Những phát triển về công nghệ giải mã gen gần đây đã giúp khoa học hiểu hơn về hoạt động của các vi sinh vật trên da và rút ra được những quan điểm trị mụn mới, khác hoàn toàn với những hiểu biết ngày trước.

Nhiều kết luận về mụn trước đây giờ đã không còn đúng nữa. Bít tắc lỗ chân lông không phải là bước khai sinh ra mụn. Cutibacterium Acne (C. Acne – tên cũ là P. Acne) không còn được coi là nguyên nhân gây mụn sưng, thay vào đó, sự mất cân bằng hệ vi sinh được phát hiện là cội nguồn của hầu hết mọi bệnh lý da, trong đó có mụn. Điều này khiến tư tưởng điều trị các bệnh về da phải thay đổi, gần như quay lại vạch xuất phát.

C. Acne ngày xưa – tội đồ gây mụn

Ngày xửa ngày xưa, khi các công nghệ nghiên cứu chưa phát triển như bây giờ, các nhà khoa học phải nghiên cứu về các vi khuẩn trên da thông qua phương pháp nuôi cấy trong phòng thí nghiệm (cultured-base method) vốn có nhiều điểm hạn chế khi không hoàn toàn quan sát được toàn bộ hoạt động của hệ vi sinh mà chỉ 1 số loại vi khuẩn dễ bóc tách nuôi cấy. Bởi vậy khi soi vào nội dung của cục mụn sưng và thấy sự phát triển dồi dào của C. Acne, khuẩn này dễ dàng trở thành nghi phạm số 1.

Bản thân C. Acne cũng không có gì bao biện được cho mình khi có quá nhiều nghiên cứu kết án nó dựa vào các hành vi: làm tăng sinh bã nhờn, tăng bài sừng lỗ chân lông, kích thích phản ứng phòng vệ của bạch cầu làm giải phóng enzyme làm vỡ lỗ chân lông, kích hoạt cơ chế sưng viêm, v.v… Và thế là từ đó, giới khoa học luôn tìm mọi cách để triệt tiêu C. Acne với suy nghĩ hết C. Acne, da sẽ hết mụn. Nhiều loại kháng sinh được tạo ra để target vào mục tiêu này, đã trở thành thành phần không thể thiếu trong hầu hết mọi phác đồ điều trị mụn trên thế giới.

Tuy vậy, C. Acne có một chứng cứ ngoại phạm vô cùng lớn mà không ai giải thích nổi, đó là nếu như C. Acne thực sự gây hại đến thế thì tại sao chủng khuẩn này lại tồn tại trên da một cách tự nhiên như vậy, kể cả trên những làn da khoẻ mạnh không bị mụn thì vẫn có sự tồn tại của C. Acne? C. Acne là một trong những vi khuẩn sinh sống trên da và góp phần quan trọng trong việc điều hoà môi trường da chứ không phải là một nhân tố ngoại lai nào đó từ môi trường gây kích ứng. Vậy đang yên đang lành không bị tấn công, tại sao hệ miễn dịch của cơ thể lại phát động cơ chế sưng viêm gây ra mụn? Tất cả những điều này khiến cho vai trò kiến tạo mụn của C. Acne bị lung lay, việc tập trung vào công kích loại vi khuẩn này là một thiếu sót lớn khi bỏ qua các tác nhân to lớn hơn đằng sau.

Giải mã gen và các phát hiện mới về hệ vi sinh trên da

Sự phát triển về công nghệ giải mã gen đã giúp khoa học hiểu được nhiều hơn về hệ vi sinh vật trên da. Chúng ta dần biết được rằng da là một môi trường có nhiều loại vi sinh vật sinh sống cộng sinh với nhau và sự thay đổi đột ngột về môi trường luôn đi kèm với các bệnh lý. C. Acne chỉ là một trong các loại vi khuẩn sinh sống trên da thuộc nhóm khuẩn Actinobacteria, bên cạnh đó còn 3 nhóm khuẩn khác bao gồm Proteobacteria, Firmicutes và Bacteroidetes.

Từ xưa đến nay khoa học luôn kết luận mối quan hệ giữa C. Acne với mụn khiến mọi phương pháp điều trị mụn đều quy đổi về diệt khuẩn C. Acne. Nhưng thực tế thì C. Acne là loại vi khuẩn bắt buộc phải có để duy trì sự hài hòa của môi trường da. Sự thiếu hụt hoặc sinh sôi quá đà của 1 loại khuẩn nào đó đều có thể gây ra mất cân bằng và gây ra bệnh lý da liễu.

Hệ sinh thái trên da và trong Acne Lesion

Cơ chế sinh học mới của mụn

Như vậy, những hiểu biết về sự hoạt động của hệ vi sinh vật đã gần như khiến những cơ chế hình thành mụn mà chúng ta biết từ trước tới nay không còn đúng nữa. Dựa vào những nghiên cứu vi sinh mới nhất, các nguyên nhân gây mụn mới được phát hiện là như sau:

  1. Sự mất cân bằng hệ sinh thái da

Trên thực tế, không có loại vi khuẩn nào gây hại cho da cả mà chúng đều đóng góp một vai trò nhất định nào đó trên da mà khoa học chưa giải thích được hết. Da giống như một tấm cảm biến gắn liền với hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch cơ thể bị đe dọa, hệ sinh thái da sẽ mất cân bằng, một số loại khuẩn sẽ sinh sôi đột biến chiếm lấy môi trường sống của các loại khuẩn khác và sinh ra vấn đề da liễu.

Trong trường hợp về mụn, nghiên cứu cho thấy sự độc chiếm gần như toàn bộ của khuẩn C. Acne trong môi trường nhiều dầu nhờn. C. Acne có cơ chế sinh học đặc biệt ức chế các chủng khuẩn khác gây ra sự mất cân bằng da. Đây là điều khiến C. Acne trở nên đáng trách, nhưng khi nghiên cứu sâu xa hơn, chúng ta hiểu được rằng sự phát triển của C. Acne lại giúp da tránh khỏi một số chủng khuẩn gây hại khác như Staphylococcus aureus gây lên bệnh eczema. Có thể phần nào cho rằng đây là cơ chế đánh đổi tự nhiên mà cơ thể tự sắp đặt để tự vệ mình khỏi các bệnh nan giải hơn.

  1. Sự hình thành biofilm với khả năng kháng kháng sinh cực kì có đầu óc của vi khuẩn

Đi sâu hơn vào nghiên cứu nội dung của mụn, người ta phát hiện ra sự hình thành của ‘cộng đồng vi khuẩn mụn’ chứ không chỉ đơn giản là những con vi khuẩn hoạt động đơn lẻ thông thường. Các bạn có thể thấy trong tự nhiên tổ kiến được hình thành bởi 1 đàn kiến, tổ ong được hình thành bởi 1 đàn ong, trong cái đàn đấy có con đầu đàn, con làm nhiệm vụ xây dựng, con làm nhiệm vụ kiếm thức ăn, quy củ như một xã hội vậy, bởi vậy chúng mới tạo ra được thành tựu là những cái tổ chứ hoạt động một cách riêng lẻ con nào làm việc nấy thì sẽ không ra gì cả. Và các bạn có thấy bất ngờ không khi cục mụn của bạn được bởi một cộng đồng vi khuẩn như thế sinh sống làm ổ.

Biofilm là một cộng đồng vi sinh vật sống chụm lại với nhau thành 1 mạng lưới, dịch nôm na là phim sinh học. Cái phim này tồn tại những cơ chế đặc biệt giúp vi khuẩn có thể sinh tồn, kháng lại tác động của kháng sinh và sản sinh ra các bệnh lý. Các nghiên cứu gần đây cho thấy C. Acne sinh sống thành các cụm phim sinh học trên da mụn, và có thể đây là sự khác biệt lớn về cách sinh hoạt của C. Acne trên da mụn và da khỏe mạnh. Nếu ở da khỏe mạnh, C. Acne sống một cách riêng rẽ không đáng lo ngại thì trên da mụn, chúng túm tụm lại với nhau thành cộng đồng. Trong lỗ chân lông, C. Acne biofilm giống như một lớp keo hồ làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gia tăng sự hình thành cồi mụn.

Việc phát hiện ra sự tồn tại của biofilm đã khiến tư duy điều trị mụn rẽ sang một hướng hoàn toàn mới, kháng sinh không còn là ưu tiên số 1 trong các phác đồ điều trị mụn nữa vì khả năng lờn thuốc của biofilm rất cao. Thay vào đó, guideline hiện nay cho trị mụn tập trung vào Retinoids và Benzoyl Peroxide, kháng sinh chỉ được sử dụng sau trung bình 8 tuần nếu bệnh nhân không có tiến triển với cách trị mụn cũ.

  1. Mối quan hệ kiểm soát lẫn nhau của các chủng khuẩn trên da

Nếu như trước đây, chúng ta chỉ tập trung quan sát mỗi C. Acne với suy nghĩ đó là chủng khuẩn duy nhất chịu trách nhiệm về mụn thì giờ đây chúng ta cần suy nghĩ sâu rộng hơn và quan sát sự tương tác giữa các chủng khuẩn khác nhau

Trên da khoẻ mạnh, các chủng khuẩn sinh sống hòa bình trong một hệ sinh thái cân bằng. Trên các loại da mắc các bệnh da liễu, hệ sinh thái này thay đổi và thường biểu hiện bởi sự chiếm đóng độc tài của một loại khuẩn nào đó. Ví dụ như trên da mắc bệnh eczema (khô ngứa đỏ), khuẩn Staphylococcus aureus hoạt động mạnh, được cho là liên hệ trực tiếp với bệnh lý này. Còn đối với da mụn, C. Acne là loại khuẩn phát triển dồi dào nhất với cơ chế sinh học ức chế sự phát triển của tất cả các chủng khuẩn khác.

Thông thường C. Acne sinh sôi trong môi trường vượng dầu nhờn, nó có khả năng giải phóng nhiều nguyên tử và acid béo kháng khuẩn giúp da tránh được nhiều bệnh lý nan giải. Như vậy nhìn theo hướng tích cực, sự phát triển của khuẩn C. Acne không phải là việc da bị tấn công bởi vi khuẩn mà là việc da tự chọn cho mình cơ chế này để chống lại các loại khuẩn khác nguy hiểm hơn. Tuy thế, C. Acne lại là loại khuẩn kích hoạt nhiều cơ chế viêm sưng và lôi kéo bạch cầu đến bắn thủng lỗ chân lông gây ra các hậu quả mất thẩm mỹ trên da.

Để cân bằng lại hoạt động C. Acne, một loại khuẩn khác mang tên Staphylococcus Epidermidis được phát triển để kìm hãm lại một số loại khuẩn C. Acne. S. Epidermidis có hoạt động lên men carbohydrate để giải phóng succinic acid giúp chống lại C. Acne. Hoạt động của S. epidermidis vẫn còn ẩn chứa nhiều bí ẩn đối với khoa học, nhưng việc quan sát thấy sự gia tăng của nó trên da mụn khiến nó ngày càng bị nghi ngờ có vai trò gì đó trong quá trình hình thành mụn. Và sự cân bằng lại tác hại của C. Acne là một trong những giả thuyết sớm nhất về hoạt động của chủng S. epidermidis được đưa ra, chúng ta cần chờ đợi thêm nhiều nghiên cứu, phát hiện hơn để biết được nhiều hơn về vai trò của khuẩn này.

Cơ chế hình thành mụn cũ và mới

Những giải pháp trị mụn mới tiếp cận vào hệ sinh thái da

Mặc dù những hiểu biết về cơ chế hình thành mụn và hệ vi sinh vật đã tiến bộ vượt bậc trong những năm gần đây nhưng vẫn chưa có loại thuốc mới nào được đưa ra thị trường, tất cả vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và tồn tại nhiều rủi ro. Để vượt qua hàng rào những tiêu chuẩn và được bán một cách an toàn thì chắc có lẽ rất lâu nữa chúng ta mới có được một loại tân dược giúp trị mụn bằng việc cân bằng hệ sinh thái. Một số giải pháp mới được đưa ra bao gồm Prebiotic & Probiotic, vắc xin, Phage therapy. Trong đó prebiotic và probiotic là một nhánh điều trị đầy triển vọng mà tớ đã từng đề cập qua trong bài viết này. Bằng việc đưa các loại khuẩn sống vào da hoặc đưa những loại ‘thức ăn’ đặc biệt nuôi dưỡng 1 số loại khuẩn nhất định, các nhà khoa học kỳ vọng có thể khiến môi trường da trở nên cân bằng trở lại, thúc đẩy sinh sôi các khuẩn đang bị ‘yếu thế’ và kìm hãm môi trường sống của các loại khuẩn gây bệnh đang phát triển quá dồi dào.

Phác đồ điều trị mụn ‘chuẩn quốc tế’ hiện tại

Hiện nay, với tình hình kháng kháng sinh ngày một tăng cao cộng thêm với những hiểu biết về hệ vi sinh vật trên da, kháng sinh đã không còn được ưu tiên trong các phác đồ điều trị mụn.

Thay vào đó các hoạt chất được khuyên dùng thay thế là Retinoids và Benzoyl Peroxide. Azelaic Acid nồng độ cao được chỉ định cho các trường hợp mang thai hoặc da đặc biệt mẫn cảm. Kháng sinh chỉ được khuyên dùng khi đã điều trị bằng các phương pháp trên mà không đạt được kết quả sau 6-8 tuần. Việc sử dụng kháng sinh cũng cần được kết hợp nhiều loại và với các hoạt chất khác để đạt được kết quả tốt chứ không được dùng đơn lẻ. Bên cạnh đó, Hydroxy Acids được sử dụng để duy trì và kiểm soát mụn sau thời gian điều trị.

Sau đây tớ sẽ bonus thêm cho bạn một số lời khuyên vô dụng giúp bạn duy trì hệ sinh thái da khỏe mạnh:

  • Ăn nhiều thực phẩm lên men chứa lợi khuẩn như kim chi, dưa muối cà muối, sữa chua tươi (không chất bảo quản)
  • Duy trì một chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh
  • Rửa tay thường xuyên vì chúng ta rất hay sờ tay lên mặt trong vô thức, mỗi lần thế là đem theo nhiều vi khuẩn lên da, hệ miễn dịch ư hử kích động phòng vệ cái là méo biết chuyện gì xảy ra
  • Tiếp xúc da với người khác có thể làm thay đổi hệ sinh thái trên da nên hãy lưu ý quan tâm tới người mình hay gần gũi, đôi khi da xấu có thể đổ lỗi cho người yêu 🙂
  • Thường xuyên thay chăn ga vỏ gối

Kết luận

Một số ý chính trong bài

  • C. Acne / P. Acne không phải nguyên nhân đơn thuần gây mụn
  • Các bệnh lý trên da thường được kiến tạo bởi sự mất cân bằng sinh thái trên da
  • Các nguyên nhân gây mụn mới bao gồm sự hình thành biofilm, sự mất cân bằng sinh thái da và hoạt động thống trị da của khuẩn C. Acne
  • Hiện chưa có tân dược nào có khả năng làm cân bằng hệ sinh thái