“Toner là sản phẩm thiết yếu trong quy trình chăm sóc da” có chăng chỉ là một slogan quảng cáo.

Các bước chăm sóc da cơ bản mà hầu như ai cũng biết phải có cleanse, tone rồi đến moisturize. Quy trình này được phổ biến rộng rãi và thuộc nằm lòng với tất cả các tín đồ skincare.

Trong khi công dụng của khâu làm sạch hay dưỡng ẩm rất dễ hiểu thì nhiều người vẫn mơ hồ về vai trò của bước toning. Toner hay còn gọi là nước cân bằng hoặc nước hoa hồng luôn được quảng bá sẽ giúp làm da sạch sâu, se khít lỗ chân lông, cân bằng pH trên da và giúp dưỡng chất ở các bước chăm sóc sau dễ thẩm thấu hơn.

Tuy vậy, có nhiều điều trong cách giải thích trên không thực sự thuyết phục dưới góc độ khoa học. Bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu hơn về toner, tại sao toner lại được sản xuất, tranh luận xung quanh vai trò của nó với làn da và trả lời cho câu hỏi chúng ta có thực sự cần toner hay không.

Lịch sử phát triển của toner

Đầu thế kỉ 20, hình hài đầu tiên của toner xuất hiện với cái tên skin tonic và được quảng bá như một thứ chất lỏng giúp làm tươi trẻ làn da. Thành phần chủ yếu bao gồm cồn, chiết xuất hạt phỉ, boric acid, nước hoa 1.

Elizabeth Arden Skin Tonic 1920

Elizabeth Arden Skin Tonic 1920

 

Quảng cáo Skin Tonic của Elizabeth Arden năm 1952

Quảng cáo Skin Tonic của Elizabeth Arden năm 1952

Tuy nhiên, sự phổ biến của toner thực sự được bùng nổ ở thời điểm khoảng 1970 – 1980. Trong thời gian này, toner chủ yếu được gọi là ‘astringent’ chứa nhiều cồn. Người dùng được khuyến khích sử dụng astringent sau khi rửa mặt xong để lấy sạch dầu thừa, bụi bẩn còn sót lại trên da 2.

Quảng cáo mỹ phẩm của Avon năm 1973

Quảng cáo mỹ phẩm của Avon năm 1973. Trong đó, astringent được giới thiệu sau khâu làm sạch

Đầu những năm 1990, các chuyên gia về chăm sóc sắc đẹp nhận ra hậu quả của việc vỗ cồn lên mặt sẽ gây ra các tác động xấu, đặc biệt là khiến da trở nên khô, các sản phẩm toner chứa cồn dần biến mất. Thay vào đó, toner chứa glycolic acid xuất hiện, có tác dụng tẩy da chết hoá học ở lớp ngoài cùng 3.

Acid toner

Acid toner bắt đầu phổ biến vào những năm 1990

Trong những năm 2000, các sản phẩm toner nhẹ dịu không chứa cồn phổ rộng trên thị trường, tuy nhiên không còn được ưa chuộng như trước vì người dùng không còn thấy hiệu quả rõ rệt của chúng trên da 4.

Neutrogena alcohol-free toner

Neutrogena alcohol-free toner

Trong thời gian gần đây, toner lấy lại sự nổi tiếng của mình, thành phần nâng cấp thêm các loại acid như glycolic acid, lactic acid, salicylic acid, ngoài ra một số loại còn chứa thêm nhiều hoạt chất khác.

Toner hiện đại

Toner hiện đại ngoài đặc tính nhẹ dịu còn có chứa nhiều hoạt chất khác nhau (nguồn: Into The Gloss)

Toner thực sự dùng để làm gì ? – Công dụng được quảng cáo và tranh cãi

Cấp ẩm

Một trong những công dụng chủ yếu của các loại toner trên thị trường hiện tại là công dụng cấp ẩm. Các chất cấp ẩm phổ biến thường gặp trong toner gồm có aloe vera (lô hội), glycerin, hyaluronic acid, các chiết xuất thực vật, fatty acids, squalane oil, vitamin E, butylene glycol, panthenol (vitamin B5) (thấy quen không, chính là các thành phần cấp ẩm trong kem dưỡng da đó!). Toner cấp ẩm có thể được sử dụng theo các cách sáng tạo khác nhau như vỗ thành nhiều lớp (7 skin method) hoặc nhúng với giấy bông rồi đắp lên mặt như mặt nạ (lotion mask).

Lí do được giải thích tại sao cần phải cấp ẩm cho da sau khi rửa mặt xong đơn giản là vì sau khi rửa mặt da sẽ khô. Điều này rất hợp lý cho tới khi chúng ta so sánh công dụng của toner và kem dưỡng da, cả hai sản phẩm này đều có tác dụng là dưỡng ẩm. Vậy thì nếu đã có kem dưỡng rồi, tại sao lại phải cần thêm toner làm gì? Toner cấp ẩm thường có dạng khá lỏng nhẹ, dễ bị bay hơi mất khi áp dụng lên da. Ngược lại, độ ẩm mà kem dưỡng đem lại cho da ổn định hơn do chúng có chứa chất khoá ẩm (occlusive). Trừ khi da quá khô, vỗ toner lên mặt chỉ để cấp ẩm có chăng hơi thừa khi ta đã có kem dưỡng?

Đọc thêm: Sự thật về kem dưỡng da

Astringent (làm sạch và se khít lỗ chân lông)

Công dụng giúp làm da sạch hơn và se khít lỗ chân lông cũng là một thông tin về toner mà ta nghe nhiều. Các loại toner có khả năng làm được điều này trong thành phần thường chứa cồn hoặc chiết xuất hạt phỉ (witch hazel).

(Từ astringent dịch đúng ra là làm se da, tuy nhiên, đa phần các chuyên gia khi nhắc tới astringent đều ám chỉ dung dịch cồn làm sạch da sau khi rửa mặt.)

Làm sạch

Nói về khả năng làm sạch, tại sao chúng ta cần thêm một bước làm sạch nữa sau khi cleansing? Câu trả lời sau đây sẽ đúng xuất sắc và nhận được các tràng pháo tay đen đét nếu bạn đang sống ở thế kỉ trước: Ở thời gian này, cấu tạo của các loại sữa rửa mặt chứa khá nhiều surfactant, một yếu tố tẩy rửa chất béo hiệu quả nhưng gây khô da và âm thầm phá hoại lớp màng acid béo. Cách tốt nhất để hút hết surfactant ra khỏi da là dùng cồn. Bên cạnh đó, cồn hay chiết xuất hạt phỉ còn tạo cho da cảm giác khô thoáng, không dớp dính.

Tuy vậy, mặt trái của cồn thì hầu như ai cũng biết, vừa gây khô, vừa khiến da bị kích ứng và để lại các tác động không tốt về lâu dài. Chiết xuất hạt phỉ tưởng chừng ngây thơ vô tội nhưng thực ra cũng đem lại các tác động xấu tương tự nếu tannins trong chiết xuất phỉ không được xử lí đúng cách 5. Bên cạnh đó, ở thời hiện tại, công thức các loại sữa rửa mặt đã được cải tiến nhẹ dịu hơn rất nhiều, không còn chứa quá nhiều bọt xà phòng như trước. Do đó, vai trò của astringent cũng dần mất chỗ đứng trên thị trường.

Đọc thêm: skin barrier – loại mỹ phẩm xịn nhất quả đất

Se khít lỗ chân lông, giúp da thẩm thấu dưỡng chất

Lỗ chân lông của mỗi người có kích thước cố định, không thể mở ra hay đóng vào 6 nên thông tin loại mỹ phẩm này kia có tác dụng se khít lỗ chân lông có tính chất sai lệch; có chăng thì chúng chỉ làm da se lại mà đây là phản ứng bình thường của da khi tiếp xúc với nhiệt độ thấp. Bên cạnh đó, nếu cứ tạm cho việc sử dụng toner giúp ‘đóng lỗ chân lông’ đi chăng nữa thì việc quảng bá công dụng kèm theo của nó là giúp da thẩm thấu dưỡng chất tốt hơn trở nên rất phi logic. Nếu muốn tăng độ thẩm thấu các thành phần thì lẽ ra lỗ chân lông phải ‘mở’ mới hấp thụ được chứ, sao lại ‘đóng’?!?

Cân bằng độ pH

Đưa trạng thái pH của da về mức vốn có sau khi rửa mặt có lẽ là tác dụng hợp lí hơn cả của toner. Bình thường, sau khi cleansing, độ pH trên da sẽ tăng lên và trở lại mức bình thường (4.2 đến 5.6) sau vài giờ đồng hồ 7. Việc ‘cân bằng pH’ mặc dù không chính xác về mặt từ ngữ lắm nhưng được hiểu chung là đưa môi trường trên da về khoảng pH này.

Sử dụng các loại toner được cấu tạo hợp lí có thể giúp nhanh chóng phục hồi môi trường trên da, đem lại hai tác dụng chính: Một là giúp da khoẻ mạnh, hai là hỗ trợ phát huy tác dụng cho một số loại hoạt chất khác trong các khâu chăm sóc da sau vì một số thành phần chỉ có thể hoạt động tốt trong môi trường pH thấp (ví dụ như salicylic acid).

Tuy vậy, nếu bạn đang sử dụng một loại sữa rửa mặt có nồng độ pH thấp thì môi trường của da sẽ không bị biến động quá nhiều và việc dùng toner cho mục đích cân bằng là không thực sự cần thiết.

Toner chứa acid

Acid toner đang khá được ưa chuộng trong thời gian gần đây, nhất là toner có chứa các loại AHA (alpha hydroxy acid) như glycolic acid, lactic acid, malic acid (giấm táo). AHA ở nồng độ thấp dưới 10% có tác dụng tẩy da chết nhẹ nhàng, đồng thời là một chất cấp ẩm tự nhiên, khi được pha loãng trong dung dịch toner sẽ đạt được nhiều tác dụng, vừa giúp làm sạch, làm ẩm, phục hồi độ pH, vừa đem lại các hiệu quả nhất định trong điều trị mụn.

Khác với acid dưới dạng serum, acid toner loãng hơn và có thể được sử dụng hàng ngày. Tuy vậy, việc tẩy da chết thường xuyên có thể sẽ là quá nhiều nên đối với những người sở hữu làn da nhạy cảm tần suất sử dụng có thể giảm đi, áp dụng ngày cách ngày.

Đọc thêm: AHA – Giải pháp cho da sạch mịn, sáng bóng

Toner chứa vitamin C

Ngoài acid và hyaluronic acid, một loại hoạt chất khác ít phổ biến hơn xuất hiện trong toner là vitamin C với công dụng được quảng cáo là chống lão hoá, cải thiện nếp nhăn và làm sáng da. Tuy vậy, giá của các loại toner này rẻ hơn tương đối với các loại serum vitamin C chuyên dụng thông thường nên mình hơi nghi ngờ về hiệu quả của chúng.

Toner chứa vitamin C

Quan điểm trái chiều giữa các chuyên gia

Các bác sĩ về da liễu vốn có chuyên môn trong việc khắc phục các triệu chứng, vấn đề của da thường không đánh giá cao vai trò của toner trong chu trình skincare hàng ngày. Đối với họ, toner khá thừa thãi và không đem lại hiệu quả gì đặc biệt ngoài astringent, một số các chuyên gia khác trong đó có cả những nhà hoá học mỹ phẩm cũng ủng hộ quan điểm này. Trong khi các nhãn hàng quảng cáo rộng rãi toner như một sản phẩm ‘không thể thiếu’, các văn bản học thuật gần như không đả động gì tới khâu toning như một bước đệm hỗ trợ cho các bước chăm sóc da khác.

“Theo ý kiến của tôi, không cần thiết phải sử dụng toner. Lí do tại sao chúng ta dùng nó giống như một sự truyền tụng từ mẹ sang con, từ chuyên gia thẩm mỹ sang khách hàng của họ: Bạn cần phải rửa mặt, tẩy da chết, tone, dùng kem dưỡng, dùng kem dưỡng mắt, dùng kem chống nắng, vân vân. Từ góc độ khoa học, chúng ta biết được có những hoạt chất, ví dụ như vitamin A, vitamin C được nghiên cứu ủng hộ chứng minh về tác dụng. Nếu bạn thích dùng toner thì cứ dùng, nhưng nếu bạn thực sự muốn dùng vì một lí do thì bạn sẽ muốn cân nhắc thay thế nó bằng một loại hoạt chất nào đó.”

Dr Davin Lim 8

 

“Mặc dù toners là không cần thiết cho bạn, một số người da dầu thích cảm giác tươi mới trên da. Bạn có thể sử dụng toner sau khi làm sạch da.”

Leslie Baumann, MD 9

 

“Toning thường được rao bán như một bước thiết yếu trong một chu trình chăm sóc da. Thực ra thì không phải vậy, hoặc ít nhất không phải lúc nào cũng vậy. Ngoại lệ duy nhất là da dầu. Nếu bạn cảm thấy da của mình vẫn bóng nhẫy sau khi rửa mặt xong, sử dụng toner (astringent) có thể đem lại lợi ích. Còn không thì nó đem lại hại nhiều hơn lợi.”

Dr Dotorov 10

 

“Trừ khi bạn có làn da rất bóng dầu cần được khắc phục, đừng lo lắng quá về việc sử dụng toner cân bằng pH.”

The beauty brains authors (Perry Romanowski and Randy Schueller, cosmetic chemists) 11

 

“Không cần thiết phải sử dụng toner trừ khi nó là dạng treatment có chứa giả sử AHA hoặc BHA. Một số nhãn hàng quảng cáo toner giúp da mềm mịn nhưng tôi nghĩ đó là chiêu trò marketing. Một vài loại toners đúng là giúp làm cân bằng pH, nhưng việc sử dụng sản phẩm sữa rửa mặt có độ pH hợp lí cũng có thể làm được điều tương tự rồi”

Blog skinacea 12

 

Tuy vậy, các beauty blogger và chuyên gia thẩm mỹ thì lại tôn vinh tầm quan trọng của toner nhiều hơn. Một nhóm khác giữ thái độ trung lập: dùng thì tốt còn không dùng cũng không sao

“Ngày nay, hầu hết các loại sữa rửa mặt đều có tính acid. Bởi vậy về mặt kĩ thuật mà nói, toner là không cần thiết. Nhưng đây có thể là một bước đệm tiện lợi. Việc bạn sử dụng toner thế nào phụ thuộc vào mục đích của bạn”

Michelle from Lab Muffin 13

 

“Toner là bước đầu tiên mà bạn sử dụng sau khi rửa mặt vì nó giúp phục hồi độ ẩm sau quá trình cleansing. Nó đồng thời giúp da mềm và chuẩn bị cho việc hấp thụ tốt hơn các dưỡng chất tuyệt vời sau đó.”

Youtuber Gothamista 14

 

“Nếu bạn có làn da thiếu nước, khô hạn và muốn chiến đấu lại bằng việc apply lớp kem dưỡng dày, nặng, da bạn sẽ không thể nào hấp thụ hết đống độ ẩm đó trong một lần. Thay vào đó, việc áp nhiều lớp toner lên mặt sẽ dễ dàng khiến da hấp thụ độ ẩm hơn.”

Youtuber Liah Yoo 15

 

“Khi áp dụng toner lên da, nó sẽ giúp cung cấp độ ẩm cho da trước khi sử dụng serum hay kem dưỡng; tẩy rửa các khoáng chất còn lại trên da sau khi rửa mặt; cân bằng độ pH trên da; cải thiện kết quả của quá trình dưỡng da và hỗ trợ lớp màng bảo vệ da”

Renée Rouleau blog 16

Kết luận: toner có thực sự cần thiết ?

Hy vọng là bài viết trên của mình đã giúp các bạn có được cái nhìn đa chiều về toner cũng như vai trò của nó trong quá trình chăm sóc da, và có lẽ bạn cũng đã có cho mình câu trả lời là việc sử dụng toner có thực sự cần thiết cho bản thân hay không.

Nhìn tổng thể thì toner không phải là một sản phẩm quá thiết yếu như các nhãn hàng hay ca tụng, đúng ra thì nó không đem lại những hiệu quả rõ rệt trên da như các bước chăm sóc da khác. Ba loại toner có tác dụng thực tế nhất theo mình là astringent, acid toner và hydrating toner (toner cấp ẩm), việc lựa chọn loại toner phù hợp sẽ phụ thuộc vào mục đích của bạn. Trong trường hợp chi phí cho skincare của bạn không quá dư giả hoặc bạn muốn hướng đến skincare tối giản thì hãy đầu tư vào các sản phẩm khác thiết yếu hơn.

Nguồn tham khảo

  1. Cosmeticsandskin.com. (2018). Cosmetics and Skin: Skin Tonics, Astringents and Toners. [online] Available at: http://www.cosmeticsandskin.com/bcb/skin-tonics.php [Accessed 21 Jul. 2018].
  2. Expert Skin Advice from Renee Rouleau. (2018). Why Liquid Acid Toners Might be Harming Your Skin. [online] Available at: http://blog.reneerouleau.com/is-using-a-liquid-acid-toner-the-best-way-to-exfoliate-my-skin/ [Accessed 21 Jul. 2018].
  3. Expert Skin Advice from Renee Rouleau. (2018). Why Liquid Acid Toners Might be Harming Your Skin. [online] Available at: http://blog.reneerouleau.com/is-using-a-liquid-acid-toner-the-best-way-to-exfoliate-my-skin/ [Accessed 21 Jul. 2018].
  4. Expert Skin Advice from Renee Rouleau. (2018). Why Liquid Acid Toners Might be Harming Your Skin. [online] Available at: http://blog.reneerouleau.com/is-using-a-liquid-acid-toner-the-best-way-to-exfoliate-my-skin/ [Accessed 21 Jul. 2018].
  5. Paulaschoice.com. (2018). Is Witch Hazel Good for Skin? | Paula’s Choice. [online] Available at: https://www.paulaschoice.com/expert-advice/skincare-advice/natural-skincare/is-witch-hazel-good-for-skin.html [Accessed 21 Jul. 2018].
  6. The Derm Blog. (2018). Can You Shrink The Size of Your Pores?. [online] Available at: http://thedermblog.com/2013/07/18/can-you-shrink-the-size-of-your-pores/ [Accessed 21 Jul. 2018].
  7. Takagi, Y., Kaneda, K., Miyaki, M., Matsuo, K., Kawada, H. and Hosokawa, H. (2014). The long-term use of soap does not affect the pH-maintenance mechanism of human skin. Skin Research and Technology, 21(2), pp.144-148.
  8. Lim, D. (2018). SKIN CARE TIPS – 3 products you do NOT need. [online] YouTube. Available at: https://www.youtube.com/watch?v=ORYlpquDfM4&t=420s [Accessed 21 Jul. 2018].
  9. Baumann, Leslie. The Skin Type Solution: Are You Certain That You Are Using the Optimal Skin Care Products? Revised and Updated (p. 54). Random House Publishing Group.
  10. Smartskincare.com. (2018). Basic steps of facial skin care routine: Toning. [online] Available at: http://www.smartskincare.com/skincarebasics/basictoning.html [Accessed 21 Jul. 2018].
  11. Thebeautybrains.com. (2018). What’s the difference between skin toners and astringents?. [online] Available at: http://thebeautybrains.com/2008/07/whats-the-difference-between-skin-toners-and-astringents/ [Accessed 21 Jul. 2018].
  12. Skinacea.com. (2018). G8. Do I need to use toner? | Skinacea.com. [online] Available at: https://skinacea.com/faq/general/g08-need-toner.html [Accessed 21 Jul. 2018].
  13. Lab Muffin Beauty Science. (2018). Reader question: How should I use toner? – Lab Muffin Beauty Science. [online] Available at: https://labmuffin.com/reader-question-how-should-i-use-toner/ [Accessed 21 Jul. 2018].
  14. YouTube. (2018). Toners, Essences & Lotions – What Are They? | My Fave Picks. [online] Available at: https://www.youtube.com/watch?v=2RL66d0-O2A&t=16s [Accessed 21 Jul. 2018].
  15. Yoo, L. (2018). Korean Skincare Secrets : LAYERING TONER 7 TIMES?! 🌊 The 7 Skin Method Explained. [online] YouTube. Available at: https://www.youtube.com/watch?v=8MOjkgfGax0 [Accessed 21 Jul. 2018].
  16. Expert Skin Advice from Renee Rouleau. (2018). 5 Reasons Why You Need to Use a Toner – Renée Rouleau. [online] Available at: http://blog.reneerouleau.com/5-reasons-why-you-need-to-use-a-toner/ [Accessed 21 Jul. 2018].