Skincare từ lâu đã được cộp mác ‘làm đẹp’ khiến tất cả những ai khi skincare đều ao ước làn da của mình trở nên thật hoàn hảo. Tuy nhiên liệu đây có phải là cách hiểu đúng về việc này hay không?

Dưới đây là những lầm tưởng cơ bản mà chúng ta hay mắc phải trong quá trình chăm sóc da. Vướng vào chúng có lẽ là nguyên nhân khiến việc skincare của bạn chưa đạt kì vọng mà bạn mong muốn, hãy đọc thử xem mình có những suy nghĩ nào chưa chính xác về skincare không nhé.

Chăm sóc da – skincare chỉ dành cho phụ nữ

Suy nghĩ này có do sự đánh đồng skincare và trang điểm. Trên thực tế thì skincare chỉ có vai trò chính là duy trì, tăng cường sức khoẻ da liễu. Hai công đoạn quan trọng nhất của quá trình skincare là làm sạch da và dưỡng ẩm đều nhắm vào việc khắc phục các vấn đề của da, đây chắc chắn là điều mà giới tính nào cũng phải quan tâm.

Nếu bạn may mắn sinh ra có làn da khoẻ, lỗ chân lông bé, độ tiết dầu lúc nào cũng cân bằng cộng với việc sống ở nơi có môi trường không quá ô nhiễm thì đúng là chỉ cần dùng nước lã da vẫn cứ đẹp. Còn ngược lại, da dẻ bạn đã xỉn, nhiều mụn, đi đường bụi bẩn ô nhiễm cả ngày bám lên mặt nhưng vẫn cứ kệ đấy, từ chối việc tối thiểu là dùng sửa rửa mặt thì mình xin phép liệt kê luôn vào dạng ‘ở bẩn’ chứ chẳng liên quan gì đến việc bạn có ‘nam tính’ hay không nữa. Một hộp sữa rửa mặt không hề đắt hơn hộp sữa tắm hay dầu gội đầu, là vật dụng cá nhân thiết yếu để làm sạch da mặt do vùng da này nhạy cảm, không chịu được công thức tẩy rửa nặng nề của sản phẩm dành cho cơ thể.

Tương tự vậy, các thao tác khác trong skincare như cấp nước, dưỡng ẩm, dùng dưỡng chất nếu hiểu bản chất thì đều có tác dụng chính là hỗ trợ da mặt khoẻ mạnh. Tuỳ thuộc vào vấn đề bạn gặp phải mà bạn sẽ có nhu cầu dùng sản phẩm chăm sóc nhiều hay ít. Skincare tỉ mỉ sẽ giúp da sạch mụn, kháng khuẩn tốt và đều màu, tác dụng kéo theo là một ngoại hình chỉn chu, ưa nhìn chứ không phải để má hồng môi đỏ đâu nhé.

kpop idol

Không có cách skincare nào khiến ngoại hình bạn trở nên lồng lộn như thế này cả. Cái bạn cần là đồ trang điểm

Hy vọng skincare sẽ giúp mình sở hữu nước da đẹp như người mẫu

Các bạn có thể tưởng tượng skincare cũng giống như việc đi mua một bộ quần áo, bạn không thể kì vọng chỉ cần khoác một bộ váy lên mình mà hình dáng bạn thay đổi thì cũng không thể đòi hỏi thứ tương tự với skincare.

Skincare đúng cách sẽ giúp da bạn đạt được trạng thái tốt nhất của nó chứ không thể biến nó thành một làn da khác. Nếu bạn bẩm sinh đã sở hữu làn da nâu thì chẳng có loại kem bôi nào giúp biến bạn thành người da trắng được cả. Có những yếu tố mang tính di truyền không thể thay đổi trừ khi can thiệp bằng biện pháp thẩm mỹ vật lí. Vậy nên đừng quá kì vọng vào việc sử dụng sản phẩm của một người đẹp quảng cáo là bạn sẽ nhanh chóng đẹp được như họ.

quảng cáo gây tranh cãi của Dove

quảng cáo gây tranh cãi của Dove (nguồn: cnn)
Skincare sẽ không thể thay đổi được bản chất da của bạn, màu da là một trong các yếu tố đấy.

Thói quen chăm sóc da chỉ gói gọn trong việc dùng mỹ phẩm

Nhắc đến skincare thì đa phần mọi người sẽ bàn tán đến việc dùng sản phẩm hãng A hay hãng B thì tốt mà quên mất điều quan trọng nhất phải làm để có được làn da khoẻ là một lối sinh hoạt lành mạnh. Hầu hết các vấn đề của da đến từ chính bên trong cơ thể, để giải quyết phải thay đổi từ thói quen cá nhân chứ không phải đi tìm thuốc bôi đắp bên ngoài. Chăm sóc da từ bên trong tuy không phải điều gì xa xỉ, không khó thực hiện nhưng lại đem lại hiệu quả tuyệt vời hơn sử dụng mỹ phẩm hàng trăm lần. Hãy ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, tập luyện thường xuyên, dần dần, khi cơ thể bạn hoạt động trơn tru, làn da sẽ có biểu hiện tươi tắn, nhiều sức sống lên trông thấy.

Lười tìm hiểu kiến thức chăm sóc da

Chăm sóc da là một bộ môn khoa học đòi hỏi sự tìm tòi nghiêm túc chứ không đơn giản chỉ cần mua mỹ phẩm về bôi đắp là xong. Rất nhiều người khi nói đến việc đọc và tìm hiểu thì tỏ ra ái ngại, lười biếng, chỉ xem review, lên các diễn đàn nhờ tư vấn hoặc tin tưởng hoàn toàn vào người bán hàng.

Điều này khiến bạn thiếu kĩ năng phản biện và phân tích, quay cuồng trong một rừng các ý kiến trái chiều và không hiểu nguồn gốc vấn đề. Kết quả là bạn thường bị phụ thuộc trong việc mua hàng, hết tham vấn người này đến người nọ rồi đổ lỗi cho sản phẩm, cho người review khi không đạt được kết quả ưng ý.

Không ai hiểu làn da của bạn bằng chính bạn, lời khuyên chân thành là hãy cố gắng dành ra ít nhất khoảng 15 phút tìm hiểu các vấn đề một cách chủ động, thay vì dựa dẫm vào việc hỏi han quá nhiều. Một sự đầu tư nhỏ về thời gian, công sức không những giúp bạn tránh được các khoản đầu tư lãng phí mà còn mở mang kiến thức nữa.

Quá tin tưởng vào review

Mình không hoàn toàn phủ nhận tác dụng của việc đọc review trên các diễn đàn hoặc từ các beauty blogger. Đây là biện pháp giúp bạn cảm nhận về sản phẩm thông qua trải nghiệm của người khác mà không cần phải trực tiếp dùng thử.

Tuy vậy, hãy thận trọng với những mô tả mang tính cá nhân. Mình không đổ lỗi cho các bạn review là không trung thực mà chỉ đơn giản là da rất đa dạng, sản phẩm hợp với người này có thể không hợp với người kia. Kể cả là khi hai người có cùng loại da, vẫn còn hàng ti tỉ đặc tính khác quyết định việc một chất có tác dụng đến đâu trên các môi trường da khác nhau.

Thêm vào đó, đa phần các bài review đều mang quan điểm chủ quan, sự cảm nhận như da sáng lên, mềm mượt, lỗ chân lông thu nhỏ đều rất cảm tính chứ không dựa trên phương pháp đo lường cụ thể. Việc đặt kì vọng cao vào sản phẩm chỉ dựa vào những nhận xét như vậy có thể khiến bạn thất vọng khi kết quả không như tưởng tượng.

Vậy nên, tốt nhất hãy chỉ coi review như một phương tiện để tham khảo, so sánh các dòng sản phẩm, xem nơi nào bán hàng uy tín, chứ đừng vội quyết định mua hàng chỉ dựa vào chúng.

Quá chú trọng đến bảng thành phần khi mua mỹ phẩm

Cũng đã có khoảng thời gian mình lật bảng thành phần từng loại sản phẩm một rồi lên mạng tra xem có cồn (alcohol), hương liệu (fragrance) hay chất gây kích ứng (irritant) nào không, chỉ cần có một thành phần ‘điều tiếng’ nào đó là mình sẽ nhanh chóng kết luận loại sản phẩm đó là không tốt và không chọn mua. Sau cái sự chọn lọc siêu khắt khe đấy, danh sách những thứ mà mình có thể dùng được rút ngắn lại đáng kể, còn một sản phẩm duy nhất là nước khoáng.

Nghiên cứu thành phần mỹ phẩm là điều rất đáng khích lệ, nhưng hãy nhớ một điều là thành phần chỉ là một yếu tố cấu thành lên sản phẩm chứ không phải tất cả, yếu tố khác quan trọng hơn nhiều là trình độ và công nghệ pha chế.

thành phần mỹ phẩm

Việc tránh tất cả các thành phần bị coi là ‘phản diện’ như alcohol, butylene glycol, propylene glycol là điều gần như không thể. Giống như một bộ phim hay, mỹ phẩm cũng cần những vai ‘phản diện’ để trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh

Thứ nhất, không phải sản phẩm cứ chứa một hai hương liệu, chất bảo quản, chất ‘nên tránh’ là sẽ gây tác dụng không tốt đến da của bạn. Tất cả các nguyên liệu đều có một ngưỡng an toàn nhất định, chỉ cần không vượt quá thì sẽ không có tác dụng phụ, còn nếu đã vượt quá ngưỡng rồi thì bất cứ cái gì cũng có thể làm bạn bị ngộ độc, kể cả nước lọc. Các nhà sản xuất đều phải trải qua khâu kiểm định cực kì khắt khe, đảm bảo rằng mọi sản phẩm họ tung ra thị trường đều nằm trong giới hạn cho phép ấy.

Thứ hai, các nhà khoa học thừa đủ hiểu biết để biết đưa vào sản phẩm cái gì là cần thiết. Có những thành phần mà chúng ta coi là ‘độc hại’ nhưng dưới con mắt một dược sĩ, với một liều lượng vừa phải, chúng có thể hỗ trợ làm cân bằng công thức, hoà tan dung dịch, tăng cường độ thẩm thấu, làm sản phẩm đạt hiệu quả tốt hơn mà không gây nguy hại. Một sản phẩm quá ‘sạch sẽ’, nói không với tất cả các chất điều tiếng thì rất có khả năng cũng như nước lã, chẳng có tác dụng gì đặc biệt.

Thứ ba, cùng một bảng thành phần nhưng tay nghề và công nghệ pha chế sẽ tạo ra những sản phẩm có chất lượng cực kì khác biệt. Lí do này mình sẽ không đi giải thích mà xin trích dẫn lời của dược sĩ Jiyeon Han, một sự mô tả ngắn gọn nhưng cực kì sâu sắc về vai trò của một nhà pha chế mỹ phẩm:

“Những người nghệ sĩ đều tạo ra tác phẩm với cùng loại nguyên liệu: giấy, cọ, màu, nhưng chỉ có kĩ năng và sự đam mê mới tạo ra được một tuyệt tác. Tương tự vậy, có các sản phẩm thoạt nhìn có thể thấy cùng danh sách thành phần nhưng không đồng nghĩa với việc chúng sẽ đem lại tác dụng tương đương nhau.” 1

Sản phẩm càng đắt thì càng có hiệu quả tốt

Sự thật là không phải lúc nào đắt cũng xắt ra miếng, có những sản phẩm đắt đỏ nhưng hiệu quả đem lại cũng chỉ tương đương các dòng sản phẩm rẻ tiền có cách quản lý sản xuất thông minh vượt trội. Thay vì việc quan tâm đến giá tiền, bạn hãy quan tâm nhiều hơn đến thương hiệu, đây là yếu tố phản ánh chất lượng đáng tin cậy hơn cả. Một số những cái tên bóng bẩy xa xỉ thực sự vì tên tuổi và chất lượng sản phẩm có thể kể ra như Kiehls, Estee Lauder, Lancôme hay Caudalie. Nhưng bên cạnh đó cũng có những nhãn hiệu bình dân, tuy đẳng cấp không thể sánh bằng nhưng chất lượng sản phẩm cũng tương đối xuất sắc như the Ordinary, The Body Shop hay Cetaphil

Người có da càng đẹp thì càng biết cách skincare

Giống như ca sĩ, người có màu giọng đẹp bẩm sinh thì việc luyện thanh sẽ ít gian nan hơn người thường rất nhiều. Làn da cũng là đặc tính tương tự mang tính di truyền, nhiều bạn may mắn dù chăm sóc hời hợt nhưng da vẫn đẹp một cách đáng ganh tị.

Tuy nhiên không phải lúc nào vẻ đẹp cũng đi cùng kiến thức, người ít gặp phải các vấn đề về da thì đa phần cũng ít kinh nghiệm hơn trong việc khắc phục chúng. Một điều bất ngờ là những blogger rất am hiểu về skincare mà mình hay theo dõi như Michelle (the Lab Muffin), Dr Dray hay Liah Yoo lại thường sở hữu làn da khuyết điểm. Tự nhiên không ban tặng cho họ làn da đáng mơ ước nhưng có lẽ đó là động lực để họ tìm cách đấu tranh hàng ngày để bảo vệ da, từ đó xây dựng được nền tảng kiến thức đáng tin cậy và đưa ra được những lời khuyên thực sự đắt giá.

Kì vọng vào việc sử dụng mỹ phẩm sẽ làm da đẹp lên nhanh chóng

Chắc hẳn tâm lí chung của mọi người khi mới dùng 1 loại sản phẩm mới là thường xuyên nhìn vào gương xem da mình có sáng lên, mịn hơn không. Nếu thực sự da bạn tốt hẳn lên sau chỉ vài ngày sử dụng một sản phẩm thì có thể rơi vào hai trường hợp: trường hợp 1 là sản phẩm đó không an toàn, sử dụng các chất với nồng độ quá mức để đạt hiệu quả nhanh; trường hợp 2 là bạn đang ảo tưởng.

Làn da có những chu kì sinh học của riêng nó, sản phẩm tốt luôn tôn trọng điều này. Những tác dụng như làm dày lớp màng bảo vệ, làm đều màu da, cải thiện lỗ chân lông không phải một hai tuần là thấy mà phải phải trải qua một quá trình bền bỉ lâu dài. Vậy nên hãy cho sản phẩm một thời gian để phát huy tác dụng, đừng nên đánh giá quá vội vàng.

Chỉ cần skincare một thời gian rồi da sẽ đẹp bền vững

Bởi mục đích chính của skincare là vệ sinh và bảo vệ da nên đây là điều mà bạn phải làm hàng ngày giống như tập luyện thể thao hay tắm rửa. Có những biện pháp trị liệu spa đắt đỏ giúp da sạch mụn hoặc cải thiện nhanh chóng, nhưng nếu bạn không biết cách duy trì thì sớm muộn da cũng sẽ xuống cấp. Đó cũng là lí do khi chăm sóc da, chúng ta cần xây dựng cái gọi là ‘skincare routine’, một thói quen chứ không phải liệu trình dùng một lần được ngay. Có thể ban đầu bạn sẽ thấy việc thực hiện khá là tốn thời gian nhưng dần dà nó sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bạn, giống như việc đánh răng rửa mặt hàng ngày vậy.

Kết luận

Bài viết này có lẽ phần nào ‘bóc trần’ sự thật về skincare, có lẽ không phải là điều gì quá điệu đà, kì công như bạn nghĩ. Nó đơn giản chỉ là sự chỉn chu trong việc chăm sóc da hàng ngày, giữ da sạch sẽ, bình thường, khoẻ mạnh dựa vào các nền tảng kiến thức khoa học. Bên cạnh đó, skincare còn giống như một cách giúp giải toả mệt mỏi, căng thẳng, giúp bản thân thư giãn. Hãy coi skincare như một người bạn mà bạn cần nói chuyện với hàng ngày, một người luôn nhắc nhở bạn rằng hãy yêu quí bản thân hơn và làm những điều tốt nhất cho nó.

* Bài viết này dựa trên quan điểm cá nhân của người viết

Nguồn tham khảo

  1. Yoo, L. (2018). Summer Skincare Routine • How To Fix Dehydrated Oily Skin • Healthy Skin Barrier. [online] YouTube. Available at: https://youtu.be/-7YvMXaqqys?t=11m2s [Accessed 16 Jun. 2018].