Đau đớn vì tẩy da chết vật lý? AHA sẽ là giải pháp thay thế giúp da sạch toàn diện
Tẩy da chết thường xuyên là việc cần phải làm nếu bạn muốn da mình vừa sạch vừa khoẻ. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp với các loại hạt chà xát da vật lý mặc dù đây là cách phổ biến và tự nhiên nhất để tẩy da chết. Nếu trường hợp này rơi trúng vào bạn thì cũng đừng vội bỏ cuộc nhé! Trong bài này, mình sẽ giới thiệu về AHA, một trong những hoạt chất tốt nhất không những giúp làm sạch da mà còn cải thiện da trên nhiều khía cạnh khác.
Nội dung bài viết
AHA là gì?
AHA là viết tắt của Alpha Hydroxy Acid, hay còn thường được gọi là acid thực vật vì chúng được chiết xuất chủ yếu từ các loại quả có trong tự nhiên. AHA nổi tiếng với tác dụng tẩy tế bào da chết bên cạnh BHA (Beta Hydroxy Acid).
Tuy nhiên, khác với BHA, các AHA thường có kích thước phân tử lớn hơn nên không thẩm thấu được vào tầng sâu trong da, đồng thời chỉ tan được trong nước chứ không tan trong dầu nên chủ yếu được dùng để làm sạch bề mặt ngoài của da 1.
Bảng dưới đây là một số loại AHA phổ biến, nguồn gốc tự nhiên và công thức hoá học của chúng
AHAs | Nguồn gốc tự nhiên | Công thức |
Glycolic Acid | Mía đường | C2H4O3 |
Lactic Acid | Các sản phẩm từ sữa | C3H6O3 |
Malic Acid | Táo | C4H6O5 |
Tartaric Acid | Rượu nho | C4H6O6 |
Citric Acid | Trái cây họ cam quýt | C6H8O7 |
Mandelic Acid | Hạnh nhân | C8H8O3 |
Đọc thêm: Tẩy da chết hoá học với BHA
Tại sao phải tẩy da chết hoá học?
Sở dĩ làn da chúng ta liên tục được phục hồi, làm mới là nhờ vào quá trình sừng hoá tự nhiên trên da. Có thể bạn nghĩ da mình duy trì một trạng thái ổn định, đứng yên nhưng thực ra không phải vậy. Các tế bào da ở bên ngoài (corneocyte) sẽ liên tục được thay thế bởi các tế bào da mới sản sinh ở tầng dưới. Quá trình đào thải da tự nhiên này cứ diễn ra sau mỗi 28 ngày, trong đó lớp da cũ kỹ nhiều khuyết điểm sẽ được lột ra để lộ lớp da mới trắng trẻo nõn nà.
Da sẽ đẹp tuyệt vời nếu lúc nào sự sừng hoá cũng diễn da một cách suôn sẻ, nhưng thật không may là có nhiều yếu tố tác động khiến quá trình này gặp trục trặc. Nhiều khi vì một lý do nào đó, các tế bào da của bạn quyết định lưu luyến khăng khít, bám chặt vào với nhau không chịu lột ra ngoài. Kết quả là tế bào da mới bị tế bào cũ chắn ngang, không trồi lên bề mặt da được. Cứ thế, các tế bào thi nhau đùn đẩy, khiến da bế tắc, sần sùi, khô ráp, nổi mụn.
Việc tẩy da chết sẽ giúp làm sạch sẽ lớp tế bào da chết bên ngoài, dọn đường cho quá trình sinh học trên da diễn ra bình thường. Tẩy da chết thường xuyên không chỉ giúp da sạch sẽ mà còn khoẻ mạnh hơn.
Giờ thì bạn đã hiểu tại sao việc tẩy da chết lại quan trọng trong chu trình chăm sóc da rồi chứ? Ngoài phương pháp tẩy da chết vật lý thông thường, tẩy da chết hoá học bằng AHA cũng là một biện pháp rất an toàn, hiệu quả. Nếu tẩy da chết vật lý chỉ đơn thuần tác động chà xát để lấy đi lớp tế bào chết, AHA đem lại nhiều tác động tổng hợp giúp hỗ trợ quá trình sinh học trên da.
Cơ chế và lợi ích của AHA
Các tác dụng của AHA bao gồm:
- Tẩy da chết: AHA tấn công vào liên kết ion giữa các tế bào da khiến chúng không còn dính quéo vào với nhau nữa. Cấu trúc này khi đã bị suy yếu rồi sẽ tạo điều kiện để da thi hành công vụ sừng hoá một cách dễ dàng. Mặc dù cơ chế hoạt động cụ thể của AHA chưa hoàn toàn được làm rõ, một nghiên cứu mới đây đưa ra giả thuyết rằng AHA kích thích mật độ ion canxi trong tế bào khiến chúng bị ‘ngạt’ canxi, chết đi và bong ra ngoài 2.
- Cấp ẩm tự nhiên: Nghiên cứu chỉ ra AHA có khả năng thúc đẩy quá trình hấp thụ nước trong các tế bào ở tầng ngoài. Vậy là woa-la, da ẩm tự nhiên mà không cần đến sự viện trợ của các chất cấp ẩm 3.
- Công dụng trị mụn bọc tương đương BHA 4
- Trị mụn đầu đen, mụn đầu trắng, cải thiện lỗ chân lông 5
- Cải thiện các vấn đề về sắc tố da bao gồm sạm, nám, ban đỏ 6
- Peeling bằng AHA có thể làm đẩy lùi các dấu hiệu lão hoá da 7.
- Kích thích quá trình phân bào trên da, làm dày sừng và tăng mật độ collagen 8
Những điểm cần lưu ý khi sử dụng AHA
Lựa chọn loại AHA phù hợp
Các loại AHA có mức độ hoạt động mạnh yếu khác nhau. Về cơ bản thì loại AHA có cấu trúc càng to (nhiều cácbon trong công thức phân tử) thì càng kém thẩm thấu và có công dụng càng nhẹ.
Biết điều này để làm gì? Để bạn biết rằng Glycolic acid không phải là lựa chọn AHA duy nhất mặc dù đây là loại phổ biến nhất. Nếu chẳng may da bạn quá nhạy cảm với Glycolic acid mà vẫn không muốn từ bỏ cuộc chơi với AHA thì vẫn có thể lựa chọn các dòng AHA khác yếu hơn như Lactic Acid. Dần dà khi da bạn bắt đầu quen với acid rồi thì có thể tăng nồng độ hoặc chuyển sang các dòng AHA mạnh hơn.
Thứ tự mạnh đến yếu của các loại AHA như sau: Glycolic Acid > Lactic Acid > Tartaric Acid > Citric Acid
Bên cạnh đó, nhiều loại AHA cùng xuất hiện trong một sản phẩm có thể giúp sản phẩm tẩy da chết ở các tầng da khác nhau một cách hiệu quả 9.
Dưới đây là một số sản phẩm tham khảo mình khá ưng ý
Dạng Toner lỏng nhẹ, làm sạch da tốt hơn so với các loại toner thông thường, dùng sau bước làm sạch
Dạng Serum (treatment) cô đặc hơn dùng để chấm mụn hoặc bôi toàn mặt (trước bước dưỡng)
Môi trường phù hợp để dùng AHA
Độ pH thích hợp trên da để dùng AHA là 4 đến 5.5, trong đó tối ưu là mức 4.5. Bên cạnh đó, nồng độ để dùng AHA với vai trò tẩy da chết là trong khoảng 5% – 10%.
Peeling hoá học
AHA ở nồng độ cao từ 20% đến 70% còn được dùng để peeling hoá học (hay còn gọi là fruit peel), một phương pháp trị liệu giúp da bạn lột xác ngoạn mục trong khoảng thời gian ngắn đồng thời hỗ trợ các bệnh lí về da, khắc phục mụn, giảm nếp nhăn, giúp da sản sinh collagen. Thông thường giải pháp trị liệu này sẽ được thực hành bởi bác sĩ da liễu có tay nghề và chi phí cũng không hề rẻ. Tuy nhiên với AHA có nồng độ dưới 30%, bạn có thể tiến hành peeling tại nhà 10. Mỗi lần peeling nên làm cách nhau tối thiểu 15 ngày, tiến hành liên tục trong từ 4 đến 6 tháng cho tới khi thấy được kết quả 11.
Tác dụng phụ
Tác dụng phụ của AHA nồng độ dưới 10% là tương đối hiếm gặp, thậm chí có thể sử dụng được cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên quá trình sử dụng có thể gây châm chích, ngứa rát, sưng phù, nổi mẩn đỏ với một số người. Hiện tượng đẩy mụn (purging) có thể diễn ra trong 4 đến 6 tuần đầu sử dụng 12.
Đồng thời AHA cũng làm tăng độ nhạy cảm của da dưới tác động của ánh nắng 13. AHA sẽ phát huy công dụng trên da sau một thời gian nữa ngay cả khi bạn đã ngừng sử dụng, vậy nên hãy bảo vệ da khỏi tác động của ánh nắng thật cẩn thận khi dùng AHA bất kể thời điểm nào trong ngày.
Nhiều người lo lắng rằng sử dụng acid dài hạn sẽ khiến da mỏng và yếu đi, tuy nhiên đây là nỗi lo không có cơ sở. Bạn có thể đọc thêm bài viết này để yên tâm hơn về tác động lâu dài của acid trên da.
Kết luận
AHA có công dụng hỗ trợ quá trình sừng hoá từ đó cải thiện cấu trúc và sắc tố da. Da dễ bị cháy nắng khi dùng AHA nên hãy lưu ý dùng kem chống nắng và bảo vệ da thêm cẩn thận mỗi khi ra đường. Đây là một thành phần tẩy da chết hoá học khác có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh ủng hộ nên cũng rất đáng để thử nghiệm và đưa thêm vào routine của bạn.
Đọc thêm: Acid có hại cho da không?
Đọc thêm: Tẩy da chết hoá học bằng BHA
Đọc thêm: Tẩy da chết sinh học bằng enzyme
Nguồn tham khảo
- Lab Muffin Beauty Science. (2018). How to Exfoliate 2: All About Chemical Exfoliants – Lab Muffin Beauty Science. [online] Available at: https://labmuffin.com/how-to-exfoliate-2-all-about-chemical-exfoliants/ [Accessed 20 Jun. 2018].
- Anti-aging cosmetics give skin ‘ion overload’ – Futurity
- Alpha Hydroxy Acids in Cosmetic Dermatology – P. Morganti
- KESSLER, E., FLANAGAN, K., CHIA, C., ROGERS, C. and ANNA GLASER, D. (2007). Comparison of α- and β-Hydroxy Acid Chemical Peels in the Treatment of Mild to Moderately Severe Facial Acne Vulgaris. Dermatologic Surgery, 34(1), pp.45-51.
- Kim, S., Baek, J., Koh, J., Bae, M., Lee, S. and Shin, M. (2015). The effect of physically applied alpha hydroxyl acids on the skin pore and comedone. International Journal of Cosmetic Science, 37(5), pp.519-525.
- Kim, W. (2013). Efficacy and safety of a new superficial chemical peel using alpha-hydroxy acid, vitamin C and oxygen for melasma. Journal of Cosmetic and Laser Therapy, 15(1), pp.21-24.
- Sharad, J. (2013). Glycolic acid peel therapy – a current review. Clinical, Cosmetic and Investigational Dermatology, p.281.
- Cosmetic and dermatologic use of alpha hydroxy acids – JDDG
- www.paulaschoice.co.uk. (2018). Alpha Hydroxy Acids (AHAs) for your skin | Paula’s Choice. [online] Available at: https://www.paulaschoice.co.uk/alpha-hydroxy-acids-for-your-skin [Accessed 20 Jun. 2018].
- Skincare Tips – AHA – Dr Lim
- Sharad, J. (2013). Glycolic acid peel therapy – a current review. Clinical, Cosmetic and Investigational Dermatology, p.281.
- Merlin, D. (2018). Acne Treatments – AHAs | Skinacea.com. [online] Skinacea.com. Available at: http://www.skinacea.com/acne/acne-treatment-aha.html#.WybqbS2B0Wo [Accessed 20 Jun. 2018].
- Kornhauser, A., Wei, R., Yamaguchi, Y., Coelho, S., Kaidbey, K., Barton, C., Takahashi, K., Beer, J., Miller, S. and Hearing, V. (2009). The effects of topically applied glycolic acid and salicylic acid on ultraviolet radiation-induced erythema, DNA damage and sunburn cell formation in human skin. Journal of Dermatological Science, 55(1), pp.10-17.