Cồn (Alcohol) trong mỹ phẩm có thực sự gây hại

Chắc là bạn đã được nghe không ít về tác hại của cồn. Nhiều người còn khuyên là nhìn bảng thành phần mỹ phẩm thấy có cồn thì phải tránh xa ra. Nhưng sự thật là bây giờ để mua được mỹ phẩm không cồn thì may ra có sữa rửa mặt và một số loại toner nước vắt. Còn lại hầu hết những thứ bạn bôi lên mặt từ hãng lớn đến bé không nhiều thì ít đều có alcohol ở các dạng khác nhau.

Những người sản xuất mỹ phẩm thực ra không bị ngáo mà cho cồn vào như thế để hại người dùng. Họ làm vậy là có những lý do nhất định:

  • Đầu tiên, cồn là một chất hoà tan rất tốt, giúp dầu và nước tan được vào với nhau mà không bị tách lớp. Nếu không có các chất nhũ hoá như cồn thì nhiều loại mỹ phẩm trông sẽ giống cocktail, trên lỏng dưới đặc, lúc nào dùng cùng phải lắc nhiệt tình như bartender trước rồi mới apply được.
  • Thứ hai là cồn làm khô tạm thời lớp màng lipid béo trên da, từ đó dưỡng chất trong mỹ phẩm ăn vào da tốt hơn. Lớp màng bảo vệ da ngăn cản sự xâm nhập của các yếu tố bên ngoài, vô hình chung cản trở luôn hoạt chất. Do vậy, alcohol là thành phần trung chuyển quan trọng giúp mỹ phẩm thẩm thấu vào da một cách hiệu quả. Đây cũng là lý do các sản phẩm chấm mụn cho da dầu thường có nhiều cồn.
  • Thứ ba là cồn được dùng để làm loãng dung dịch, giúp chất sản phẩm lỏng nhẹ, tạo cảm giác khô thoáng khi thoa lên da.
    -> Chung quy lại là sử dụng một lượng cồn vừa phải trong mỹ phẩm sẽ khiến hiệu quả sản phẩm tăng lên rõ rệt so với việc không dùng.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến tranh luận về tác hại của cồn. Trong đó, một bài viết trên blog của Paula’s Choice có đề cập tới việc cồn khiến da bị kích ứng và gây hại về lâu dài. Bài viết này tuy thế không thuyết phục bởi trích nguồn rất trả treo, nói là dựa vào ‘nhiều bằng chứng khoa học mới nhất’ nhưng trích được 3 cái dẫn chứng trong đó có đúng 1 cái nói về hồ sơ an toàn của cồn. Mình tự tay đi tìm các nghiên cứu khác về ứng dụng của cồn trong mỹ phẩm thì có hai bài tổng hợp khoa học ([1], [2]) đều công nhận cả alcohol denat và fatty alcohol nồng độ thấp là an toàn trong mỹ phẩm.

Cũng phải nói là việc da xấu đi khi lạm dụng cồn là có thể xảy ra. Vì cồn hoà tan lớp màng bảo vệ da nên sẽ khiến da mau mất nước, bị khô và nhăn nheo (mặt trái của cái tác dụng dễ thẩm thấu kể trên). Hệ quả này còn dẫn đến việc da trở nên yếu, dễ bị các tác nhân bên ngoài tấn công. Thêm vào đó trong một số trường hợp, cồn cũng có thể gây kích ứng, làm da tấy đỏ, nổi mẩn.

Nhưng tất nhiên là những hậu quả này chỉ đáng quan ngại khi sản phẩm chứa cồn nồng nặc. Còn đa phần các loại mỹ phẩm khác chỉ cho chút ít vào để cải thiện hiệu quả sản phẩm thì không sao hết.

Nói tóm lại thì phần lớn các loại mỹ phẩm trên thị trường đều có chứa cồn để tăng hiệu quả và làm đẹp texture. Bạn thích thì cứ tránh nhưng tránh vỏ dưa thì cũng gặp vỏ dừa, không cồn thì cũng có ối các thành phần bị coi là ‘xấu’ khác như silicone, sulfate, v.v… tránh hết thì chỉ còn dùng được mỗi nước lã. Nói chung khi sản xuất người ta đã tính và cũng thử nghiệm chán chê rồi nên cứ yên tâm mà dùng theo hướng dẫn ngoài bao bì. Bây giờ cũng chẳng có ai đi sản xuất loại toner hay serum nào nồng nặc cồn quá trừ các loại rượu thuốc ‘bong da, tái tạo’. Có một số loại bôi mụn chứa nhiều alcohol bạn lưu ý chấm điểm cho đến khi mụn xẹp, không nên bôi lan ra diện rộng là được.

Nguồn tham khảo học thuật:
[1] Báo cáo tổng hợp đánh giá mức độ an toàn của alcohol denat trên International Journal of Toxicology https://journals.sagepub.com/…/pdf/10.1080/10915810802032388
[2] Báo cáo tổng hợp đánh giá mức độ an toàn của fatty alcohol trên International Journal of Toxicology https://journals.sagepub.com/…/pdf/10.3109/10915818809023137
[3] Các tác dụng của cồn trong mỹ phẩm https://www.cosmeticsinfo.org/i…/alcohol-and-alcohol-denat-1
Nguồn không chính thống lắm:
[4] Bài báo chê bôi cồn của PC https://www.paulaschoice.com/…/alcohol-in-skin-care-the-fac…
[5] Nhận định của một cosmetic chemist rằng cồn không gây kích ứng https://chemistscorner.com/does-alcohol-cause-skin-irritat…/