Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại sản phẩm làm sạch cũng như cách lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất với làn da.
Theo cá nhân mình, trong các loại sản phẩm skincare thì sản phẩm làm sạch luôn là quan trọng nhất, đặc biệt là đối với người có làn da dầu. Trong bộ kit chăm sóc da hàng ngày, toner, kem dưỡng, serum có thể có hoặc không, chỉ riêng cleanser là chắc chắn không bao giờ được thiếu.
Cleanser quan trọng như vậy nhưng có vẻ nó không được “tỏa sáng” lắm khi đứng cạnh những sản phẩm khác. Một phần có lẽ nó là thứ quá phổ biến, rẻ tiền, hai là thế giới của các loại sản phẩm kia quá hào nhoáng với các thành phần hoạt chất được các nhãn hàng và chuyên gia ca tụng; còn thành phần của sữa rửa mặt thì xưa nay lại vốn không có nhiều thay đổi. Tuy vậy, lựa chọn một phương pháp làm sạch thích hợp sẽ giúp bạn giải quyết được cơ số các vấn đề trên da. Trước đây mình rất hay cười đểu những người chia sẻ skincare routine kiểu tối giản chỉ gồm bước làm sạch, nhưng mà bây giờ khi hiểu nhiều hơn về chức năng của mỹ phẩm cũng như vai trò của da mình mới thấy cách skincare đó có cái lý riêng.
Trên thị trường hiện nay, cleanser có rất nhiều loại, nhiều dạng thức, cấu tạo, phương thức khác nhau. Tuy nhiên, nếu hiểu từ bản chất đi ra thì bạn sẽ thấy thực ra các loại cleanser được cấu tạo theo cùng một kiểu, có điều chúng được làm đa dạng để phù hợp với nhu cầu riêng biệt của nhiều người mà thôi.
Nội dung bài viết
Các thành phần chủ yếu trong cleanser
Các loại cleanser
Cleanser chứa surfactant (chất hoạt động bề mặt)
Surfactant hay chất hoạt động bề mặt là thành phần xuất hiện trong đa số các loại dung dịch tẩy rửa như dầu gội, sữa tắm, nước rửa bát, sữa rửa mặt vì chúng có chức năng tẩy rửa chất béo rất hiệu quả. Đơn giản cứ thấy dung dịch nào chà xát một lúc mà ra bọt kì cọ dầu mỡ sạch kin kít thì dung dịch đấy có chứa surfactant.
Các nguyên tử surfactant có cấu tạo hai đầu, một đầu ưa nước một đuôi ưa dầu. Dầu và nước vốn không tan vào nhau nên surfactant đóng vai trò như một người mai mối, chúng bao bọc quanh phân tử dầu như một khối cầu với cái đuôi ưa dầu cắm vào trong vào đầu ưa nước chìa ra ngoài. Nhờ có vậy, phân tử dầu mới có thể dễ dàng hoà vào trong nước và được lấy đi trong quá trình rửa mặt.
Hầu hết các loại sữa rửa mặt trên thị trường đều có chứa surfactant. Các sản phẩm tuy có kết cấu khác nhau nhưng bản chất thành phần và cách thức làm sạch khá tương đồng. Thông thường, sản phẩm chứa nhiều surfactant tạo nhiều bọt hơn và ngược lại.
Slide dưới đây tổng hợp các loại cleanser có chứa surfactant theo độ đặc tăng dần kèm với sản phẩm tham khảo
Cleanser không chứa surfactant
Các loại cleanser không chứa surfactant phổ biến gồm có: dầu rửa mặt, cleanser dạng hạt và dụng cụ rửa mặt (cleansing tool)
Dầu rửa mặt (cleansing oil) sử dụng dầu để hoà tan dầu thừa, cặn bẩn trên bề mặt da. Hiệu quả làm sạch hơn nhiều so với chỉ dùng nước, thường được dùng để tẩy trang.
Tips: Cleansing bằng dầu thì rất nhẹ nhàng mà lại hiệu quả, tuy nhiên sau đó bạn vẫn nên phải sử dụng thêm sữa rửa mặt để lấy được dầu ra khỏi mặt, rửa lại bằng nước không sẽ khó rửa trôi được hết. Vì thao tác rửa mặt phải tiến hành 2 lần nên phương pháp này còn được gọi là double cleansing.
Cleanser dạng hạt (facial scrub) chủ yếu sử dụng các loại hạt làm sạch da, ví dụ như hạt muối biển, hạnh nhân, cà phê, hoa cúc… Các loại hạt này đều phải có đặc điểm là kết cấu không góc cạnh và được xay nhuyễn để không làm xước da khi chà xát . Sản phẩm dạng hạt vệ sinh da thông qua cơ chế tẩy da chết nhẹ nhàng.
Tips: cleanser dạng hạt chỉ nên dùng nhiều nhất một lần mỗi ngày. Đừng đổ lỗi cho các loại hạt làm trầy xước hay mỏng da vì nếu thao tác mạnh thì bạn rửa mặt bằng tay thôi da cũng đỏ lừ lên rồi, nhớ là phải mát xa thật nhẹ nhàng. Một số loại bột khô có thể trộn cùng dầu dưỡng để tăng phần hiệu quả, vừa làm sạch dầu thừa tốt hơn, vừa tẩy tế bào chết nhẹ, vừa làm ẩm mềm da (mình đã thử và cực kỳ phê!!!).
Dụng cụ rửa mặt (cleansing tool) bao gồm các loại bàn chải rửa mặt hoặc máy rửa mặt. Cơ chế làm sạch cũng là tẩy da chết nhẹ trên bề mặt giúp hỗ trợ sừng hoá và lấy sạch bụi bẩn.
Tips: Khi sử dụng máy rửa mặt, bạn nên kết hợp với một sữa rửa mặt nào đó rất nhẹ dịu ví dụ như cetaphil. Tuyệt đối không nên sử dụng chung với các loại sữa rửa mặt có công thức surfactant mạnh hoặc có dạng hạt vì rất dễ gây tổn thương da. Tương tự như scrub, dụng cụ rửa mặt chỉ nên dùng nhiều nhất là một lần mỗi ngày, tần suất cần được giảm đi đối với da mỏng, yếu.
Cách sử dụng cleanser hiệu quả
Lựa chọn cleanser
Rửa mặt là công đoạn cần thiết để loại bỏ lớp bụi bẩn, dầu thừa bám trên mặt suốt một ngày tuy nhiên nó đồng thời cũng là thao tác gây tổn hại đến lớp màng acid béo bảo vệ da nhiều nhất. Hai tiêu chí quan trọng để lựa chọn một loại sữa rửa mặt ít gây tổn hại đến sức khoẻ da là công thức surfactant và độ pH.
Theo lý thuyết, có một số loại surfactant rất thô bạo như Sodium Lauryl Sulfate (SLS) dễ làm phá hoại lớp màng bảo vệ da mà chúng ta nên tránh. Bên cạnh đó, nếu lựa chọn sữa rửa mặt có độ pH thấp, gần với môi trường của da (khoảng 4.2 đến 5.6) sẽ giúp da khoẻ mạnh hơn.
Nghe thì có ích là vậy nhưng thực tế ra áp dụng thông tin trên vào việc mua hàng một cách quá ngặt nghèo cũng không cần thiết. Lý do là bởi rất ít các loại sữa rửa mặt trên thị trường hiện tại có chứa SLS và độ pH cao, phần lớn các sản phẩm bây giờ đều được sản xuất theo tiêu chí nhẹ dịu với môi trường cân bằng. Đối với mình, cách tốt nhất để biết cleanser có hợp hay không là thử trực tiếp. Nếu sau khi rửa mặt, da sạch nhưng vẫn hơi ẩm chứ không khô rít căng kích thì loại cleanser đó đạt yêu cầu.
Rửa mặt đúng cách
Thao tác rửa mặt hàng ngày không những giúp làm sạch mà còn là cơ hội để bạn mát xa da mặt, làm thư giãn các cơ. Có hai thao tác chính là thao tác xoay tròn và thao tác kéo miết. Thực hiện thao tác xoay tròn bằng đầu ngón tay trên vùng mũi, trán, cằm và các khu vực tiết nhiều dầu sẽ giúp lấy cặn bẩn, dầu thừa một cách dễ dàng. Sau đó, bạn thực hiện thao tác kéo miết nhẹ trên các khu vực da bị trũng như vùng khoé mắt, khoé môi, da trũng theo hướng nào thì mát xa kéo về hướng ngược lại. Động tác này sẽ giúp căng da, khắc phục dấu hiệu lão hoá. Hãy nhớ là rửa mặt thì rửa cả phần cổ và vành tai nhé.
Bên cạnh đó, sau khi rửa mặt xong, bạn có thể xông mặt nhanh chóng bằng việc nhúng khăn mặt vào nước ấm nóng, vắt kiệt nước rồi đắp lên mặt cho tới khi khăn nguội, có thể lặp lại vài lần. Xông hơi có nhiều tác dụng cho làn da đặc biệt là giúp thư giãn rất tốt. Nếu lười đun nước xông, bạn nên ứng dụng cách làm này vào mỗi tối, vừa tiện vừa nhanh, kết thúc đẹp cho một chu trình rửa mặt, đưa da vào trạng thái sẵn sàng cho các khâu chăm sóc khác.
Tài liệu đọc thêm: Vai trò của surfactant (lab muffin)
Đọc thêm: Skin barrier – loại mỹ phẩm xịn nhất quả đất
Đọc thêm: Cách rửa mặt không dùng nước máy