Bài này sẽ đề cập tới những lầm tưởng phổ biến về da dầu: da tiết dầu có phải do bệnh, do thiếu dầu thiếu nước và có phải da cứ dầu là sẽ lên mụn
Có rất nhiều các ‘tương truyền’ không biết ở đâu ra về da dầu nhưng vẫn được truyền bá như sự thật đúng rồi. Bản thân mình cũng là nạn nhân của một trong những cái myths sau đây mà mình tin là nhiều bạn cũng không ngoại lệ. Đọc hết bài để xem là mình có bắt thóp đúng cái myth nào mà bạn đang tin lấy tin để không nhé.
Nội dung bài viết
Myth #1: Da dầu là một ‘bệnh’ phải chữa cho hết!
Không đúng nhé!
Mức độ tiết dầu của da là điều hoàn toàn tự nhiên. Đây là yếu tố thuộc về nội tiết tố và di truyền, là bản chất da và khó thay đổi được.
Bên cạnh đó, lớp dầu trên da không hề xấu. Nó đóng vai trò bảo vệ da khỏi tác động môi trường và cân bằng độ ẩm trên da. Những người da dầu vì thế ít khi gặp phải hiện tượng thất thoát nước bề mặt, làn da cũng thường khoẻ mạnh trẻ trung hơn so với người da thường.
Myth #2: Da càng nhiều dầu càng dễ lên mụn
Không hẳn!
Tuy có nghiên cứu chỉ ra rằng da nhiều dầu có tương quan với sự trầm trọng của mụn, đây lại không phải nguyên nhân gây mụn quan trọng nhất.
Khi nghiên cứu sâu về da mụn, người ta phát hiện ra tác nhân tiên quyết hơn cả chính là kết cấu dầu trên da. Ngoài tỉ lệ oleic/linoleic acid, các yếu tố khác về kết cấu cũng phải kể đến như thành phần squalene, tỷ lệ acid béo bão hoà/không bão hoà, hàm lượng acid Sapienic, sự thay đổi các chất điều chỉnh lipid, v.v… 1 2
Thêm nữa, các nguyên nhân khác như chế độ ăn uống, lối sinh hoạt, sự tấn công của môi trường, vi khuẩn, sự thay đổi hóc môn, v.v… cũng cộng hưởng vào quá trình thai nghén mụn.
Điều này giải thích hiện tượng một số người tuy da dầu nhưng may mắn có dầu ‘chất lượng tốt’ cộng thêm lối sống lành mạnh nên rất ít khi bị mụn.
Myth #3: Dưỡng ẩm sẽ làm da bớt dầu
Thông tin này đúng hơn là một ‘tương truyền’ vì chẳng có một cơ sở khoa học nào chứng thực cả.
Hầu như ai trong ngành mỹ phẩm từ người bán hàng, beauty blogger cho đến chuyên gia thẩm mỹ đều ra rả câu kinh: ‘da mà thiếu nước thì sẽ tiết nhiều dầu hơn đấy nhé, dưỡng ẩm cho ngập mặt vào đê!’. Nhưng điều hay ho là chả ai trong số những người nói ra câu đấy trích được nguồn nghiên cứu đàng hoàng. Mình là đứa đa nghi nên lúc nào cũng truy đuổi nguồn gốc khoa học của thông tin và riêng thông tin này thì mình càng tìm lại càng tịt.
Dù đã mò hết từ thư viện PubMed đến mấy quyển sách da liễu đắt lòi kèn, đến giờ mình vẫn chưa thấy bằng chứng khả quan nào xác nhận là có mối liên hệ giữa độ ẩm và độ tiết dầu trên da. Một nghiên cứu về tình trạng khô da trên người lớn tuổi còn kết luận hai yếu tố này không tương quan gì với nhau.
Bởi tin vào cái myth này nên cũng đã có giai đoạn da mình trải qua ‘kỷ đồ gương’, tham dưỡng ẩm đến nỗi da bóng như gương. Chu trình lúc đấy lớp chồng lớp, hết mấy layer toner rồi đến water gel cộng thêm cả dầu dưỡng nữa mới gật gù yên tâm là đủ ‘ẩm’. Kết quả là làn da bóng lộn thu hút mọi ánh nhìn kì thị. Bóng đến mức phản chiếu cả thế giới xung quanh và làm thân chủ sợ soi gương vì gặp hiện tượng gương vô cực.
Nên là khi phát hiện ra thông tin mà mình tin sái cổ kia hoá ra lại không có nghiên cứu xác nhận, mình vui vẻ dừng ngay việc dưỡng nhiều lớp. Vừa nhẹ da, vừa đỡ …đau đầu.
Lời khuyên chân thành là lúc nào da khô thì hẵng dưỡng ẩm, còn lúc nào dầu quá thì thôi. Nghe mình chưa đủ thuyết phục thì nghe thêm ý kiến từ các chuyên gia nè:
“Trừ những cháu có gien da khô, lỗ chân lông bé và da cơ thể khô với triệu chứng bệnh như eczema. Các cháu còn lại da thường thì không phải dưỡng ẩm. Dưỡng ẩm chỉ khiến da ‘lười’ thêm và mất khả năng tự làm ẩm”
Dr Rachael Eckel (trích tại Why moisturiser may make your skin worse: Doctors claim it’s making our skin ‘lazy’ and less able to hydrate itself – Daily Mail)
“Thông thường, các cháu da dầu không nên dưỡng ẩm. Nếu có dưỡng thì nên chọn các loại ít khoá ẩm, không dầu, không bít tắc lỗ chân lông sau khi rửa mặt”
Dr Dotorov (trích tại Oily skin basics – SmartSkincare)
“Kem dưỡng là không cần thiết cho hầu hết các loại da dầu. Tuy nhiên nếu da có chỉ số dầu thấp, các cháu có thể sử dụng kem dưỡng cho các vùng da khô hơn”
Leslie Baumann, M.D. (trích trong The Skin Type Solution)
“Nếu da các cháu không khô thì dưỡng ẩm làm cái lòng mề gì?”
Marie Lodén (Tác giả sách Dry Skin and Moisturizers) “If you don’t have dry skin, then why use moisturizer?” – trích tại TheSkincareEdit
Myth #4: Dùng mỹ phẩm sẽ giúp thu nhỏ lỗ chân lông
Lỗ chân lông to là vấn đề mà người da dầu nào cũng muốn khắc phục. Tuy vậy, kích thước lỗ chân lông là cố định thuộc về di truyền, không có chất nào bôi ngoài da có thể thay đổi được điều này. Lỗ chân lông cũng không thể mở ra hay đóng vào như trong quảng cáo của các loại toner.
Đối với da dầu, để tránh lỗ chân lông làm da mặt bạn loang lổ như bề mặt mặt trăng, bạn cần chú ý hai việc sau. Một là làm sạch kỹ để lấy bớt dầu thừa, cặn bẩn, từ đó lỗ chân lông thông thoáng và bớt phình to. Hai là tránh để da khô bằng việc dưỡng ẩm kịp thời những lúc da có dấu hiệu thiếu nước. Nhờ vậy da sẽ căng lên, bớt chảy xệ và lỗ chân lông trông sẽ bớt lộ liễu.
Myth #5: Dầu dưỡng sẽ ‘lừa’ da nghĩ là mình đủ dầu rồi và thôi không tiết thêm dầu nữa
Tương tự là một ‘tương truyền’ không có cơ sở xác thực.
Nếu thực sự da có khả năng cảm nhận lượng dầu để tự mình điều tiết thì chắc ai cũng có làn da cân bằng rồi. Nhưng trên thực tế thì không có công trình khoa học nào chứng minh là da có dây thần kinh cảm thụ dầu cả.
Dầu dưỡng lại vốn không phải là sản phẩm mà mình ưa chuộng vừa vì kết cấu bóng dớp nặng nề lại vừa không thể thay thế được kem dưỡng trong việc cấp ẩm (Thật! Vì dầu dưỡng toàn dầu chứ có tí ‘nước’ nào đâu).
Xét trên góc độ khoa học, một số loại dầu có tỉ lệ linoleic cao có thể giúp làm dầu trên da ‘loãng’ bớt từ đó đỡ tắc lỗ chân lông hơn. Bạn nào xui có kết cấu dầu trên da đặc quánh như gel bôi trơn thì chắc hợp. Nhưng mình thì không rơi phải trường phái đấy nên vẫn bền bỉ với kem bôi trị mụn thôi chứ không thể ảo tưởng bôi dầu vào mà hết mụn được, không ăn thua!
Kết luận
Không biết bao nhiêu cái myth bên trên đã khiến bạn tin sái cổ rồi? Mình thì sái nhiều quá đầu xoay như ốc vít luôn rồi.
Để chăm sóc da dầu thực ra dễ lắm, nhưng biết bao nhiêu các thông tin sai lệch ảo diệu được truyền bá làm ta bị lệch lạc nhận thức về da, mua phải những sản phẩm không đáng mua để khắc phục các vấn đề mà da không hề có.
Hy vọng bài viết này giúp bạn có những hiểu biết sáng suốt hơn để điều chỉnh routine phù hợp với làn da dầu. Còn nếu muốn tham khảo routine đầy đủ, khoa học mà tiết kiệm thì tham khảo thêm bài viết này của blog nha.
Nguồn tham khảo