “the China study” vào tuần vừa rồi thì mọi nhận định của mình lại một lần nữa được củng cố chắc chắn hơn bằng vô vàn những chứng cứ khoa học không thể chối cãi được. Vậy là mình lại sắp xếp thời gian để xắn tay vào viết, đây có thể được coi là một trong những bài viết nghiêm túc nhất từ trước đến giờ.

Như thường lệ, nội dung bài là sự tổng hợp kiến thức dựa vào những gì mình đã đọc chứ mình không cố tình nhồi nhét tư tưởng vào bạn là nên hay không nên dùng thực phẩm chức năng. Từ ngữ của mình có thể chủ quan nhưng thông tin thì mình thề là trung thực, phản ánh đúng các mặt mà mình biết chứ không thiên vị quan điểm nào.

Thực phẩm chức năng và các nghiên cứu khoa học ủng hộ

Thực phẩm chức năng tưởng chừng như là một giải pháp rất khoa học, tuy nhiên nền móng những nghiên cứu ủng hộ chúng lại hết sức lung lay.

Một số những bài báo tổng hợp về tác dụng của thực phẩm chức năng mà mình tìm được trên các trang khoa học khá uy tín như webmd và Harvard Medical School đều có nhận định chung rằng đa số các loại thực phẩm chức năng không đem lại những hiệu ứng về sức khỏe tích cực như chúng được quảng bá. Trong các loại thực phẩm chức năng phổ biến, phần nhiều không đem lại hiệu quả gì đặc biệt hoặc không có đủ bằng chứng để chứng minh công dụng, một số gây tác dụng phụ trầm trọng khi dùng quá liều, chỉ có một số ít là có tác dụng tuy mối liên hệ với sự cải thiện sức khoẻ còn thấp. Bạn có thể đọc bài viết của Harvard Medical School tại đây, của webmd tại đây, còn đây là review không mấy đẹp đẽ của nhóm tác giả đại học Toronto – Canada về vai trò của thực phẩm chức năng trong điều trị bệnh tim mạch

* Note: Bởi mỗi một nghiên cứu chỉ có thể để cập tới một hoặc một vài mối quan hệ giữa thực phẩm chức năng với một vấn đề nào đó về sức khỏe nên mình không thể liệt kê hết ra được. Tuy nhiên xét về mặt bằng chung mà nói, các chứng cớ ủng hộ tác dụng của thực phẩm chức năng ít và khá yếu ớt.

Sự kiểm định thực phẩm chức năng

Một trong những lý do các nhà sản xuất dược phẩm luôn coi thực phẩm chức năng là mảnh đất màu mỡ để gieo cấy lợi nhuận là do sự kiểm định từ phía cơ quan chức năng dễ dàng hơn nhiều so với kiểm định thuốc.

Thuốc chứa các thành phần dược lý được tổng hợp trong phòng thí nghiệm với mục đích điều trị bệnh. Thông thường, FDA sẽ coi một loại thuốc là “nguy hiểm” cho tới khi nhà sản xuất làm đủ bài test để chứng minh là nó “an toàn” và từ đó mới có cơ sở để bán ra ngoài thị trường. Quá trình kiểm định ngặt nghèo này không những tốn kém tiền bạc mà cả công sức lẫn thời gian.

Nhưng thực phẩm chức năng thì ngược lại, thành phần của chúng thông thường sẽ là các dưỡng chất phổ biến trong thực phẩm hàng ngày, được coi là “an toàn” cho tới khi bị chứng minh là “nguy hiểm”. FDA cũng thông báo rằng họ không có thẩm quyền phải xem xét tác dụng của thực phẩm chức năng trước khi chúng được marketing trên thị trường 1. Do vậy, nhà sản xuất chỉ cần chứng minh viên uống của họ an toàn chứ không cần trình bày là chúng có tác dụng đến đâu.

* Note: phần này tham khảo tại American Cancer Society 2

Thực phẩm chức năng không phải thuốc, cũng không phải thuốc bổ

Đây là luận điểm xưa như diễm mà chắc nhiều người phẩy tay bảo không cần nói cũng biết. Nhưng cứ thỉnh thoảng mình lại nhận được những câu hỏi như “Bị mụn thì uống cái gì cho hết?” hay “Bị rụng tóc uống biotin có khỏi không?”  ¯\_(ツ)_/¯   Mình nghĩ rằng từ lâu chúng ta đã bị suy nghĩ “bị bệnh thì phải dùng thuốc” chi phối nên luôn tìm đến những viên uống như giải pháp cho mọi vấn đề mà cơ thể gặp phải.

Bạn cứ nghĩ thế này, các loại thực phẩm chức năng có thành phần tương tự các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày của bạn. Cứ cho rằng thực phẩm chức năng có khả năng bổ sung dưỡng chất mà bạn còn thiếu, nếu cơ thể bị bệnh vì thiếu chất thì cung cấp chất đó có thể vấn đề sẽ được giải quyết, còn nếu không thì chắc chắn sẽ không đem lại tác dụng gì. Nếu bạn ăn uống đủ đạm, đủ axit amin mà thấy tóc vẫn rụng thì cứ yên tâm là uống thêm biotin hay mấy cái kẹo mọc tóc gì đó cũng không giải quyết thêm được gì đâu. Đó là suy diễn logic, ngoài ra còn hàng loạt các nghiên cứu như mình đã đề cập tới trong phần trên cho thấy tương quan giữa thực phẩm chức năng và việc chữa bệnh là rất chông chênh nếu không muốn nói là gần như không có.

Không thể thay thế thức ăn bằng thực phẩm chức năng

Một trong những nguyên nhân ra đời của thực phẩm chức năng là sự ám ảnh với khoa học dinh dưỡng. Những nghiên cứu với các kết luận đáng sợ về hậu quả của việc thiếu chất gây ra nỗi lo sợ và những viên vitamin khoáng chất ra đời giúp giải quyết nỗi lo ấy. Thực phẩm chức năng dường như là một giải pháp quá dễ dàng cho những người không thể theo đuổi thực đơn ăn uống đa dạng. Nhưng liệu có thực sự là bạn có thể thay thế một quả cam bằng một viên vitamin C hay một quả cà rốt bằng một viên beta carotene không?

Có hai lý do khiến điều này không thể. Một là các chất dinh dưỡng trong đồ ăn vô cùng phong phú và đa dạng. Bạn có thể lên Google và gõ “orange nutrition” để xem trong một quả cam có những thành phần gì. Rất rất nhiều đúng không? Kể cả một viên multivitamin hay siêu khoáng chất chứa nhiều các chất khác nhau thì số lượng thành phần cũng chỉ bằng một góc những gì mà một quả cam có chứ không thể hoàn toàn mô phỏng được toàn bộ khía cạnh dinh dưỡng của nó. Hai là phản ứng của cơ thể với thức ăn phức tạp vô cùng. Kể từ khi lưỡi bạn chạm vào đồ ăn cho tới khi nó đi tới bộ máy tiêu hoá của bạn có hàng triệu triệu các phản ứng sinh hoá diễn ra, tương quan, chồng chéo lên nhau mà không bao giờ khoa học có thể biết và giải thích được hết. Cô lập từng thành phần thực phẩm vào những viên thuốc rồi uống chúng là việc làm rất lạ lẫm với cơ chế tiêu hoá tự nhiên. Cách mà cơ thể bạn đối xử với một quả cam chắc chắn sẽ khác với cách nó đối xử với những viên uống nhái lại các dưỡng chất trong quả cam ấy.

“Bời vì dinh dưỡng vận hành như một hệ thống sinh học cực kỳ phức tạp liên quan tới hàng ngàn chất hoá học và hàng ngàn phản ứng với sức khỏe của bạn, việc độc lập hoá các thành phần dinh dưỡng rồi hấp thụ chúng như thực phẩm chức năng để thay thế đồ ăn gần như không có ý nghĩa gì. Thực phẩm chức năng sẽ không giúp bạn có được sức khoẻ lâu dài và có thể gây ra những hậu quả không biết trước” – T Colin Campbell, Thoman M. Campbell – The China Study 3

“Thức ăn vô cùng phức tạp, cung cấp không chỉ vitamin, khoáng mà cả fiber, carbohydrates, protein, chất béo, hoá chất thực vật và rất nhiều các dưỡng chất. Sự tương tác của các loại thực phẩm với nhau để tạo thành một chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho sức khoẻ là điều mà khoa học vẫn chưa hoàn toàn nhận diện được hết” – David Grotto, người phát ngôn của hiệp hội dinh dưỡng Hoa Kỳ (American Dietetic Association – ADA)

Hiểu về thực phẩm chức năng thế nào cho đúng

Thực phẩm chức năng có nhiều mặt trái nhưng không hẳn đã hoàn toàn xấu. Có một số loại thực phẩm chức năng thực sự đem đến những lợi ích cho sức khoẻ, nhất là các chiết xuất từ thảo dược tự nhiên. Ngoài ra một số trường hợp đặc biệt có vấn đề về sức khoẻ cũng được chỉ định dùng thực phẩm chức năng từ bác sĩ. Bên cạnh đó, những người ăn chay lâu năm cần dùng vitamin B12 hoặc thực phẩm được củng cố dinh dưỡng để không bị thiếu chất này trong cơ thể 4.

Tuy vậy, ngoài những trường hợp hiếm hoi trên, bạn cần phải phải từ bỏ tâm lý phụ thuộc vào thuốc vì dù sao thực phẩm chức năng cũng không phải là biện pháp lành mạnh về lâu dài. Chúng ta thường có suy nghĩ bị bệnh thì phải có thuốc chữa chứ ít khi trân trọng việc phòng bệnh bằng lối sinh hoạt lành mạnh và ăn uống phong phú. Thực phẩm chức năng không phải là thuốc và cũng không phải là sự thay thế tốt cho thực phẩm mà bạn ăn hàng ngày, thừa chất thậm chí còn có thể gây ra hiện tượng ngộ độc vô cùng trầm trọng. Vậy nên làm ơn đừng quy đổi loại đồ ăn này chứa chất gì để bỏ bê nó rồi mua viên uống bổ sung.

Một tâm lý nữa khiến nhiều người tìm đến thực phẩm chức năng là sự tuyệt vọng, nóng lòng muốn một giải pháp nhanh chóng cho vấn đề mình mắc phải, thấy loại viên uống này kia được review tốt nên cũng tìm đến mua. Cá nhân mình thì không tin tưởng vào review rồi, nghiên cứu khoa học thực hiện trên mẫu lớn, kiểm soát nhân tố các kiểu rồi dùng thống kê để kết luận mà còn chưa đủ độ tin cậy thì các bạn mua về uống vài hôm rồi nói là tốt lên thì làm sao mà biết được tác dụng đấy do thuốc hay do ti tỉ hà sa các yếu tố khác về đồ ăn, về cách sinh hoạt của bạn trong thời gian đấy. Uống thực phẩm chức năng đơn giản là để bổ sung chất mà bạn thiếu, nếu đi khám mà bác sĩ nói rằng bạn thiếu chất và cần dùng thực phẩm chức năng thì hãy dùng. Còn không thì hãy ăn uống đa dạng, mình tin là bạn không bị thiếu chất như bạn tưởng đâu, bổ sung những thứ mà bạn không cần thì không đem lại lợi ích gì, chỉ phí tiền mà thậm chí còn có nguy cơ gặp các tác dụng phụ không mong muốn.

Tóm lại

Ở Việt Nam nhiều người có thói quen khá kì lạ là tự ý mua thuốc mà không cần đến sự chỉ dẫn của bác sĩ, thấy uống vào tốt thì cứ mua về dùng chứ không có hiểu biết gì về thành phần, dược tính và những hậu quả lâu dài mà thuốc gây ra với sức khoẻ. Thực phẩm chức năng còn nguy hiểm hơn vì được mua bán thoải mái mà không cần đơn thuốc mặc dù còn nhiều dấu hỏi cho công dụng thực sự của chúng. Hãy cải thiện lối sống và chế độ dinh dưỡng hàng ngày trước khi tìm đến thực phẩm chức năng. Hãy nhớ rằng nếu nguồn gốc vấn đề về sức khoẻ mà bạn mắc phải không thể giải quyết được bằng đồ ăn thì thực phẩm chức năng cũng sẽ không làm được điều gì kì diệu.

Nguồn tham khảo

  1. https://www.fda.gov/food/dietarysupplements/usingdietarysupplements/ucm109760.htm
  2. https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/complementary-and-alternative-medicine/dietary-supplements/fda-regulations.html
  3. Campbell, T. and Campbell, T. (n.d.). The China study. p.228.
  4. Campbell, T. and Campbell, T. (n.d.). The China study. p.232.