Tiếp tục bài viết về retinoids lần trước, bài lần này mình sẽ tổng hợp các biện pháp giúp bạn tiếp cận retinoids một cách an toàn. Nôm na mà nói, retinoids mang lại tác dụng tích cực và có thể sử dụng lâu dài, tuy nhiên đi kèm với đó sự chỉn chu và cẩn thận trong quá trình skincare của bạn cũng cần phải được nâng lên tầm cao mới bởi đặc tính dễ kích ứng của nó. Bài phần hai này có mục đích chủ yếu là hướng dẫn sử dụng, nếu đã có quyết tâm cao muốn đưa retinoids vào quá trình skincare của mình, bạn có thể đọc tiếp, còn nếu chưa hiểu rõ về chất này, bạn có thể quay lại đọc bài phần một.
Có lẽ để tìm được hướng dẫn sử dụng retinoids ở thời điểm hiện tại là không hề khó trên các chuyên trang làm đẹp hay từ các beauty blogger, để tránh ngộ độc kiến thức, bạn chỉ cần nhớ đơn giản là tất cả các phương pháp apply retinoids đều hướng đến một mục đích đó là điều chỉnh sức mạnh của retinoids đối với làn da. Cụ thể, nếu áp dụng retinoids quá “yếu”, da sẽ gần như không có cải thiện rõ rệt, còn nếu dùng retinoids quá “mạnh”, da sẽ dễ bị nhạy cảm, kích ứng, ngứa rát. Việc điều chỉnh mức độ phù hợp sẽ giúp retinoids phát huy công dụng một cách tốt nhất, vừa đủ để bạn thấy da căng, sáng bóng, đẩy sạch mụn mà tác dụng phụ vẫn có thể chịu đựng được.
Nội dung bài viết
Bước 1: Lựa chọn loại retinoids phù hợp – tự nhiên hay tổng hợp?
Trước khi sử dụng retinoids, bạn nên hiểu rõ mục đích của việc sử dụng là gì, retinoids có rất nhiều tác dụng khác nhau nhưng về cơ bản có thể chia làm 3 nhóm chính:
- Cải thiện kết cấu da: hỗ trợ sản sinh collagen, giúp da trẻ trung, mịn màng, mờ nếp nhăn
- Cải thiện tông da: giúp làm đều màu da, sáng da, chữa cháy nắng
- Trị mụn: hỗ trợ quá trình sừng hoá giúp đẩy mụn, giảm ách tắc lỗ chân lông
Tuỳ vào nhu cầu, bạn có thể lựa chọn loại retinoids giúp mình khắc phục một trong ba hoặc cả ba vấn đề nêu trên. Các loại retinoids được chia làm 2 nhóm chính:
Retinoids tự nhiên (natural retinoids)
Với đặc tính kích hoạt tất cả thụ thể retinoic acid receptors (RAR) trên da, các loại retinoids này đem lại cả 3 tác động kể trên, da sẽ được cải thiện chung về mọi mặt. Tuy nhiên, cũng vì đặc điểm này mà retinoids tự nhiên có 2 nhược điểm chính: một là tác dụng sẽ không tập trung, giả sử bạn muốn tìm một sản phẩm để đặc trị mụn, retinoids tự nhiên sẽ làm bạn hơi thất vọng vì đem lại tác dụng lâu hơn so với các chất khác, thứ hai là tác dụng phụ của retinoids tự nhiên cũng phổ biến hơn do cấu tạo của nó không ổn định, dễ biến đổi dưới tác động của môi trường nhất là ánh sáng.
Phù hợp với ai ?
- Retinoids tự nhiên phù hợp cho người muốn cải thiện da nói chung, ngăn ngừa lão hoá, dùng lâu dài. Không quá xuất sắc cho các nhu cầu đặc trị (trị mụn, làm trắng…) vì thời gian phát huy tác dụng lâu
- Nếu bạn lựa chọn retinoids tự nhiên, hãy bắt đầu với một loại khá phổ biến và có sức mạnh trung bình như retinol thay vì loại quá nhẹ như Retinyl Palmitate hoặc quá nặng đô như Tretinoin. Mình thấy một số người mới bắt đầu đã sử dụng Retin-A (Tretinoin), một là vì nhiều shop bán, hai là được nhiều bạn review tốt, ba là giá khá hạt rẻ. Tuy nhiên dù gì thì đây cũng là loại Retinoid mạnh, dễ gây kích ứng kể cả với nồng độ thấp và thông thường phải được kê đơn mới mua được. Lưu ý là mỗi loại retinoids đều có đặc tính khác nhau, mọi sự qui đổi nồng độ chất này bao nhiêu ra chất kia chỉ là tương đối. Nếu da bạn đã có tiền sử dùng Retinoids từ trước có thể sẽ không sao, nhưng nếu không thì nên sử dụng Retinol thôi cho chắc, đây cũng là loại bạn có thể mua thoải mái ở bất cứ đâu mà không cần đơn. Sau khi đã quen, dần dần bạn có thể chuyển sang các loại retinoids mạnh hơn.
Natural Retinoids | Mức độ | Cần kê đơn không |
Retinyl Palmitate | Yếu | Không |
Retinol | Trung bình | Không |
Retinaldehyde (Retinal, Vitamin A aldehyde) | Trung bình | Không |
Tretinoin (Retinoic acid) | Mạnh | Có |
Retinoids tổng hợp (synthetic retinoids)
Để tăng cường tác động của retinoids và hạn chế tác động phụ, các nhà khoa học tổng hợp ra các loại retinoids nhân tạo với chức năng chỉ liên kết với một nhóm các thụ thể cụ thể trên da để đem lại một số lợi ích mong muốn. Có thể nói, retinoids tổng hợp có tác dụng tập trung hơn retinoids tự nhiên, ít gây kích ứng và cấu tạo cũng ổn định hơn dưới tác động của môi trường.
Phù hợp với ai ?
- Phù hợp cho người muốn điều trị những vấn đề da cụ thể hoặc không hợp với retinoids tự nhiên do cảm thấy da quá nhạy cảm với retinoids tự nhiên hoặc retinoids tự nhiên không đủ mạnh để khắc phục các vấn đề trên da của họ.
Synthetic Retinoids | Công dụng chủ yếu | Cần kê đơn không |
Adapalene | Trị mụn | Có |
Tazarotene (brand: Tazorac) | Trị mụn, cải thiện tông da, chữa cháy nắng, làm đều màu và sáng da | Có |
Isotretinoin | Trị mụn nặng | Có |
Granactive Retinoid (brand: the Ordinary) | Mờ vết nhăn, cải thiện cấu tạo da, chống lão hoá | Không |
Bước 2: Lựa chọn sản phẩm phù hợp
Sau khi lựa chọn được loại retinoids phù hợp với nhu cầu của mình, điều tiếp theo bạn cần làm là lựa chọn loại sản phẩm phù hợp dựa trên 2 yếu tố chính là nồng độ, và nhãn hàng mà bạn yêu thích. Có khá nhiều nhãn hàng cho ra đời các dòng sản phẩm chứa retinoids, đa phần chúng được gán với công dụng chống lão hoá với nhiều dạng như kem dưỡng, serum hoặc dạng gel, chỉ cần bạn tra từ khoá retinoids với tên brand là có thể tìm thấy rất nhiều sự lựa chọn với nhiều nồng độ khác nhau. Một số nhãn hàng lớn có thể kể đến như: Paula’s Choice, the Ordinary, Neutrogena, Olay, Vichy, Aveeno…
Mỗi một dòng sản phẩm của các hãng sẽ có ghi rõ nồng độ (concentrate) của retinoids và có nhiều loại sản phẩm tương tự với các nồng độ khác nhau. Nếu cảm thấy da mình khoẻ, bạn có thể bắt đầu với loại có nồng độ trung bình, còn không thì có thể sử dụng loại yếu hơn rồi nâng dần lên.
Bước 3: Apply Retinoids
Một lưu ý khi apply retinoids là đa phần các retinoids đều mẫn cảm với ánh nắng và môi trường ẩm nên bạn nên áp dụng retinoids vào buổi tối trước khi đi ngủ và sau khi rửa mặt và để khô da trong khoảng 20 phút. Mỗi lần dùng chỉ dùng 1 lượng nhỏ bằng hạt đỗ (hoặc theo liều lượng được ghi trên bao bì sản phẩm). Việc dưỡng da có thể được tiến hành sau 20 phút hoặc một tiếng sau khi áp dụng retinoids. Bạn cũng nên hạn chế tiếp xúc với ánh sáng sau khi bôi retinoids. Ban đầu, việc sử dụng retinoids có thể được tiến hành từ 1 đến 2 lần 1 tuần, khi cảm thấy da đã dần quen với sản phẩm, bạn có thể tăng dần tần suất lên. Khi đã sử dụng Retinoids, bạn nên gắn bó với chất này và dùng liên tục để thấy được kết quả lâu dài trên da.
Bước 4: Bảo vệ da sau khi dùng retinoids
Dù cho bạn dùng loại retinoids nào, bạn cũng phải luôn luôn đề phòng và có phương án để đối mặt với các hậu quả mà nó đem lại. Retinoids nhìn chung không ổn định dưới tác động của ánh sáng, đặc biệt là retinoids tự nhiên, đồng thời trong những tuần đầu tiên sử dụng, bạn rất có thể sẽ phải chịu những tác dụng phụ của retinoids như da trở nên nhạy cảm, dễ sưng ngứa rát và bị khô. Để hạn chế những điều này, bạn cần làm những điều sau:
- Thực hiện các bước dưỡng ẩm đầy đủ khi dùng retinoids để tránh da khô
- Dùng kem chống nắng thật tốt có chỉ sổ SPF tối thiểu 30 khi ra đường, mà tốt nhất là tránh để da tiếp xúc với ánh nắng được bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu
- Về việc sử dụng sản phẩm đi kèm với retinoids, có nhiều lời khuyên trên mạng là không nên sử dụng vitamin C, BHA và AHA trong thời gian sử dụng retinoids, nguyên nhân đưa ra là vì các chất này làm thay đổi môi trường pH trên da, khiến việc sử dụng retinoids trở nên kém hiệu quả. Tuy nhiên, bạn có thể để ý là trên vỏ bao bì của các sản phẩm retinoids không có khuyến cáo nào là bạn cần tránh dùng serum loại gì hay tẩy da chết hoá học trong quá trình sử dụng cả. Bên cạnh đó, cũng chưa có một nghiên cứu khoa học cụ thể nào chứng minh điều này là đúng, theo trang tin tức của Paula’s Choice, đây là một thông tin có phần sai lệch do sự hoạt động của retinoids không liên quan đến môi trường pH trên da 1. Theo một số nghiên cứu (trong phần tài liệu tham khảo), sự kết hợp của retinoids và glycolic acid còn giúp hỗ trợ điều trị mụn và sẹo tốt hơn.
Bước 5: Quản trị rủi ro – Những biện pháp giúp bạn sống chung với retinoids một cách dễ dàng
Như đã nói, việc sử dụng retinoids đòi hỏi một thời gian khá dài để tìm hiểu và thử nghiệm chứ không chắc bạn sẽ thành công ngay từ lần đầu tiên sử dụng. Trong trường hợp đã tìm hiểu kĩ mà vẫn chẳng may mua phải loại retinoids mà da bạn không mấy yêu thích, thay vì phải xót xa túi tiền cho việc thay đổi sản phẩm mới, bạn có thể thử những phương pháp sau để giúp da làm quen dễ dàng hơn
Buffering
Nôm na, đây là phương pháp giúp tiết giảm sức mạnh của retinoids, nếu bạn thấy da phản ứng quá mạnh theo cách mà bạn không mong muốn, có thể bạn cần làm sản phẩm bạn đang dùng “yếu” bớt đi trước khi nó tiếp xúc với da. Các phương pháp buffering dưới đây bạn có thể sử dụng với hầu hết các loại retinoids hiện tại trên thị trường:
- Cách 1: sử dụng kem dưỡng trước rồi mới dùng retinoids
- Cách 2: sử dụng retinoids rồi bôi kem dưỡng lên ngay mà không đợi
- Cách 3: pha retinoids với kem dưỡng hoặc serum rồi áp dụng lên da
Short contact therapy
Nếu bạn sử dụng Tazarotene, đây là liệu pháp bạn có thể dùng để hạn chế bớt tác động của sản phẩm với da. Thay vì để retinoids trên da lâu dài qua đêm, bạn chỉ để nó tiếp xúc với da một thời gian ngắn từ 5 phút đến 2 tiếng sau đó rửa mặt đi và tiến hành các bước skincare như bình thường.
Đọc thêm: Tổng quan về vitamin C
Kết luận
Như các bạn có thể thấy, việc sử dụng Retinoids không phải là điều đơn giản, nhờ vào công cuộc đào bới internet và hàng ngàn những cái ngáp đến từ việc đọc tài liệu về retinoids bao gồm cả các nghiên cứu so sánh đầy chán ngán, mình đã tổng hợp được một bài kha khá là súc tích, hy vọng không bỏ sót điều gì. Tuy nhiên cũng phải chân thành mà nói là con đường từ lí thuyết đến thực tiễn còn gian nan, đòi hỏi sự kiên trì và thử nghiệm bền bỉ mới có được thành quả. Retinoids quả là phức tạp và khó sử dụng, tuy nhiên kết quả mà nó đem lại cho làn da cũng sẽ rất xứng đáng với nỗ lực mà bạn phải bỏ ra. Chúc các bạn thành công!
Tài liệu tham khảo và đọc thêm
Phân loại và sử dụng Retinoids
- How to use Retinoids the right way, Skinacea
Nghiên cứu so sánh Retinoids tổng hợp:
- Suleyman Piskin and Erol Uzunali, A review of the use of adapalene for the treatment of acne vulgaris, 2007
- Stephanie Ogden, Miny Samuel, and Christopher EM Griffiths, A review of tazarotene in the treatment of photodamaged skin, 2008
- Alison Layton, The use of isotretinoin in acne, 2009
Nghiên cứu sử dụng tổng hợp Retinoids, AHA, BHA và Vitamin C
- C. Bertin, H. Zunino M. Lanctin, G.N. Stamatas, E. Camel, C. Robert, N. Issachar, Combined retinol–lactose–glycolic acid effects on photoaged skin: a double‐blind placebo‐controlled study, 2008
- BS Chandrashekar, KR Ashwini, Vani Vasanth, and Shreya Navale, Retinoic acid and glycolic acid combination in the treatment of acne scars, 2015
- “Fun fact: Retinol occurs as a solid that must be dissolved in a carrier oil, which makes it a waterless ingredient. Its waterless composition means that there is no pH to consider, even when it is layered with acidic ingredients—you cannot establish a pH in a waterless product!” – 6 retinoids myths busted, Paula Choice’s Skincare