Tìm hiểu nhanh về Retinoids – hoạt chất chống lão hoá không có đối thủ
Nội dung bài viết
Retinoids là gì
Khi tìm hiểu về retinoids, chắc hẳn các bạn đã nhìn thấy những từ quen thuộc như retinol, retinal hay vitamin A và thắc mắc là chúng có khác nhau hay không. Mình sẽ làm rõ các khái niệm này để từ giờ về sau bạn sẽ không còn bị nhầm lẫn nữa.
Retinoids là tên gọi chung của vitamin A và các phái sinh tự nhiên và tống hợp của nó. Nôm na bạn có thể hiểu retinoids giống như một cái tên họ của một gia đình rất đông anh chị em các chất hoá học bao gồm retinol, retinaldehyde (hay retinal), retinoic acid, retinyl retinoate, retinyl esters, adapalene, tazarotene, isotretinoin,… (và rất đông những đứa khác nữa).
Các thành viên này vì là cùng một gia đình nên có các đặc điểm tương đối giống nhau, gần tương tự vitamin A. Khi bạn gọi retinoids không phải là bạn đang gọi một chất riêng biệt nào mà là gọi chung cho tất cả các thành viên trong gia đình trên. Tất cả các chất trên đều là retinoid còn retinoid thì chỉ là cái họ chung, không phải là một chất hoá học cụ thể nào.
Retinoids hoạt động thế nào
Về cơ bản, da không có khả năng hấp thụ trực tiếp retinoids, vì sao thì mình cũng không biết. Chắc giống như con người không ăn được thịt sống mà chỉ ăn được thịt chín, da cũng cần “chế biến qua” retinoids rồi mới nhai được. Cụ thể nó sẽ biến retinoids thành một chất khác gọi là retinoic acid, rồi từ đó chất này mới được “hấp thụ” thông qua một thụ thể mang tên Retinoic Acid Receptors (RAR).
Sau khi đánh chén retinoic acid no nê, RAR sẽ trở nên sung sức và phát huy sức mạnh, đem lại các phản ứng khác nhau trên da. Phần lớn các phản ứng này rất tuyệt vời, làm da đều màu, căng, tốc độ sừng hoá tăng, thậm chí collagen và elastin ở tầng hạ bì còn được kích thích sản sinh làm da mịn màng trẻ trung. Tuy vậy, một vài phản ứng không mong muốn khác cũng sẽ đi kèm như da bị sưng rát, bong tróc hay đẩy mụn 1.
Tốc độ phản ứng của Retinoids
Da chỉ có thể hấp thụ được Retinoic Acid (Tretinoin) nên những loại Retinoids chưa phải là Retinoic Acid sẽ cần trải qua quá trình biến đổi dần về chất này để da hấp thụ.
Quá trình biến đổi càng lâu thì Retinoid càng yếu, tác dụng càng chậm nhưng cũng càng ít gây kích ứng.
Ví dụ như Tretinoin là loại Retinoids mạnh nhất, tác dụng quyết liệt nhất vì bản thân nó đã là Retinoic Acid nên da sẽ “ăn” được ngay mà không phải nấu nướng gì. Trong khi đối với các sản phẩm ‘tươi sống’ còn rói máu như Retinyl Palmitate, da sẽ cần chuyển hoá chán chê thành Retinoic Acid mới đủ chín để RAR có thể tiêu thụ.
Chuỗi biến đổi Retinoids tự nhiên về cơ bản là như dưới đây, các chất càng nằm về phía sau thì càng mạnh và dễ gây kích ứng và ngược lại:
Retinyl Palmitate -> Retinol -> Retinaldehyde -> Retinoic Acid
Các loại retinoids
Có thể chia retinoids thành 2 loại chính: retinoids tự nhiên và retinoids tổng hợp
Retinoids tự nhiên
Bao gồm các loại retinoids tồn tại trong mọi cơ thể sống 2. Các retinoids này bao gồm: retinyl palmitate, retinol, retinal, tretinoin và một số loại khác. Các retinoids tự nhiên là biến thể của nhau và có thể chuyển hoá qua nhau. Chúng có đặc điểm là không ổn định với ánh sáng. Thậm chí ánh sáng đèn hay ánh sáng màn hình vi tính cũng khiến chúng bị phân tách, tệ hơn có thể chuyển thành độc tố. Bên cạnh đó, retinoids tự nhiên có xu hướng kích thích tất cả các RAR, ngoài các tác dụng tốt, điều này cũng có thể khiến da đỏ rát, bong tróc hay nổi mụn
Retinoids tổng hợp
Để hạn chế việc kích thích các RAR không mong muốn của retinoids tự nhiên, các nhà khoa học đã tổng hợp ra các retinoids nhân tạo, chỉ kích hoạt một nhóm RAR nhất định nên sẽ ít gây ra các tác động tiêu cực hơn 3. Một số retinoids tổng hợp có thể kể đến như: adapalene, tazarotene, isotretinoin, những chất này không giống như retinoids tự nhiên, không phải là các dạng biến thể của nhau và không thể chuyến hoá lẫn nhau 4. Retinoids tổng hợp ổn định hơn dưới tác động của ánh sáng nhưng không đồng nghĩa với việc bạn có thể bỏ qua kem chống nắng khi sử dụng retinoids tổng hợp đâu nhé.
Retinoids là chủ đề khá dài. Nếu muốn biết Retinoids có hợp để đưa vào routine chăm sóc da của bạn không thì hãy đọc tiếp bài viết này nhé. Còn nếu hứng thú muốn quyết định dùng luôn Retinoids thì hãy bắt đầu tìm hiểu từ Retinol.
Nguồn tham khảo
- Sheri L. Rolewski, Clinical Review: Topical Retinoids, 2015
- Vahlquist A, What are natural retinoids, 1999
- Siddharth Mukherjee et al, Retinoids in the treatment of skin aging: an overview of clinical efficacy and safety, 2006
- Skinacea, the difference between natural and synthetic retinoids, 2012