Đâu là nguyên nhân khiến da lão hoá? Các thành phần nào trong dinh dưỡng và mỹ phẩm giúp chống lão hoá cho da?

“Chống lão hoá”, “ngăn ngừa vết nhăn”, “tươi trẻ hoá làn da” có lẽ là những câu slogan đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho ngành làm đẹp bởi gìn giữ xuân sắc luôn là mục tiêu lớn của skincare. Mặc dù trẻ mãi không già là ước mơ có lẽ không thể thành hiện thực, nhưng hiểu biết về lão hoá dù sao cũng sẽ giúp bạn không còn quá lo sợ nó nữa cũng như có những cách đối phó với nó một cách hiệu quả nhất.

Gốc tự do (free radicals) – kẻ thù của tuổi tác

Có nhiều quan điểm khác nhau về sự lão hoá, tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu đều quay về giả thuyết “tổn thương tế bào”, cho rằng con người già đi bởi sự tích tụ dần các thương tổn DNA qua năm tháng. Thủ phạm gây ra điều này không ai khác chính là các gốc tự do (free radicals) 1.

Hoạt động của gốc tự do

Gốc tự do là những nguyên tử vì một tác nhân nào đó bị đánh bật một electron ra khỏi cấu tạo của mình, trở nên cực kì hung hăng đói khát và tấn công tất cả mọi thứ mà chúng gặp trên đường đi để giành lại electron đã mất. Nạn nhân của chúng có thể là lipid, thành tế bào, các protein và tệ hơn cả là DNA.

Thông thường, tế bào sẽ có cơ chế tự hồi phục. Tuy nhiên, khi số lượng gốc tự do quá nhiều, vượt quá khả năng tự sửa chữa, một áp lực sẽ được tạo ra (oxidative stress) gây thương tổn, đột biến, thậm chí là chết tế bào, nảy sinh nguy cơ mắc các bệnh nan y trong đó có ung thư 2. Khi chúng ta có tuổi, khả năng hồi phục của tế bào cũng yếu dần, tế bảo dễ chết hơn dưới sự tấn công của gốc tự do.

Ở trên da, gốc tự do có thể bẻ gãy các protein cấu trúc nâng đỡ da quan trọng là collagen và elastin làm da trở nên nhăn nheo, sập xệ.

Các loại gốc tự do

Có hai loại gốc tự do chính gây ra lão hoá là gốc tự do oxy (reactive oxygen species – ROS) và gốc tự do nitơ (reactive nitrogen species – RNS) 3, trong đó gốc tự do oxy là quan trọng hơn cả, được nhắc tới nhiều hơn trong các nghiên cứu khoa học.


* Đọc thêm: gốc tự do nitơ được nhắc tới ít hơn bởi nó là một sản phẩm trong phản ứng của gốc tự do oxi với NO˙ với sản phẩm tạo ra là peroxynitrite (ONOO−).

NO˙ + O2˙− → ONOO−

Cả gốc tự do oxy và NO đều không phải là chất oxi hoá mạnh nhưng peroxynitrite lại cực kì nguy hiểm bởi chúng có thể tương tác với một dải rất rộng các thành tố sinh học trong cơ thể gây công phá lớn 4.


Nguồn gốc hình thành gốc tự do

Có rất nhiều tác nhân gây ra gốc tự do, ngay kể cả việc bạn …hít thở hay tiêu hoá không thôi cũng có thể khiến gốc tự do được hình thành rồi. Vì cứ hễ có oxy đi vào cơ thể thì không có gì đảm bảo là không có ngày chúng bị mất electron và thù đời đi cướp bóc từ các tế bào khác. Vậy nên có thể nói việc già đi là việc sớm muộn, bạn chỉ có thể làm chậm lại quá trình đấy bằng chế độ ăn uống sinh hoạt và chăm sóc da hợp lí chứ không thể hoàn toàn đẩy lùi sự lão hoá.

Tuy vậy, ngoài yếu tố tự nhiên, các yếu tố từ môi trường đóng góp phần lớn vào sự lão hoá sớm ở đa phần mọi người. Dưới đây là danh sách một số các tác nhân phổ biến làm gia tăng sự hình thành các gốc tự do và thúc đẩy quá trình già hoá mà bạn có thể để ý phòng tránh:

  • Tia UV
  • Tia Xray
  • Khói, bụi, ô nhiễm không khí
  • Khói thuốc lá
  • Cồn
  • Dầu mỡ dùng lại
  • Các loại thuốc

Hệ thống phòng vệ gốc tự do (antioxidant network)

Thật trớ trêu là xã hội càng hiện đại, con người lại càng tạo ra nhiều thứ hãm hại chính sức khoẻ của mình. Nhưng may mắn cho chúng ta là tạo hoá đã ban tặng cho ta những cơ chế phòng thủ tự nhiên vô cùng tuyệt vời để chống chọi lại các tác nhân hình thành gốc tự do. Hệ thống này được gọi nôm na là hệ thống chống oxy hoá (antioxidant network) bao gồm các chất chống oxy hoá dưới dạng enzyme và non-enzyme 5:

  • Chất chống oxy hoá dạng enzyme (enzymatic antioxidants) tiêu biểu gồm có CAT, GSHPx, SOD, và peroxiredoxin I-IV.  Đây là các chất mà cơ thể tự sản sinh giúp trung hoà gốc oxi hoá tự do ngay khi nó được hình thành, trong đó, SOD giúp chuyển hoá gốc tự do thành H2O2 rồi các enzyme khác tiếp tục tham gia phân tách thành nước và oxi vô hại. Đa phần các gốc tự do đều được hệ thống chống oxi hoá này xử lý, tuy nhiên, chỉ 1% nhỏ tàn dư còn lại cũng đủ gây ra những tàn phá trầm trọng.
Quá trình loại bỏ gốc oxi tự do bằng cơ chế enzyme trong cơ thể

Quá trình loại bỏ gốc oxi tự do bằng enzyme trong cơ thể (nguồn ảnh: Royal Society of Chemistry)

  • Chất chống oxy hoá không phải dạng enzyme (non-enzymatic antioxidants) là các chất cơ thể không sản sinh được, chúng ta phải nạp vào cơ thể thông qua chế độ dinh dưỡng 6, tiêu biểu có vitamin A, vitamin C, vitamin E, beta carotene, lutein, selenium, lycopene. Một số gốc tự do khi không được trừ khử hết lọt qua hàng rào chống oxi hoá enzyme sẽ tác động với các tế bào trong cơ thể tạo ra một dây chuyền phản ứng sinh hoá có hại. Nhiệm vụ của các dưỡng chất kể là cản trở dây chuyền này, ngăn ngừa sự phá hoại của gốc tự do.

Sinh hoạt thế nào để chống lão hoá

Chống lão hoá là một cuộc đấu tranh bền bỉ mà cơ thể phải tham chiến hàng ngày. Chiến binh tốt nhất trong trận chiến này không phải là thuốc men hay thực phẩm chức năng mà chính là hệ thống phòng thủ của cơ thể. Vì vậy, việc duy trì một chế độ sinh hoạt hợp lý là cách tốt nhất để bạn làm chậm quá trình lão hoá. Mình nhấn mạnh lại rằng đây là cách tốt nhất. Nếu các bạn vẫn cố thủ một niềm tin mãnh liệt vào y học hiện đại, rằng thuốc là câu trả lời cho mọi vấn đề sức khoẻ thì mình chân thành khuyên là các bạn hãy thay đổi suy nghĩ. Mình sẽ viết về chủ đề này vào một ngày không xa, với những hiểu biết của mình ở thời điểm hiện tại thì mình tự tin nói cho bạn biết rằng khoa học hạn chế hơn bạn tưởng rất nhiều. Dù gì thì sự phát triển vài trăm năm của khoa học cũng không thể so được với công trình kiến tạo hàng trăm triệu năm của tạo hoá từ những tế bào đơn giản cho tới hình hài con người hôm nay. Cơ thể bạn là bộ máy kì diệu hoạt động theo cái cách mà có hàng nghìn năm nữa trôi qua con người cũng không bao giờ hiểu được hết. Vậy nên đừng cố tìm đến thuốc cải lão hoàn đồng, hãy tôn trọng chính cơ thể mình bằng lối sinh hoạt lành mạnh, mình thề là sẽ không có loại thuốc nào tốt bằng chính những cơ chế bảo vệ tự nhiên mà cơ thể bạn đang có.

Cụ thể, trước tiên bạn cần bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân kích thích hình thành gốc tự do như khói bụi, tia UV, đồ ăn không lành mạnh,… sau đó là cung cấp các chất chống oxy hoá cần thiết thông qua chế độ dinh dưỡng 7:

  • Vitamin A có trong bơ, sữa, trứng, gan các loài động vật
  • Beta-carotene (provitamin A) là một nguyên liệu được cơ thể sử dụng để tạo ra vitamin A. Chúng có trong các loại rau và quả nhiều màu sắc như quả xoài, đào, mận, đu đủ, củ cà rốt, khoai tây, rau chân vịt…. Nếu vitamin A được lưu trữ trong gan và dùng ngay thì beta-carotene chỉ được dùng khi cơ thể bị thiếu vitamin A. Mặc dù phải tiêu thụ gấp 12 lần lượng beta-carotene để có được lượng vitamin A tương đương, nhưng beta-carotene rất an toàn, hiện tượng quá liều gần như không thể diễn ra (kể cả khi dùng thực phẩm chức năng). Trong khi đó, việc thừa vitamin A lại dễ gây ngộ độc để lại các biến chứng khó lường 8. Vậy nên cách tốt nhất để cung cấp vitamin A cho cơ thể lại không phải là hấp thụ trực tiếp vitamin A mà qua các loại thực phẩm giàu beta-carotene.
  • Carotenoids là nhóm dưỡng chất đem lại sắc tố hồng đỏ cho thực vật (từ carotenoids xuất phát từ từ carot). Các carotenoid phổ biến bao gồm beta-carotene, lutein, lycopene, đều là các chất có khả năng chống oxy hoá. Carotenoids thường nằm trong các loại rau hoặc quả có màu hồng đỏ như mận, ớt chuông, cà rốt, dưa hấu, cam, đu đủ. Ngoài ra chúng cũng được tìm thấy trong khoai tây, xoài, rau chân vịt 9.
  • Vitamin C có trong hoa quả và các loại rau
  • Vitamin E có trong các loại hạt như hạt hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng, đậu nành

đồ ăn healthy

Lựa chọn thành phần chống lão hoá trong mỹ phẩm

Trong mỹ phẩm, một số thành phần chống lão hoá được sử dụng trong các loại kem hoặc serum dạng bôi, trong đó hai hoạt chất tiêu biểu nhất gồm có vitamin E (α-tocopherol) và vitamin C (L-ascorbic acid) được ủng hộ bởi nhiều nghiên cứu khoa học trong việc tăng sức đề kháng của da dưới tác động tia UV.

Ngoài ra trong thời gian gần đây, các chiết xuất từ thực vật cũng thu hút sự quan tâm nghiên cứu lớn từ các nhà sản xuất bởi hiệu quả chống lão hoá bất ngờ và đặc biệt là rất lành tính với da. Một số các dưỡng chất trong chiết xuất thực vật gồm như flavonoids (polyphenols), ferulic acid đều có tiềm năng chống oxy hoá, giảm cháy nắng đồng hỗ trợ tác dụng của vitamin C và E.

Nghiên cứu cũng đã chỉ ra việc kết hợp nhiều chất chống oxy hoá trong cùng 1 sản phẩm sẽ đem lại công dụng tốt hơn so với sản phẩm chỉ chứa một chất.

Note: phần này được tham khảo tại “textbook of cosmetic dermatology” 10

Kết lại

Không có phương thức nào giúp bạn hoàn toàn đóng băng sự lão hoá mà chỉ có những cách giúp bạn làm chậm lại quá trình đó mà thôi. Sự lão hoá gây ra bởi những tổn thương tế bào do các gốc oxi hoá tạo nên. Cơ thể đã tồn tại một cơ chế phòng vệ kì diệu giúp khử hầu hết các gốc oxi hoá này ngay khi chúng được hình thành, phần còn lại phụ thuộc vào nỗ lực của bạn. Việc làm mà bạn cần ưu tiên số một chính là xây dựng thói sinh hoạt điều độ, tránh xa các tác nhân gây hại như đồ ăn không lành mạnh, ô nhiễm môi trường, đồ uống có cồn; đồng thời bổ sung các chất chống oxy hoá như vitamin E, vitamin C, beta-carotene cho cơ thể. Mỹ phẩm chứa chiết xuất thực vật, vitamin C hoặc E cũng có thể được sử dụng để cải thiện độ tươi trẻ cho làn da.

Tài liệu đọc thêm về cơ chế lão hoá: http://www.justaboutskin.com/anti-aging-skin-care-guide/free-radicals-aging/

Đọc thêm: Cẩm nang hoạt chất chống lão hoá

Đọc thêm: Mụn và cách điều trị mụn

Nguồn tham khảo

  1. Soares, J. P., Cortinhas, A., Bento, T., Leitão, J. C., Collins, A. R., Gaivã, I., & Mota, M. P. (2014). Aging and DNA damage in humans: a meta-analysis study. Aging (Albany NY), 6(6), 432–439.
  2. Lobo, V., Patil, A., Phatak, A., & Chandra, N. (2010). Free radicals, antioxidants and functional foods: Impact on human health. Pharmacognosy Reviews, 4(8), 118–126. http://doi.org/10.4103/0973-7847.70902
  3. Robert Baran; Howard I. Maibach. (2017). Textbook of Cosmetic Dermatology. CRC Press, p.80.
  4. Nimse, S. and Pal, D. (2015). Free radicals, natural antioxidants, and their reaction mechanisms. RSC Advances, 5(35), pp.27986-28006.
  5. Nimse, S. and Pal, D. (2015). Free radicals, natural antioxidants, and their reaction mechanisms. RSC Advances, 5(35), pp.27986-28006.
  6. Lobo, V., Patil, A., Phatak, A., & Chandra, N. (2010). Free radicals, antioxidants and functional foods: Impact on human health. Pharmacognosy Reviews, 4(8), 118–126. http://doi.org/10.4103/0973-7847.70902
  7. familydoctor.org. (2018). Antioxidants: What You Need to Know – familydoctor.org. [online] Available at: https://familydoctor.org/antioxidants-what-you-need-to-know/ [Accessed 15 Aug. 2018].
  8. Mohrman, E. (2018). Foods That Contain Beta-Carotene. [online] LIVESTRONG.COM. Available at: https://www.livestrong.com/article/111260-foods-contain-betacarotene/ [Accessed 15 Aug. 2018].
  9. Live Science. (2018). What Are Carotenoids?. [online] Available at: https://www.livescience.com/52487-carotenoids.html [Accessed 15 Aug. 2018].
  10. Robert Baran; Howard I. Maibach. (2017). Textbook of Cosmetic Dermatology. CRC Press, p.83 – 84.