Ước mơ làn da sạch mụn không còn là mơ ước nếu bạn biết dùng BHA đúng cách

Mặc dù không phải là hoạt chất được nhiều công trình khoa học thực chứng như Alpha Hydroxy Acid (AHA), Beta Hydroxy Acid (BHA) lại nổi tiếng hơn với công dụng trị mụn. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu về cách mà BHA hoạt động cũng như làm sao để đưa BHA vào chu trình skincare một cách hiệu quả nhất.

BHA là gì?

BHA có tên đầy đủ là Beta Hydroxy Acid hay còn gọi là Salicylic Acid (mình sẽ sử dụng 2 cái tên này thay thế lẫn nhau) là một loại acid được chiết xuất từ thực vật có đặc tính tan trong dầu.

Khi nói đến tác dụng tẩy tế bào chết, BHA thường hay được nhắc đến cùng với AHA (Alpha Hydroxy Acid). Nếu AHA giúp làm sạch da chết ở bề mặt ngoài thì BHA có thể len lỏi vào các tầng sâu trong da, hoà tan dầu thừa, cặn bẩn, đem lại hiệu quả làm sạch toàn diện từ trong ra ngoài.

Lợi ích của BHA

Sử dụng BHA đem lại các lợi ích chính:

  • Tẩy da chết: BHA bóc tách các tế bào da chết thông qua việc pha loãng chất hồ kết dính chúng
  • Làm sạch da sâu: Vì tan được trong dầu và có cấu trúc phân tử nhỏ, BHA dễ dàng len lỏi vào sâu trong da để hoà tan chất bẩn. Khả năng làm sạch sâu này khiến BHA trở nên khác biệt so với các hoạt chất khác
  • Trị mụnSalicylic acid được biết đến với khả năng chống sưng phù (là một dạng của aspirin) và giải quyết các vấn đề về mụn nên sẽ không ngạc nhiên nếu các bạn có thể tìm thấy thành phần này trong các loại thuốc hoặc mỹ phẩm dành cho da mụn. Mỗi khi da bị nổi mụn ở khu vực nào, mình thường chấm một ít BHA lên khu vực đó vào mỗi sáng và tối, mụn sẽ xẹp khá nhanh và sau khoảng 3 ngày thì biến mất.
  • Làm đều màu, sáng da, giảm nếp nhăn: Do tác dụng hỗ trợ quá trình sừng hoá mà việc sử dụng Salycilic acid lâu dài có tác dụng gián tiếp giúp cải thiện tông da, mờ vết thâm mụn, thậm chí mờ vết nhăn, giúp cải thiện kết cấu và sắc tố da.
  • Cải thiện quá trình sinh học trên da thông qua việc thúc đẩy quá trình phân bào

Tác dụng phụ của BHA

Làm da nhạy cảm

Mặc dù Salicylic acid khá nhẹ nhàng nhưng không phải làn da nào cũng thích ứng tốt với nó ngay, đối với một số người, sử dụng BHA trong thời gian đầu có thể tạo một cảm giác châm chích, ngứa rát, da hơi xót, có thể nổi mẩn đỏ và nhạy cảm hơn.

Đẩy mụn

Hiện tượng đẩy mụn (purging) cũng diễn ra một cách khá phổ biến. Ban đầu, bạn sẽ thấy da mình thậm chí còn lên nhiều mụn hơn nhưng sau một thời gian da sẽ dần trở nên sạch sẽ (Riêng mình thì không gặp phải hiện tượng đẩy mụn khi dùng BHA).

Có thể gây khô da

Một trong những nhược điểm nữa của Salicylic acid là có thể làm khô da. Điều này thì mình chưa bới ra được nghiên cứu khoa học nào để ủng hộ mà đúc kết ra từ kinh nghiệm sử dụng của chính bản thân cũng như nhận xét của một số các chuyên gia về skincare 1. Cũng chính bởi thế mà các bạn da khô hoặc da nhạy cảm nên cân nhắc thận trọng hơn trong việc dùng BHA và dù gì thì bạn cũng cần phải làm thân với một lọ kem hoặc dầu dưỡng ẩm tốt khi đã quyết định đưa BHA vào routine của mình.

BHA có làm da mẫn cảm với ánh nắng?

Có một thông tin cho rằng BHA làm tăng độ nhạy cảm của da với ánh sáng mặt trời. Thậm chí trong hướng dẫn sử dụng của các loại sản phẩm chứa chất này các nhãn hàng cũng khuyến cáo người dùng cần cẩn trọng hơn trong việc chống nắng khi sử dụng BHA. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mà mình tìm được so sánh việc sử dụng glycolic acid (10%) và salicylic acid (2%) cùng với các nhân tố điều chỉnh khác trên 14 người trong 3.5 tuần, kết quả chỉ ra việc sử dụng salicylic acid không làm tăng sự nhạy cảm của da với tia UV 2.

Thậm chí, BHA còn được cho là có khả năng chống nắng nhẹ do có cấu tạo vòng benzen, tương tự với các thành phần trong kem chống nắng hoá học khác như oxybenzone, avobenzone hay octisalate.

Cấu tạo của Oxybenzone và Salicylic Acid

Cấu tạo của Oxybenzone (trái) và Salicylic Acid (phải)

Tuy vậy, việc dùng kem chống nắng vẫn là bắt buộc để bảo vệ làn da vậy nên có dùng Salicylic Acid hay không thì bạn vẫn phải kiên trì bôi kem chống nắng khi đi ra ngoài nhé.

Lựa chọn và sử dụng BHA

Có những điều sau bạn cần lưu ý khi đưa Salicylic Acid vào quá trình skincare của mình.

  • Môi trường: BHA dễ dàng hấp thụ ở môi trường có độ pH thấp (cũng như các loại acid khác) 3. Độ pH của sản phẩm càng cao thì hiệu quả phát huy càng chậm dần lại 4
  • Nồng độ: Nồng độ thích hợp của BHA để dùng trên da là từ 1 đến 2%. Nếu cảm thấy da mình quá yếu và nhạy cảm, bạn có thể bắt đầu với loại có nồng độ thấp rồi từ từ tăng dần lên loại nồng độ cao hơn.
  • Tần suất sử dụng: Mặc dù nhiều loại BHA có hướng dẫn sử dụng ở trên vỏ bao bì là sử dụng cho cả buổi sáng và tối, tuy nhiên theo mình thì ban đầu bạn chỉ nên dùng từ một đến ba lần một tuần, có thể từ từ tăng lên đến dùng hàng ngày nếu không thấy da mình có triệu chứng đẩy mụn hoặc phản ứng quá dữ dội. Thông thường mình cũng chỉ dùng BHA cho toàn mặt 2 lần một tuần. Nếu mụn có xuất hiện, có thể chấm Salicylic Acid lên vết mụn hàng ngày cho đến khi mụn thuyên giảm.
  • Thứ tự dùngBHA được dùng sau khâu làm sạch và trước khâu dưỡng ẩm.

Dưới đây là một số sản phẩm tham khảo có giá và chất lượng tốt:

Kết luận

Tóm gọn lại, tác dụng của BHA tuy có nhiều nhưng các bạn chỉ cần nhớ công dụng quan trọng nhất là thẩm thấu sâu giúp làm sạch da từ bên trong là được. Vì sự nhẹ nhàng của BHA nên mình nghĩ nó là một loại sản phẩm rất đáng thử. Nếu như bạn chưa sử dụng tẩy da chết hoá học bao giờ, Salicylic Acid đồng thời là một lựa chọn khởi đầu hợp lí để giúp da bạn đưa dần Acid vào skincare routine của mình.

Đọc thêm: AHA – Giải pháp cho da sạch mịn, sáng bóng

Đọc thêm: Tẩy da chết sinh học bằng enzyme

Nguồn tham khảo

  1. Annmarie Skin Care. (2018). Salicylic Acid—It May Dry and Thin Your Skin. [online] Available at: https://www.annmariegianni.com/ingredient-watch-list-salicylic-acid-it-may-dry-and-thin-your-skin/ [Accessed 17 May 2018].
  2. Kornhauser, A., Wei, R., Yamaguchi, Y., Coelho, S., Kaidbey, K., Barton, C., Takahashi, K., Beer, J., Miller, S. and Hearing, V. (2009). The effects of topically applied glycolic acid and salicylic acid on ultraviolet radiation-induced erythema, DNA damage and sunburn cell formation in human skin. Journal of Dermatological Science, 55(1), pp.10-17.
  3. Pubchem.ncbi.nlm.nih.gov. (2018). Salicylic acid. [online] Available at: https://pubchem.ncbi.nlm.nih.gov/compound/salicylic_acid#section=Non-Human-Toxicity-Excerpts [Accessed 17 May 2018].
  4. Schmid-Wendtner, M. and Korting, H. (2006). The pH of the Skin Surface and Its Impact on the Barrier Function. Skin Pharmacology and Physiology, 19(6), pp.296-302.