Trước mình đã có đề cập tới cách chăm sóc da nhạy cảm một chút rồi, trong bài này sẽ đào sâu hơn một chút nữa về các triệu chứng phổ biến liên quan tới da nhạy cảm khi dùng mỹ phẩm bao gồm dị ứng và kích ứng, hy vọng sẽ giúp các bạn hiểu và chăm sóc da tốt hơn.
Nội dung bài viết
Làm sao để biết được mình đang kích ứng hay dị ứng mỹ phẩm?
Kích ứng và dị ứng da có hiện tượng gần giống nhau, da nổi mẩn đỏ, ngứa, có thể bong tróc, thậm chí trầm trọng có thể xuất hiện tượng sưng phù có mủ khi tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng / dị ứng (contact dermatitis).
Kích ứng (irritant contact dermatitis) bị gây ra do lớp màng bảo vệ da bị can thiệp bởi một tác nhân nào đó, khiến da trở nên mẫn cảm. Đây là hiện tượng xảy ra khá phổ biến, ví dụ đơn giản nhất là khi bạn chà xát một cách thô bạo vào da sẽ ngay lập tức khiến lớp màng bảo vệ da bị gián đoạn và da trở nên đỏ ngứa. Trong mỹ phẩm, có một số sản phẩm có thể hoà tan lớp màng lipid và dễ khiến da trở nên kích ứng như các loại sữa rửa mặt/scrub chứa surfactant quá mạnh bạo, các sản phẩm có độ pH thấp, cồn hoặc các chất astringent,… thậm chí là rửa mặt bằng nước thường cũng có thể rửa trôi skin barrier và có khả năng gây ra kích ứng. Sự kích ứng hay diễn ra khi bạn thực hiện một biện pháp xâm lấn nào đấy hơi vượt quá sức chịu đựng của da như dùng acid nồng độ cao, peel da, lăn kim hoặc đơn giản là tẩy da chết
Dị ứng (allergic contact dermatitis) là hiện tượng hiếm gặp hơn kích ứng, bị gây ra khi da tiếp xúc với một chất hoá học nào đó làm hệ miễn dịch phản ứng làm da đỏ ngứa, bỏng rát, bong tróc, sưng phù, chảy mủ… Các chất gây phản ứng dị ứng thường gặp trong mỹ phẩm là hương liệu, một số chất bảo quản như paraben hoặc MCI, lanolin (chất làm mềm), cocamidopropyl betaine, acrylates, một số chất kháng sinh, tosylamide, chiết xuất sáp ong, và một số chiết xuất thực vật. Tuy nhiên, hiện tượng dị ứng diễn ra khá hiếm hoi và tuỳ người. Có nhứng người bị dị ứng đặc biệt với một chất nào đó, trong khi chất đó đối với đa phần những người khác dùng lên lại không sao. Có những thể loại dị ứng rất khó hiểu, có người thậm chí bị dị ứng cả với táo nên nếu bạn gặp một thể dị ứng với 1 thành phần đặc biệt thì nên ghi nhớ thành phần đó và cạch các sản phẩm có bảng thành phần chứa chúng. Dị ứng có thể tích luỹ trong một thời gian, có trường hợp da phản ứng ngay khi tiếp xúc với chất gây dị ứng nhưng cũng có nhiều trường hợp biểu hiện sau 1 thời gian tiếp xúc.
Nên xử lý ra sao với dị ứng / kích ứng?
Nếu nghi ngờ mình bị dị ứng với một loại mỹ phẩm nào đó thì tốt nhất bạn nên ngừng sử dụng loại mỹ phẩm đó ngay lại, sau một vài ngày da sẽ bình ổn trở lại. Còn trong trường hợp da chẳng khá lên và bạn cũng chẳng biết chất nào trong số những loại mỹ phẩm mình dùng gây ra dị ứng thì bạn có thể ngừng toàn bộ skincare, chuyển sang các dòng sản phẩm cho da nhạy cảm, khó dung nạp, đồng thời đi gặp bác sĩ để làm xét nghiệm.
Đối với kích ứng thì bớt trầm trọng hơn, bạn có thể tự xử lý được ở nhà. Trước tiên là ngừng hoặc giảm tần suất sử dụng sản phẩm gây xâm lấn lại. Nếu bạn dùng các loại toner, serum, peel da chứa acid quá mạnh khiến da không chịu nổi thì nên ngưng, dùng dãn ra hoặc chuyển qua các sản phẩm tương tự có nồng độ acid thấp hơn hoặc phái sinh yếu hơn, cho da thời gian phục hồi trước khi tiếp tục treatment. Kích ứng cũng có thể hình thành do thói quen cleansing quá thô bạo, bạn cần lưu ý các thao tác mát xa, tẩy da chết hàng ngày, xem lại xem loại sữa rửa mặt đang dùng có quá gây khô da, căng kích hay không. Một số người bị kích ứng khi quá lạm dụng các dụng cụ / máy làm sạch, nếu trường hợp này rơi vào bạn thì hãy giảm tần suất sử dụng máy lại. Nên nhớ bất cứ một tác động nào lên da dù là nhỏ cũng có thể lấy đi lớp màng lipid quý báu và làm da bạn dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây kích ứng hơn.
Da nhạy cảm là gì
Dị ứng và kích ứng có thể xảy ra với bất cứ ai, nhưng những người có da nhạy cảm thường xuyên là nạn nhân của 2 triệu chứng này hơn cả. Da nhạy cảm có thể phân loại chung chung là những loại da yếu đúi. Biểu hiện bên ngoài là da mỏng, giãn mao mạch, nhìn thấy mạch máu dưới da, hoặc da khô, lớp màng bảo vệ da bị hư hoại không giữ được độ ẩm trên da. Da nhạy cảm dễ bị kích ứng và dị ứng tiếp xúc hơn bình thường, đồng thời cũng khá khó dung nạp mỹ phẩm, dùng gì lên da cũng cảm giác bị kích ứng, mẩn ngứa.
Tất nhiên là khi sở hữu loại da này, các bạn nên cẩn trọng trong việc lựa chọn mỹ phẩm, ưu tiên các dòng mỹ phẩm dành riêng cho da nhạy cảm, kém dung nạp vì các dòng này thông thường gần như không chứa hương liệu, các chất gây kích ứng và được formulate với độ pH dễ chịu cho da.
Cách chăm sóc da nhạy cảm
- Cleansing bằng SRM ít surfactant dạng gel, cream hoặc oil. Bạn có thể double cleansing, tẩy trang bằng dầu trước rồi dùng SRM dạng gel rửa lại cũng được, cách làm này giúp da sạch hơn mà vẫn ít gây ảnh hưởng đến lớp màng lipid của da
- Một số chất giúp phục hồi sức đề kháng, phục hồi màng da giúp tăng cường sức khoẻ cho da bạn có thể sử dụng bao gồm: niacinamide, ceramide, azelaic acid, peptide, amino acid, Natural moisturizing factor (NMF), squalane, vitamin B5,…
- Dưỡng ẩm cẩn thận là điều cần thiết để củng cố độ đàn hồi và đảm bảo các quá trình sinh học trên da diễn ra được bình thường. Nếu da bạn không quá khô thì có thể dùng các loại kem dưỡng thông thường không chứa hương liệu. Đối với da khô thì đặc biệt phù hợp với kem dưỡng ẩm chứa urea.
- Hạn chế treatment, quan sát tình trạng sức khoẻ của da để gắp đồ, da yếu đúi mà ham peel với dùng tretinoin thì đừng hỏi sao nát, nên bắt đầu với các phái sinh yếu trước của acid như PHA, lactic acid, mandelic acid, retinyl palmitate…
- Sử dụng các sản phẩm có thành phần đơn giản, trong tình huống da mẫn cảm thì chính ra mấy loại thành phần ngắn tưởng đểu lại phát huy tác dụng, còn ham hố những sản phẩm đắt tiền chiết xuất tả phế lù có khi lại chết tươi
Full routine chăm sóc da nhạy cảm có thể tham khảo tại đây nhé