Bài viết tổng hợp phân tích về các chất làm trắng da, giảm thâm trong mỹ phẩm

Hầu như ai cũng muốn da mình trắng sáng nhưng không phải ai cũng biết lựa chọn mỹ phẩm sao cho phù hợp. Cơ chế tạo màu trên da mình đã đề cập tới trong bài viết này, còn dưới đây mình sẽ nói tới các chất giúp làm trắng da và giải thích cơ chế hoạt động của chúng.

Về cơ bản, hiện tượng thâm/sạm da do cháy nắng hay do mụn đều bắt nguồn từ việc da sản sinh sắc tố đen nâu nhiều hơn mức cần thiết. Từ đó, để làm da trắng lên, các tác nhân trong mỹ phẩm cần phải can thiệp vào quá trình tổng hợp sắc tố. Cụ thể như sau:

Kìm hãm enzyme tyrosinase

Enzyme tyrosinase là nhân tố cần để tế bào sắc tố (melanocyte) tổng hợp ra sắc tố da (melanin). Việc ức chế hoạt động của tyrosinase sẽ giúp ngăn từ gốc sự hình thành sắc tố, kích trắng da mạnh mẽ.

Ấy nhưng mà đừng vội ham! Vì can thiệp vào một quá trình sinh hoá quan trọng của da không phải lúc nào cũng an toàn và duy trì được lâu dài. Ví dụ như corticoid và thuỷ ngân tuy có khả năng làm trắng da theo cách này nhưng lại có thể gây tàn phá da nghiêm trọng nên không được ứng dụng rộng rãi. Được làn da bạch tuyết nhưng được đính kèm luôn một đống hệ quả như ung mủ, nhiễm độc thì chắc chả ai muốn đánh đổi.

Dưới đây mình sẽ liệt kê một số hoạt chất giúp ức chế tyrosinase được cho phép dùng trong mỹ phẩm:

  • Hydroquinone (HQ): mặc dù bị cấm trong bảng thành phần của các dòng mỹ phẩm đại trà bán tại thị trường Âu Mỹ, HQ vẫn được sử dụng dưới sự kiểm soát của bác sĩ da liễu hoặc chuyên gia thẩm mỹ có tay nghề. HQ kích trắng da thông qua phản ứng triệt tiêu tyrosinase tạo ra sản phẩm phụ có gốc tự do oxy. Điều này giúp da trắng lên nhanh chóng tuy nhiên cũng kéo theo nhiều nguy cơ như đổi màu móng, đổi màu da, cơ chế chữa thương của cơ thể bị hư hoại, cơ thể bốc mùi cá tanh và thậm chí còn có nguy cơ ung thư. Sử dụng HQ cần phải có sự giám sát của người có chuyên môn để phòng tránh những hậu quả của việc dùng không đúng liều lượng.
  • Arbutin (AR): AR hoạt động theo cơ chế gần tương tự HQ. Nhiều nghiên cứu giải thích là do AR có khả năng giải phóng HQ từ từ sau khi chúng được bôi lên da. Tuy nhiên sử dụng AR an toàn hơn HQ và tới nay vẫn chưa có trường hợp nào gặp tác dụng phụ quá trầm trọng được báo cáo. AR không bị cấm và được đưa vào các sản phẩm skincare trắng da bán rộng rãi. Tuy nhiên, những tác dụng phụ của HQ vẫn khiến nhiều người quan ngại về hệ luỵ của việc sử dụng AR trong thời gian dài.
  • Kojic Acid (KA): KA được chiết xuất từ các loại vi khuẩn nấm trong đó có aspergillus. KA kìm hãm tyrosinase thông qua việc nối các nguyên tử đồng trong enzyme này, còng chúng lại không cho chúng phản ứng tạo sắc tố nữa. Sử dụng KA có thể gây kích ứng tuy nhiên nồng độ thấp từ 1% đổ xuống thì rất an toàn, được hiệp hội khoa học Châu Âu chấp nhận để sử dụng đại trà trong mỹ phẩm.
  • Azelaic acid (AZ): AZ cũng là chất có khả năng làm trắng da thông qua việc kìm hãm hoạt động tyrosinase tuy nhiên mình chưa tìm hiểu được cụ thể cơ chế của AZ là gì. Có thể nói trong các chất thuộc nhóm này, AZ là chất có hồ sơ tác dụng phụ sạch sẽ nhất, ít gây kích ứng da. Kem bôi AZ không những trị được mụn mà giảm được cả thâm.

Ngăn cản sắc tố di chuyển vào tế bào da (niacinamide)

Sau khi sắc tố đen nâu (eumelanin) được tạo ra, chúng sẽ được tế bào sắc tố đưa vào tế bào da qua các tua (dendrites). Niacinamide không ngăn được quá trình kiến tạo sắc tố nhưng chúng có thể làm chậm lại sự di chuyển của sắc tố vào tế bào da.

Khả năng làm trắng da của niacinamide được chứng minh trong một số nghiên cứu, trong đó có cả một nghiên cứu so sánh với HQ đăng tải trên tạp chí da liễu Úc cho ra kết quả khá khả quan.

Ngoài làm trắng, niacinamide còn đem lại nhiều công dụng giúp cải thiện da ở các phương diện khác như trị mụn, giảm tiết dầu, tăng sinh ceramide, lại nhẹ nhàng gần như không có tác dụng phụ.

Triệt tiêu gốc tự do gây sạm da (vitamin C)

Tia UV khi thâm nhập vào da sẽ sản sinh nhiều gốc tự do oxy phá hoại tế bào. Nhận thấy tế bào da bị tổn thương, cơ thể tăng sinh melanin bao bọc quanh chúng để bảo vệ, vô hình chung làm da trở nên thâm sạm. Bạn hiểu vì sao không muốn đen thì đừng bao giờ quên kem chống nắng rồi đấy.

Để trung hoà gốc tự do và giảm thâm sạm, sử dụng các chất chống oxy hoá mạnh như vitamin C (ascorbic acid) là rất hợp lý. Ngoài tăng cường sức đề kháng của da trước tác động tia UV, vitamin C còn giúp tăng cường sản sinh collagen giúp da trẻ trung.

Tiêu sừng (acid)

Các hoạt chất mang tính tiêu sừng sẽ giúp loại bỏ lớp tế bào da nhiễm sắc tố bên ngoài để lộ ra lớp da non hồng hào trắng trẻo bên dưới.

Đó là các loại acid thân thuộc: AHA, BHA Retinoids. Treatment thường xuyên sẽ giúp da giảm thâm nám nhanh hơn, tuy nhiên cũng làm da nhạy cảm hơn với ánh nắng. Vậy nên đây là con dao hai lưỡi, một mặt làm da trắng sáng đáng kể nhưng mặt khác da dễ bắt nắng hơn nếu không biết chống nắng cẩn thận.

Chất nào làm trắng da tốt nhất ? Sản phẩm tham khảo

Có thể nói nếu xét về công dụng làm trắng da thì nhóm thứ nhất có khả năng ức chế tyrosinase là vô địch vì trực tiếp cản trở sắc tố được tổng hợp từ đầu. Tuy nhiên tác dụng phụ của các chất trong nhóm này cũng là điều bạn phải cân nhắc khi sử dụng. Trong khi Kojic Acid và Azelaic Acid khá ổn để dùng lâu dài, Hydroquinone và Arbutin tốt nhất chỉ nên dùng cho tới khi vấn đề thâm sạm được giải quyết.

Đối với một số người, mụn mọc liên miên hết đốm này đến đốm khác nên việc trị thâm trở thành việc trường kì chứ không chỉ một lúc rồi thôi. Khi đó, duy trì một routine sử dụng các sản phẩm treatment dạng acid kết hợp với niacinamide sẽ đem lại lợi ích cải thiện da trong lâu dài.

Dưới đây là một số sản phẩm bạn có thể tham khảo:

Nguồn tham khảo

Overview of skin whitening agents with an insight into the illegal cosmetic market in Europe – European Academy of Dermatology and Venereology

Skin lightening preparations and the hydroquinone controversy – Dermatologic Therapy, Vol. 20, 2007, 308–313