Andrew sẽ chia sẻ về quá trình mình tìm hiểu cũng như viết ra một bài viết được coi là đạt chất lượng trên blog Jasmin D’amour.

Sau nhiều tuần viết về các thông tin về thành phần, hoạt chất, tuần này mình sẽ đổi gió một chút bằng một bài viết chia sẻ về quá trình mình viết lách. Mình hy vọng bài này sẽ giúp bạn phần nào hiểu hơn về công đoạn sản xuất nội dung trên blog cũng như về việc nghiên cứu thông tin nói chung của mình.

Mục tiêu của blog

Ý tưởng của blog ngay từ những ngày đầu đã tương đối đặc biệt, không phải tập trung vào review sản phẩm như 99% các blog làm đẹp khác mà chủ yếu phân tích về khoa học chăm sóc da. Ngày nay, việc tiếp cận với các nguồn thông tin trở nên rất dễ dàng nhưng cũng vô cùng nhiễu loạn với sự phát triển của internet.

Theo mình quan sát thì trong lĩnh vực skincare, số lượng thông tin sai lệch nhiều đến khó tin. Nhiều phương pháp hay thành phần làm đẹp được tương truyền rầm rộ, thậm chí là từ những người có sức ảnh hưởng lớn như các beauty blogger tuy nhiên lại thiếu cơ sở hoặc cơ sở không đủ tin cậy.

Khi bắt đầu viết blog, cá nhân mình cũng dựa vào các blog nổi tiếng đã có sẵn để học hỏi nhưng đến thời điểm này thì số lượng blog mà mình tin tưởng theo đọc chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Nhiều trang web mà mình quan tâm lúc đầu sau này cứ dần dà làm mình thất vọng khi phát hiện ra sự thiếu kiểm chứng, thậm chí là sai lệch của thông tin đăng tải.

Vậy là mỗi khi cần tìm hiểu một vấn đề nào đó, câu hỏi nên đặt niềm tin vào nguồn thông tin nào luôn trở thành nỗi đau đầu mãn tính. Không phải ai cũng có thể đầu tư đủ thời gian công sức để nghiên cứu đủ sâu nên đa phần không còn cách nào khác ngoài việc phải mù quáng tin theo những lời khuyên không đảm bảo của các trang mạng. Đây là lý do và động lực chính khiến Jasmin D’amour ra đời.

Tại sao lại là blog?

Blog không phải là phát kiến gì mới cả nhưng theo mình thì blog là hiện tại và tương lai của truyền thông thay vì báo chí.

Là một người sản xuất nội dung nên mình dễ dàng nhận ra những nhược điểm của báo nói riêng hay thông tin mạng nói chung ở thời điểm hiện tại. Cái điều mình không thích nhất là người viết thuê phải chạy theo những con số rất phù phiếm như bài phải đủ chữ, tít phải đủ giật, câu phải đủ view và phải nhận được đủ tài trợ. Cứ đạt được những tiêu chí này là bạn được trả tiền, mặc cho việc bạn có là một người đi viết hàng trăm lĩnh vực khác nhau với kiến thức rất hạn chế về chiều sâu đi chăng nữa.

Đó cũng là lý do tại sao mình thích đọc blog hơn là đọc báo mạng. Mình rất trân trọng và trung thành với các blog có chất lượng bởi mình hiểu không gì quý giá bằng tính trung thực của thông tin. Với blogger, bài viết chính là thương hiệu của họ nên bao giờ cũng sẽ đi đôi với trách nhiệm. Đành là việc nhận tài trợ là điều không thể tránh khỏi với bất kỳ một phương tiện truyền thông nào nhưng blogger có tâm sẽ biết dung hoà giữa yếu tố nhận tài trợ và chất lượng nội dung chứ không vì một cái mà bỏ cái còn lại. Hơn ai hết, họ hiểu cán cân này một khi đã lệch thì blog sẽ không thể phát triển một cách bền vững. Bên cạnh đó, blogger thường là người có hiểu biết tập trung về lĩnh vực mà họ viết nên sẽ có được những nhận định dựa trên kiến thức mà người viết lách tràn lan sẽ không thể nào có được.

Thế nên là mình chân thành khuyên các bạn hãy đọc báo mạng ít thôi mà đọc blog nhiều lên, quan tâm lĩnh vực nào thì tìm các blogger nổi tiếng trong lĩnh vực đấy để theo dõi, đặt hẳn bookmark trên trang trình duyệt để thỉnh thoảng ngó vào xem. Mình đảm bảo thông tin mà bạn thu thập được sẽ giá trị hơn nhiều.

Quá trình tìm hiểu và viết bài

Tỉ tê chán chê về quan điểm blogging rồi, dưới đây sẽ mình sẽ chia sẻ với các bạn những công đoạn cụ thể mình phải trải qua để hoàn thành một bài viết.

Chọn nguồn thông tin

Nguồn thông tin chính xác nhất có thể thu thập được là trực tiếp từ kết quả nghiên được đăng tải trên các tạp chí khoa học và website của các viện nghiên cứu, trường đại học hoặc tổ chức lớn. Tất nhiên là để đọc được những bài viết này không những đòi hỏi bạn có một vốn tiếng Anh tốt mà còn phải có chút ít kiến thức đọc hiểu nghiên cứu khoa học nữa. Không phải cứ nghiên cứu nào được viết bằng tiếng Anh rồi đăng trên thư viện học thuật là cũng đáng tin đâu nha, còn nhiều thứ phải đưa vào cân nhắc như người nghiên cứu, ấn phẩm đăng tải, mâu thuẫn lợi ích, độ nổi của nghiên cứu và tính chính xác của phương pháp nghiên cứu nữa.

Tuy vậy, không phải lúc nào nguồn thông tin trên cũng dễ tiếp cận nên lựa chọn tốt thứ hai là từ các trang web và blog uy tín. Đây là nguồn phổ thông, dễ đọc và thú vị hơn các bài học thuật khô khan, cũng là loại nguồn mình thường xuyên tham khảo. Tuy nhiên, bạn phải cực kỳ thận trọng khi chắt lọc thông tin từ nguồn này. Cá nhân mình tự động loại bỏ những trang viết bài mà không có trích dẫn, trích dẫn nghèo nàn hoặc nội dung quá nồng nặc mùi quảng cáo. Mình không quan tâm người viết hay cỡ nào nhưng một khi đã vướng phải các lỗi trên thì bài viết lập tức sẽ thiếu sự tin cậy. Một số blogger, youtuber và website mà trước đây mình theo dõi như Liah Yoo, Gothamista, The Truth In Aging,… giờ đã theo dõi ít nhiệt tình hơn là bởi một trong số lý do này.

Sau đây là một số các trang mà mình đặt niềm tin khá cao và thường tham khảo lấy ý tưởng: Smartskincare, Lab Muffin, The Chemistry Corner, The Beauty Brains, Dr Lim, Dr Ray, Healthline (tương đối ổn), Webmd. Đáng buồn là đây là những trang ít người theo dõi và hoạt động khá hạn chế vì không mang tính đại trà thương mại cao.

Tổng hợp thông tin

Sau khi đã thu thập đủ nguồn thông tin viết bài, mình sẽ phân loại thông tin theo các đề mục. Ví dụ khi phân tích về hoạt chất thì phải có các phần như đặc điểm, lợi ích, hạn chế và lời khuyên khi sử dụng. Các nguồn mà mình đọc được sẽ được phân tích để điền vào các mục này, phần nào chưa đủ thuyết phục thì mình lại tìm thông tin để phát triển thêm. Có một số bài viết của Jasmin D’amour có số lượng tài liệu tham khảo rất cao, dày đặc nhất có thể lên đến gần 20 nguồn cho hơn 2000 từ, đủ để các bạn thấy sự tổng hợp viết lách của bọn mình cũng khá kì công.

Phong cách ngôn ngữ

Sau khi thông tin đã đủ, nội dung phân tích đã xong xuôi, mình sẽ thổi hồn vào bài viết bằng một lối viết lách đủ chỉn chu đề phục vụ việc đọc hiểu của bạn đọc. Bao giờ khi viết mình cũng cố gắng đặt bản thân mình vào vị trí của một người mới toanh về skincare, viết sao cho những người mới nhất cũng có thể dễ dàng hiểu được bài viết.

Ban đầu mình viết khá hàn lâm, muốn thể hiện hết những gì mình có trong đầu nhưng sau này mình nhận thấy điều đấy là không cần thiết nếu người đọc không thể nắm bắt hết nội dung bài đọc. Dần dà mình học được cách tiết chế lại, viết tiết câu kiệm chữ, đúng trọng tâm và gần gũi nhất có thể.

Kết

Mình mong là bài viết này đã phần nào giúp bạn hiểu thêm về cái sự tích viết blog nhạt nhẽo của mình. Điều quan trọng mình muốn nhắn nhủ là hãy luôn giữ cho bản thân một cái đầu tỉnh và tư duy phản biện với mọi thông tin mà bạn tiếp nhận. Kể cả những quan điểm trên blog này không phải lúc nào bạn cũng có thể tin 100%. Chân thành mà nói thì đã có không ít lần mình đã phải sửa một số chi tiết vì trước đây viết thiếu chính xác. Tuy nhiên điều đó làm mình hoàn thiện kiến thức, càng ngày càng ít sai hơn. Hơn nữa, mình cho rằng sẵn sàng thực hành phản biện trên ngay cả chính luận điểm của bản thân là một tâm thế tích cực đối với một người yêu khoa học. Hãy trở thành những người đam mê làm đẹp với cái đầu thông minh nhé!