Liệu dùng acid có gây yếu da và lão hóa sớm như trăn trở của nhiều người? Bài viết này sẽ giải đáp những khúc mắc liên quan đến hậu quả dài hạn của acid trên da.

Không phải cảnh tượng trong truyện kinh dị, việc dùng acid trên da là có thật và thậm chí lại là biện pháp làm đẹp vô cùng được ưa chuộng. Acid ở đây không phải là loại acid dùng để đánh ghen đâu nhé. Acids trong skincare mà mình đề cập tới có tính năng tiêu sừng và đem lại các lợi ích cho da bao gồm:

Những công dụng này nghe thật tuyệt vời trái ngược với cái tên đáng sợ của chúng đúng không?

Dẫu vậy, nỗi lo rằng khi dùng acid lâu dài, da sẽ bị mỏng và yếu dần đi vẫn tồn tại.

Quan ngại này lại càng trở nên có cơ sở khi nhiều người viện dẫn đến một nghiên cứu khoa học vào năm 1961…

Nỗi sợ mang tên hiệu ứng Hayflick

Vào năm 1961, nhà khoa học Leonard Hayflick đã đưa ra một giả thuyết vô cùng đáng sợ. Sau khi thực hiện thí nghiệm trên tế bào, ông kết luận rằng một tế bào chỉ có khả năng tái sản sinh khoảng 50 lần rồi ngừng lại và tự sát.

Giả thuyết này của Hayflick được một nhóm nhà khoa học khác chứng thực thông qua một nghiên cứu sau đó vài chục năm. Họ quan sát được hiện tượng đoạn DNA bị ngắn lại một chút ở phần đuôi sau mỗi lần phân bào. Đến khi phần đuôi này cụt hẳn thì tế bào không thể tiếp tục sản sinh được nữa 1

Nói cách khác, tế bào không thể sinh sôi mãi mãi mà sẽ đạt tới một giới hạn và ngừng phục hồi.

Thông tin này khiến nhiều tín đồ skincare trăn trở. Liệu tẩy da chết nhiều quá có khiến da chạm tới giới hạn Hayflick nhanh hơn? Liệu tẩy da chết nhiều quá có khiến tế bào da bị … hết và mỏng dần đi?

Dùng acid có khiến da bị mỏng?

Mặc dù còn gây nhiều tranh cãi, giới hạn Hayflick vẫn là một phát hiện quan trọng trong nghiên cứu tế bào.

Nếu là người đang hăng say dùng hoạt chất hoặc tẩy da chết hàng tuần, đây là điểm quan trọng mà bạn cần lưu ý: Tế bào da không phải là đối tượng áp dụng của giới hạn Hayflick vì bản thân nó đã ở trong trạng thái… nằm chờ chết rồi.

Tế bào da (keratinocyte) được sinh ra ở tầng đáy của da, di chuyển lên trên sau đó bong ra như lẽ tự nhiên. Do đó, giới hạn Hayflick không có nghĩa lý gì khi áp dụng trên các tế bào dạng này 2.

Những tế bào chưa hoàn toàn biệt hoá như tế bào gốc trên da cũng không phải là đối tượng áp dụng của hiệu ứng Hayflick. Tế bào gốc có thể thoải mái sinh sôi không giới hạn trong suốt cuộc đời của bạn 3 4

Điều đó đồng nghĩa với việc da bạn sẽ liên tục tái tạo và phục hồi. Việc dùng acid để tẩy da chết thường xuyên sẽ không khiến cho tế bào da cạn kiệt.

Nghĩ một cách thực tế như thế này: Nếu tế bào da có giới hạn thì đến một độ tuổi nào đó vết thương trên da sẽ không bao giờ lành lại được. Sẽ không còn ai dám gãi ngứa, kì cọ khi tắm hay thực hiện bất cứ một thao tác chà xát nào trên da nữa cả. May mắn là điều đó không xảy ra nên cũng đừng quá bi quan về chuyện dùng hoạt chất tiêu sừng nữa nhé!

Acid thậm chí còn giúp dày sừng

Thật vậy, nhiều nghiên cứu khoa học được tiến hành trên các loại acid trong mỹ phẩm đã cho thấy kết quả tích cực giúp kết cấu da cải thiện. Thí nghiệm trên các nhóm Hydroxy Acids 5 và Retinoids 6 đều đưa ra kết luận rằng đối tượng sử dụng có lớp bì dày hơn đồng thời mật độ collagen tăng và độ dẻo dai của sợi elastin được cải thiện. Sử dụng Ascorbic Acid tương tự cũng làm săn chắc cấu trúc da 7 8 9

Cơ chế hoạt động cụ thể của các loại acid tuy chưa được làm rõ nhưng có thể cho rằng lợi ích mà chúng đem lại đến từ tác động tiêu sừng. Việc tẩy da chết thường xuyên sẽ giúp đưa ra tín hiệu khiến da sản sinh nhiều tế bào mới để phục hồi lại lớp da bên ngoài, từ đó da dần dần khoẻ lên. Cứ tưởng tượng việc dùng acid giống như tập thể dục cho da vậy đó. Những tác động nhẹ mà ta thực hiện trên da sẽ giúp da ngày càng mạnh mẽ, săn chắc hơn sau này.

Nhưng thông tin trên đã đủ làm bạn bớt sợ về acid hay chưa? Chưa thì cùng đọc tiếp nhé…

Acid trong skincare

Acid trong skincare không ‘mạnh bạo’ như bạn tưởng

Da nóng bỏng, nhạy cảm, đỏ xót thậm chí đẩy mụn từa lưa là những nỗi lo sợ khi bôi acid lên da vì nó ‘mạnh quá’. Đúng là nếu bạn chưa dùng acid bao giờ hoặc sở hữu một làn da nhạy cảm, ban đầu bạn hoàn toàn có thể sẽ dính phải những triệu chứng trên.

Tuy nhiên, đây lại là những hiện tượng hoàn toàn bình thường. Khi da bạn quen dần với acid, những hiện tượng trên sẽ biến mất. Các phản ứng tiêu cực ngoài ý muốn sẽ rất ít khi diễn ra vì hầu hết nồng độ acid trong các sản phẩm skincare thông thường rất thấp, trừ các sản phẩm dạng peel.

Acid cũng sẽ cần thời gian để hấp thụ dần vào da chứ không phải bạn bôi lên cái là chúng sẽ thấm hết ngay. Khi vừa apply, acid sẽ cần phải được chuyển hóa thành dạng ion để có thể hoạt động được. Môi trường pH càng thấp gần độ pka tiêu chuẩn, acid chuyển hóa càng nhanh và càng có hiệu quả 10.

Nhưng tất nhiên là ngoài các nhà sản xuất nước đánh ghen, sẽ không có hãng mỹ phẩm nào dám đánh liều nâng độ acid sản phẩm lên quá cao để khiến da người dùng đỏ tấy lên rồi khóc lóc đi kiện. Thông thường môi trường pH lý tưởng nằm trong khoảng 3 – 4, không quá cao nhưng cũng không đủ thấp để toàn bộ lượng acid bôi lên mặt bạn chuyển hoá hết vào da ngay

Vậy nên đừng vội dãy nảy lên kêu ca acid mạnh quá vì nồng độ acid thông thường đã thấp, chuyển hoá vào da lại càng chậm hơn nên khó thể khiến da bạn lột tẩy bong tróc quá trầm trọng.

Kết luận

Những ý chính trong bài gồm có:

  • Các loại acid phổ biến trong skincare bao gồm AHA, BHA, Retinoid, Ascorbic Acid
  • Các acid này đem lại các lợi ích cho da: giúp tiêu sừng, dày sừng, trị mụn, làm sáng da và cải thiện cấu trúc da
  • Dùng acid hay tẩy da chết thường xuyên sẽ không khiến da bị mỏng đi
  • Nồng độ acid trong mỹ phẩm thường rất thấp và chuyển hoá vào da chậm nên ít khi gây ra các tác dụng phụ trầm trọng

Hy vọng ngần đấy thông tin đã đủ để bạn yên tâm hơn về việc sử dụng acid lâu dài trên da hoặc bắt đầu cân nhắc đưa các loại acid vào trong chu trình chăm sóc da của mình.

Nguồn tham khảo

  1. Will the Hayflick limit keep us from living forever? – HowStuffWorks
  2. The Why, What, and How of Exfoliating the Skin – Dermascope
  3. Can exfoliating cause you to run out of skin – DermTV
  4. Does exfoliating make you run out of skin? – The beauty brains
  5. Textbook of Cosmetic Dermatology, p.60
  6. Textbook of Cosmetic Dermatology, p.73
  7. Vitamin C Regulates Keratinocyte Viability, Epidermal Barrier, and Basement Membrane In Vitro, and Reduces Wound Contraction After Grafting of Cultured Skin Substitutes Boyce, Steven T. et al. Journal of Investigative Dermatology , Volume 118 , Issue 4 , 565 – 572
  8. Seité S, Bredoux C, Compan D, Zucchi H, Lombard D, Medaisko C, Fourtanier A: Histological Evaluation of a Topically Applied Retinol-Vitamin C Combination. Skin Pharmacol Physiol 2005;18:81-87. doi: 10.1159/000083708
  9. Vitamin C for wrinkles and skin aging – smartskincare
  10. Understanding Acids – Dermascope