Cấu tạo da có lẽ là bài viết chán nhất quả đất, chắc phải thích môn sinh học lắm bạn mới thích một cái chủ đề đầy lý thuyết hàn lâm như thế này
Nếu bạn biết điều đó và tiếp tục đọc thì xin chúc mừng, tôi hứa sẽ không làm lãng phí thời gian của bạn đâu. Vì một khi hiểu rõ về cấu tạo da rồi, bạn sẽ tự nhiên đập hai tay vào nhau và thốt lên “Ồ, thì ra là thế !!!”. Những kiến thức nền tảng này sẽ ngay lập tức giúp bạn hiểu về cơ chế hoạt động của hoá mỹ phẩm, các vấn đề của da và tránh xa khỏi các cách chăm sóc da không hợp lý. Tôi luôn quan niệm, hiểu biết mới là loại mỹ phẩm xịn và rẻ nhất. Lí do tại sao bạn cứ sợ mua cái này, mua cái kia, sợ đắp lên mặt bị kích ứng, sợ mình làm sai. Xin thưa, bạn sợ là vì bạn không hiểu bản chất, một khi bạn hiểu về nó rồi, bạn sẽ thấy không còn hoang mang nữa và tự tin hơn trong các quyết định đối với làn da của mình.
Intro thế đủ rồi, let’s dive in !!!
Nội dung bài viết
NẾU TÔI VẼ MỘT BỨC TRANH CẮT DỌC VỀ DA, TRÔNG NÓ SẼ NHƯ THẾ NÀO
Để cho đỡ nhàm chán, chúng ta sẽ cùng tưởng tượng như chơi trò tàu ngầm nhé :)) Cấu tạo da sẽ khá phức tạp đấy, nhưng chúng ta sẽ khám phá dần dần từng chút một khi chúng ta lội càng sâu vào bên trong da.
Tổng quan, da có ba phần như thế này
Tầng trên cùng gọi là tầng biểu bì (epidermis). Tầng thứ hai là tầng hạ bì (dermis) và tầng thứ 3 là lớp mỡ dưới da (fat layer). Thế cụ thể từng tầng da cấu tạo ra sao và có chức năng gì? Bắt đầu khám phá từ tầng đầu tiên nhé
BIỂU BÌ (EPIDERMIS) – PHẦN DA MÀ TA NHÌN THẤY
Nếu mọi người nghe từ bì và nghĩ đến bì lợn thì nghĩ cũng đúng rồi đó, vì da người hay da lợn, phần biểu bì cấu tạo cũng khá giống nhau mà :)) Đây là phần nhìn thấy được, là lớp ngoài cùng của da, là cái mà ta chạm vào được. Trong phim ‘Hoạ bì’ có Triệu Vy và Châu Tấn đóng, nhiều người hoang mang không hiểu cái tên phim có nghĩa gì, giờ thì hiểu nha, ‘hoạ’ là vẽ, ‘bì’ là da; ‘hoạ bì’ là lớp da được vẽ lên. Trong câu chuyện nổi tiếng của Bồ Tùng Linh này, hồ li tinh vốn không có hình hài của con người, phải dùng phép thuật vẽ lên lớp da mỹ nữ và khoác lớp da ấy lên mình để quyến rũ nam nhân.
Vì biểu bì là phần da chúng ta nhìn thấy được nên nó đẹp hay xấu là điều mà ai cũng quan tâm. Nhưng nhiều người vì muốn đẹp nhanh nên lạm dụng đồ makeup và chỉ chăm chút cho phần ngoài của da mà không hiểu rằng da có nhiều lớp và độ đẹp của nó nằm tới 80% ở bên trong.
Bây giờ đi sâu hơn vào tầng biểu bì này, biểu bì có 2 tầng: tầng trên (stratum corneum) và tầng dưới (basel layer).
Biểu bì được cấu tạo từ nhiều loại tế bào, trong đó quan trọng có tế bào sừng (keratin), tế bào sắc tố (melanin) và tế bào tua (Langerhans). Nghe thuật ngữ loằng ngoằng thế nhưng đừng hoảng loạn nhé :)) Đơn giản thế này, mùa đông đến thấy da thỉnh thoảng bị khô, tróc vẩy không ? Cái vẩy đấy là gì, là tế bào sừng chết đấy. Rồi ra ngoài nắng thấy da xạm đi không ? Cái màu đen đấy từ đâu ra, do tế bào sắc tố biến đổi đấy. Còn tại sao da lại khoẻ thế, tiếp xúc với nhiều thứ mà không bị dị ứng, cái gì bảo vệ nó đấy, là tế bào tua.
Làn da nhìn có vẻ bất động, nhưng bản thân nó lại đang vận động không ngừng và có một câu chuyện về làn da mà tôi muốn kể, trong câu chuyện này, keratin đóng vai chính. Cũng như bất cứ vật thể sống nào, da cũng có vòng đời, lớp cũ chết đi, lớp mới sẽ được tái sinh, và vì da được cấu tạo chủ yếu từ keratin, sự tái tạo da của chúng ta cũng chính là vòng đời của keratin. Các tế bào keratin được xếp thành từng lớp giống những lớp vải, chúng được sinh ra ở tầng dưới của biểu bì (basel layer). Keratin rất lông bông, chúng bỏ nhà đi từ sớm và liên tục di chuyển lên trên da trong cuộc sống của mình. Càng lên trên, chúng càng già và chết đi khi tới tầng trên của biều bì (stratum corneum), đấy là cái kết mãn nguyện và cũng là mục tiêu cuộc sống của chúng. Các lớp da chết chúng ta thấy hay bong ra lúc tẩy da chết chính là keratin hết đời đó. Quá trình thay thế các lớp keratin này gọi là quá trình sừng hoá (turnover), giúp da luôn trẻ trung tươi mới. Thế nên là các bạn mới hay được khuyên là nên tẩy da chết hàng tuần, bởi điều này sẽ giúp lấy đi lớp keratin già và lộ ra lớp mới bên dưới, khiến da sáng mịn hơn. Da hoàn toàn được tái tạo mới một cách tự nhiên sau khoảng 3 – 5 tuần.
Đấy là nguyên nhân tại sao tôi phải luôn khuyên mọi người cần đặc biệt cẩn trọng với các loại kem trị mụn thần tốc bằng cơ chế bong da. Chỉ có 1, 2 tuần mà da đã bong hết mụn mà không để lại hậu quả á, làm gì dễ thế, vì da bong nhanh thì quá trình tái tạo không bắt kịp được, ép chết cả lớp keratin non chưa kịp trưởng thành bên dưới. Điều này khiến tế bào sắc tố melanin bên dưới bị lộ ra và kết quả là da mỏng, yếu và dễ bắt nắng vì melanin cực mẫn cảm với ánh nắng và tia UV mà.
HẠ BÌ (DERMIS)
Vậy là đã khám phá xong lớp ngoài cùng của da, đi sâu xuống một chút nữa này. Tầng hạ bì (dermis) là tầng da dầy nhất, bao gồm các thành phần quyết định cấu trúc của da.
Hai nhân vật chính trong bức tranh của tầng hạ bì là collagen và elastin. Chắc ai cũng nghe 2 chất này nhiều rồi, nhất là trong các quảng cáo mỹ phẩm chống lão hoá bời 2 chất này là nhân vật quyết định đến sự trẻ trung của làn da. Cả 2 đều là protein và có sự liên kết với nhau, tạo nên một bộ khung đỡ lấy làn da.
Collagen được ví như bộ khung sắt, tạo nên độ chắc chắn của da. Còn elastin có thể tưởng tượng giống như dây cao su, có tính co giãn, tạo nên sự dẻo dai, đàn hồi của da. Bây giờ bạn thử cười một cái, nếu mặt mũi không bị nhăn nheo nhiều là do da có mật độ elastin tốt đó, còn nếu mật độ elastin thấp là sẽ xuất hiện vết nhăn, vết chân chim ngay. Ở người trẻ, cấu trúc collagen và elastin ổn định, da sẽ mịn màng, dẻo dai. Còn khi già, cấu trúc này sẽ lỏng lẻo khiến da trũng xuống và nhăn nheo.
Các loại mỹ phẩm, kem bôi collagen lợi dụng sự thiếu hiểu biết về chất này để quảng cáo và nhiều người mua tin lấy tin để. Tác dụng của collagen thì rõ nhưng hãy nhớ cho là nó nằm ở tầng hạ bì nhé, các loại kem bôi hầu hết chỉ tác dụng được lên tầng biểu bì thôi nên là dù chúng có collagen thật thì bôi vào cũng chẳng có ích gì vì da có hấp thụ được đâu.
Các nhân vật khác cũng không kém quan trọng cần kể đến trong tầng hạ bì gồm có lỗ chân lông (hair follicle), tuyền dầu (sebaceous glands) và tuyến mồ hôi (sweat glands). Tuyến dầu tiết dầu qua lỗ chân lông lên bề mặt da để duy trì độ ẩm cho da, có thể đọc kỹ hơn về cơ chế hoạt động của chúng tại đây nhé: … Còn tuyến mồ hôi có chức năng chính là tiết mồ hôi để hạ nhiệt cơ thể. Ngoài ra, hạ bì còn chứa nhiều cách mạch máu nhỏ và hạch bạch huyết (lymph node) có chức năng cung cấp oxy và bảo vệ da khỏi sự xâm hại của các vi sinh vật.
MỠ DƯỚI DA (FAT LAYER – SUBCUTANEOUS TISSUE)
Tưởng lâu mà cuối cùng chúng ta cũng đã lặn được đến lớp cuối cùng của da rồi. Đúng như tên gọi, lớp mỡ dưới da này gần như toàn là mỡ. Tác dụng chính của mỡ là để giữ nhiệt cho cơ thể và hấp thụ bớt tác động từ môi trường ngoài. Nguồn gốc của tuyến mồ hôi cũng nằm ở đây đó.
Như vậy, chúng ta có bức tranh tổng thể về da như sau:
Nhìn thật đáng sợ, nhưng bạn bất ngờ không khi bây giờ mình đã biết từng thành phần và hoạt động trong đó rồi, cũng dễ đúng không nào :)) Đọc đến đây là chuyến chu du xuống các tầng da của chúng ta cũng đã kết thúc rồi đó. Hy vọng bạn thấy chuyến đi này là bổ ích và thú vị
Tổng kết lại
Đối với khoa học chăm sóc da, chúng ta cần chủ yếu quan tâm đến tầng biểu bì và hạ bì. Tầng biểu bì thể hiện vẻ ngoài của da, còn tầng hạ bì bao gồm các thành phần quyết định cấu trúc da và cũng là nơi phát sinh nhiều vấn đề về da nhất. Từ nay, hễ có vấn đề gì khiến da không được đẹp, bạn đã có thể phần nào hình dung ra vấn đề đó nằm ở đâu rồi đó. Tuy chưa thể ngay lập tức có cách giải quyết, nhưng ít nhẫn hiểu về nó rồi sẽ không còn thấy mơ hồ nữa.