Kem dưỡng da (moisturizer) là gì và khi nào thì cần sử dụng kem dưỡng?

Kem dưỡng da (moisturizer) hay bước dưỡng da nói chung ngày nay là một phần không thể thiếu trong công đoạn chăm sóc da hàng ngày của hầu hết mọi người. Truyền thông luôn tung hô tầm quan trọng của kem dưỡng, thậm chí có một beauty blogger nổi tiếng đã từng nói rằng bất cứ loại da gì cũng phải dùng dưỡng kể cả da dầu. Lọ kem nhỏ bé dần dần trở thành nhân vật chính trong các sản phẩm skincare. Chúng ta sử dụng hết từ hũ này đến hũ khác với chi phí cho khâu dưỡng ẩm là không hề rẻ nhưng đã bao giờ bạn lật lại vấn đề và tự hỏi mình về công dụng cốt yếu của kem dưỡng là gì hay chưa? Liệu việc sử dụng kem dưỡng có thực sự thiết yếu như bạn nghĩ?

Kem dưỡng da là gì

 

Tác dụng của kem dưỡng

Tác dụng dưỡng ẩm

Đúng như tên gọi, kem dưỡng được tạo ra với mục đích nguyên thuỷ là để dưỡng ẩm cho làn da. Các bác sĩ da liễu coi các sản phẩm dưỡng như biện pháp thay thế lớp dầu tự nhiên, cải thiện độ ẩm và các dấu hiệu khô da. Khi da khô, quá trình sừng hoá trên da sẽ gặp trục trặc làm bề mặt sần sùi, thô ráp, lỗ chân lông bít tắc hình thành mụn, ngoài ra nhiều nếp nhăn còn xuất hiện gây lão hoá sớm. Kem dưỡng có tác dụng tăng cường hấp thụ nước, đồng thời phủ trên da một lớp màng đặc gọi là occlusive, vừa phục hồi độ ẩm, vừa bảo toàn ngăn không cho độ ẩm thoát vào không khí. Kết quả là giúp khắc phục được vấn đề da khô, đưa trạng thái da trở về bình thường 1.

Đọc thêm: Thế nào là da mất nước?

Các tác dụng khác

Trải qua nhiều năm tiến hoá, một số loại kem đã được nâng cấp thêm một số chức năng mới bên cạnh dưỡng ẩm, tiêu biểu là chức năng trị mụn, chống lão hoá, ngoài ra còn được đính kèm thêm khả năng chống nắng. Nhưng công dụng chính của kem dưỡng thì vẫn là cung cấp và phục hồi độ ẩm, đó là lí do nó vẫn được gọi là ‘moisturizer’ chứ không phải cái tên nào khác.

Cấu tạo của kem dưỡng

Để phục vụ cho mục đích chính là dưỡng ẩm cho da, kem dưỡng có ba nhân tố chính là chất cấp ẩm (humectants), chất khoá ẩm (occlusive) và chất làm mềm (emollients), không có các thành phần này thì sản phẩm sẽ không phải là kem dưỡng. Ngoài ra trong kem dưỡng còn có một vài chất khác như chất bảo quản (preservative), nhũ hoá (emulsifier), hương liệu tạo mùi (fragrance) 2.

Chất cấp ẩm (humectant)

Chất cấp ẩm trong kem dưỡng giúp tăng cường độ ẩm cho da thông qua việc hấp thụ nước từ môi trường hoặc đưa nước từ tầng trung bì (dermis) làm ẩm cho tầng thượng bì (epidermis).

Một số chất cấp ẩm phổ biến bao gồm: glycerin (phổ biến nhất), gelatin, mật ong, hyaluronic acid, panthenol, propylene glycol, sodium lactate, ammonium lactate, sodium pyrrolidone carboxylic acid, sorbitol, urea

Chất khoá ẩm (occlusive)

Chất khoá ẩm có tác dụng ngăn chặn hiện tượng mất hơi nước bề mặt thông qua việc hình thành một lớp màng không ưa nước (hydrophobic barrier) trên bề mặt da. Lớp màng này thường có đặc tính đặc, nhớt, đôi khi có mùi và gây kích ứng

Một số thành phần khoá ẩm thông dụng bao gồm: Các acid béo như lanolin acid, stearic acid, các cồn béo như cetyl alcohol, lanolin alcohol, stearyl alcohol, các loại dầu sáp như capric triglyceride, mineral oil, paraffin, petrolatum, các dẫn xuất silicone (cyclomethicone, dimethicone), squalene, ngoài ra còn có propylene glycol, cholesterol, các loại sáp như sáp ong, lanolin, stearyl stearate, candelilla, carnauba

Chất làm mềm (emollients)

Chất làm mềm trong kem dưỡng chủ yếu bao gồm các chất béo như lipid hay dầu. Các chất này lấp đầy các khoảng trống giữa các tế bào da biểu bì từ đó giúp cải thiện độ linh hoạt, làm mềm mịn da. Chất làm mềm cũng phần nào cũng có công dụng khoá ẩm, đặc biệt khi được apply lớp dày.

Một số chất làm mềm thông dụng gồm có: Cyclomethicone, dimethicone, isopropyl myristate, octyl octanoate; các chất làm mềm khô: Decyl oleate, isopropyl palmitate, isostearyl alcohol; các chất làm mềm từ chất béo: Castor oil, glyceryl stearate, jojoba oil, octyl stearate, propylene glycol

Cấu tạo kem dưỡng da

Cấu tạo kem dưỡng da: chất hút ẩm giúp kéo độ ẩm từ môi trường và tầng dưới da lên bề mặt. Chất khoá ẩm giúp chặn nước bốc hơi còn chất làm mềm giúp tăng độ đàn hồi cho da

Kem dưỡng và cơ chế dưỡng ẩm tự nhiên của da

Đọc công dụng của kem dưỡng có lẽ ai cũng sẽ thốt lên ngay là ‘ôi tôi cũng cần một lọ’’. Tuy nhiên, bạn có biết rằng bản thân da của chúng ta đã tồn tại hai cơ chế giúp bảo tồn độ ẩm tự nhiên cực xịn không thua kém gì kem dưỡng hay không?

Cơ chế thứ nhất là nhân tố dưỡng ẩm tự nhiên (natural moisturizing factor – NMF), bao gồm các amino acid và các loại muối như lactates, urea, muối điện phân (electrolytes) có chức năng hấp thụ nước từ tầng dưới của da và từ môi trường để làm ẩm cho tầng trên của da. Cơ chế thứ hai là lớp màng lipid bao gồm các acid béo, ceramide và cholesterol, có tác dụng len lỏi vào các tế bào da tạo ra một lá chắn bảo vệ ngăn chặn sự thất thoát nước trên bề mặt (transepidermal water loss – TEWL) 3.

Cơ chế làm ẩm tự nhiên của da

Cơ chế làm ẩm tự nhiên của da: NMF hút ẩm từ tầng dưới da lầm ẩm cho bề mặt còn lớp màng lipid giúp ngăn chặn nước bốc hơi

Khi da không gặp trục trặc và thực hiện một cách đầy đủ các chức năng tự nhiên của mình, cộng thêm việc môi trường có dư thừa độ ẩm như ở Việt Nam, hiện tượng mất nước trên da sẽ gần như không bị diễn ra, da sẽ không cần cầu cứu đến sự giúp đỡ của kem dưỡng. Các bạn có thể thấy các thị trường rất phát triển sản phẩm kem dưỡng da thường là nơi có độ ẩm không khí tương đối thấp như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu.

Đọc thêm: skin barrier – loại mỹ phẩm xịn nhất quả đất

Những điều kem dưỡng không làm được

Các bác sĩ da liễu thường nhìn vào kem dưỡng như một biện pháp khắc phục triệu chứng khô da (xerosis). Tuy nhiên, hiện nay với các cách truyền thông một cách rầm rộ thiếu kiểm chứng khiến công dụng của kem dưỡng ít nhiều bị phóng đại quá xa so với tác dụng thực sự của nó.

Kem dưỡng không điều chỉnh được lượng dầu trên da dầu

Với công dụng nguyên bản của kem dưỡng là để phục hồi độ ẩm cho da khô, có thể thấy đối với đa phần da dầu, khi độ ẩm trên da không phải là vấn đề lớn thì việc sử dụng kem dưỡng là không thực sự cần thiết 4 5. Việc bôi một lớp dưỡng lên mặt ngoài việc làm mặt bạn thêm bóng nhẫy hoàn toàn không có tác dụng gì trong việc kiểm soát lượng dầu trên da cả. Một nghiên cứu về thành phần của 52 loại kem dưỡng phổ biến trên thị trường cho thấy hầu hết chúng không có chứa thành phần nào liên quan đến việc kiểm soát dầu nhờn, ngoại trừ một số loại có chứa licochalcone A (chiết xuất cây cam thảo) 6.

Có một cái tương truyền rất vĩ đại mà trước đây mình cũng tin sái cổ là sự tiết dầu của da ảnh hưởng bởi hàm lượng nước trên da, da nào mà ít nước thì sẽ tiết thật nhiều dầu để duy trì độ ẩm, nên cách khắc phục là phải dùng kem dưỡng dạng gel cấp nước. Đây là thông tin được truyền đạt từ rất nhiều beauty blogger mà tuyệt nhiên là không ai trong số họ trích được nguồn cả. Mình đã dành hàng giờ đồng hồ để đọc đủ các thể loại nghiên cứu trong các thư viện online nhưng cũng chưa tìm thấy văn bản học thuật nào đề cập tới cơ chế này (Nếu bạn có tìm được thì hãy comment lại ngay xuống bài viết nhé, mình rất tha thiết muốn biết).

Bên cạnh đó, cũng có một lời đồn đại là da cảm nhận được hàm lượng dầu trên bề mặt để tiết ra lượng dầu tương ứng, nếu bề mặt đủ dầu rồi thì tuyến nhờn sẽ tạm ngưng hoạt động nên việc dùng dầu dưỡng hoặc kem dưỡng sẽ giúp ‘ra tín hiệu’ cho da thôi không tiết dầu nữa. Và thông tin này cũng tương tự cái trên, không có cơ sở khoa học nào chứng thực ngoại trừ một nghiên cứu khá cổ xưa được thực hiện năm 1974 với phương pháp lỏng lẻo và kết luận vội vàng không đáng tin cậy 7.

Hoạt động của tuyến dầu còn chưa hoàn toàn được làm rõ, nhưng với những dữ liệu chúng ta có ngày nay, có thể nói sự hoạt động này phụ thuộc vào các yếu tố bên trong cơ thể nhất là yếu tố gen 8 chứ gần như không bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài, đặc biệt là da chẳng sở hữu cơ chế nào để ‘cảm thụ độ ẩm’ mà tiết dầu nhiều lên hay ít đi 9. Lời khuyên tốt nhất để chăm sóc da dầu là hãy đầu tư vào khâu làm sạch thật kĩ, chứ không cần thiết phải đổ quá nhiều tiền vào các lọ kem dưỡng đắt đỏ làm gì nếu da bạn vốn không có nhu cầu về độ ẩm.

Đọc thêm: skincare cho da dầu

Kem dưỡng không phải là dung dịch chứa hoạt chất trị liệu (trị mụn, chống lão hoá, dưỡng trắng…) lí tưởng

Kem dưỡng thời nay thì không chỉ đơn thuần có công dụng dưỡng da nữa mà nhiều nhãn hàng đã khôn khéo lồng vào các hoạt chất (active ingredient) để dễ dàng quảng bá thêm các công dụng khác. Chiến lược này đặc biệt hiệu quả để tiếp thị sản phẩm trong các khu vực dư giả độ ẩm như vùng khí hậu nhiệt đới. Câu chuyện của người bán hàng sẽ là: “Bạn có thể không cần dưỡng ẩm nhưng bạn vẫn cần trị mụn và chống lão hoá chứ, vậy là bạn cần mua kem dưỡng của chúng tôi rồi”. Nghe cũng lọt tai nhỉ? Mình sẽ tranh luận kĩ hơn về quan điểm này để xem nó có thực sự hợp lí như vậy hay không.

Về một mặt, nếu nói việc sử dụng kem dưỡng hoàn toàn không có tác dụng gì trong việc chữa mụn, chống lão hoá, làm trắng da hay trị liệu nói chung là hơi oan cho các nhà sản xuất. Việc đưa một số hoạt chất như salicylic acid, benzoyl peroxide hay retinoids vào kem dưỡng được coi như một cách tiết chế bớt tác dụng của các hoạt chất này giúp chúng đỡ kích ứng với da hơn 10.

Tuy nhiên mặt khác, việc đưa các hoạt chất như BHA, retinoids, vitamin C hay thậm chí là hyaluronic acid (HA) vào kem dưỡng không phải là chuyện đơn giản. Ví dụ như salicylic acid đòi hỏi một môi trường pH hợp lí (2.98) mới có thể hoạt động tốt được 11, vitamin C thì rất dễ bị phân rã dưới tác động của môi trường 12, còn HA thì cần kết hợp nhiều loại phân tử có kích thước khác nhau đồng thời dung dịch đủ lỏng nhẹ để thẩm thấu tốt 13. Việc làm sao để cấu tạo ra một công thức chứa chỉ một hoạt chất để chúng phát huy công dụng hiệu quả không thôi đã là quá khó khăn rồi, đưa chúng vào một lọ kem dưỡng ẩm một cách thích hợp thực sự là điều mà rất ít nhà sản xuất làm được.

Phần lớn các sản phẩm trên thị trường đều không đủ năng lực để cam kết quá nhiều công dụng vừa dưỡng ẩm, vừa làm trắng, trị mụn hay chống lão hoá trong một hũ kem như thế. Và thay vì việc đi tìm cho mình một lọ kem dưỡng đa năng hoàn hảo với giá trên trời, bạn có thể lựa chọn các loại serum, treatment để điều trị riêng các vấn đề mà mình gặp phải với chi phí phải chăng hơn rất nhiều. Cách làm này không những tiết kiệm chi phí mà công dụng của sản phẩm cũng tập trung, việc sử dụng linh hoạt hơn. Chẳng hạn như nếu bạn muốn cải thiện tông da mà chưa có nhu cầu dưỡng ẩm thì chỉ dùng serum vitamin C, bao giờ thấy da khô thì bôi thêm một loại kem dưỡng bình thường bên ngoài; sẽ hợp lí hơn nhiều so với việc dùng 1 lọ kem dưỡng chứa vitamin C.

Đọc thêm: Tẩy da chết hoá học với BHA

Tác dụng chống lão hoá của kem dưỡng còn gây tranh cãi

Quả thực là đã có những thí nghiệm chứng minh sự cải thiện nếp nhăn khi sử dụng kem dưỡng 14, tuy nhiên đó có thể đơn thuần là công dụng của việc dưỡng ẩm bởi da đủ ẩm thì nếp nhăn sẽ ít hơn hẳn so với da khô 15. Đây là điều mà bất cứ loại kem mang tính dưỡng nào cũng làm được chứ không chỉ kem được cộp mác chống lão hoá.

Kem chống lão hoá

Kem chống lão hoá – Tác dụng còn gây tranh cãi

Nếu nhìn từ góc độ khoa học của việc chống lão hoá, các thành phần trong mỹ phẩm được chứng minh là thực sự có khả năng tăng cường khả năng phục hồi tế bào da được nhiều nghiên cứu ủng hộ chỉ quay quanh một số chất, trong đó tiêu biểu nhất có vitamin A (retinoids), vitamin C, vitamin E 16. Các chiết xuất từ thực vật như hạt nho, đậu nành, trà xanh, lô hội, tảo biển được cho là cũng có tác động trong việc chống oxy hoá nhưng chưa đủ dữ liệu để kết luận là có thực sự đem lại hiệu quả chống lão hoá không 17.

Một số sản phẩm dưỡng thậm chí còn đi xa hơn, cam kết có chứa collagen, keratin, elastin hoặc các protein thiết yếu khác, quảng cáo là để bổ sung các tế bào da giúp da phục hồi. Tuy nhiên chưa có bất cứ một nghiên cứu nào chứng minh việc đưa các phân tử này vào có hiệu quả cải thiện da cả 18.

Đọc thêm: Có nên sử dụng retinoids không?

Kết luận

Tóm lại, công dụng chủ yếu nhất của kem dưỡng là dùng để dưỡng da. Nếu bạn sở hữu làn da dầu, sống ở khu vực dư thừa độ ẩm như Việt Nam cộng với da không có dấu hiệu gì của việc mất nước thì việc dưỡng ẩm không quá quan trọng như bạn tưởng, thậm chí da sẽ dễ thở và nhẹ nhàng hơn nhiều khi lược bớt 1 lớp dưỡng. Bên cạnh đó, nếu muốn điều trị các vấn đề khác như cải thiện tông da, trị mụn, chống lão hoá, hãy đầu tư vào serum, các sản phẩm trị liệu tập trung chứ đừng tìm đến kem dưỡng đa năng, vừa tốn kém mà hiệu quả chưa chắc đã bằng.

Hy vọng bài viết này sẽ phần nào giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về các sản phẩm dưỡng để từ đó có những lựa chọn thông minh hơn, đáp ứng đúng và đủ hơn những gì mà da cần chứ không tốn kém quá nhiều tiền một cách vô ích vào những thứ không cần thiết.

Đọc thêm: Toner có thực sự cần thiết hay không

Nguồn tham khảo

SaveSave

SaveSave

SaveSave

SaveSave

SaveSave

SaveSave

SaveSave

  1. Charles, L. (2018). Moisturizers: What They Are And How They Work. [online] Skin Therapy Letter. Available at: http://www.skintherapyletter.com/dry-skin/how-moisturizers-work/ [Accessed 30 Jun. 2018].
  2. N. John, K. and Charles, L. (2018). Moisturizers: What They Are and a Practical Approach to Product Selection. [online] Skin Therapy Letter. Available at: http://www.skintherapyletter.com/dry-skin/moisturizers-selection/# [Accessed 30 Jun. 2018].
  3. N. John, K. and Charles, L. (2018). Moisturizers: What They Are and a Practical Approach to Product Selection. [online] Skin Therapy Letter. Available at: http://www.skintherapyletter.com/dry-skin/moisturizers-selection/# [Accessed 30 Jun. 2018].
  4. Baumann, Leslie. The Skin Type Solution: Are You Certain that You Are Using the Optimal Skin Care Products? Revised and Updated (p. 56). Random House Publishing Group.
  5. Todorov, G. (2018). Skin Care Basics: Oily skin. [online] Smartskincare.com. Available at: http://www.smartskincare.com/skincarebasics/oilyskin.html [Accessed 30 Jun. 2018].
  6. Chularojanamontri, L., Tuchinda, P., Kulthanan, K. and Pongparit, K. (2018). Moisturizers for Acne: What are their Constituents? : JCAD | The Journal of Clinical and Aesthetic Dermatology. [online] Jcadonline.com. Available at: http://jcadonline.com/moisturizers-for-acne-what-are-their-constituents/ [Accessed 30 Jun. 2018].
  7. Eberhardt, H. (1974). The regulation of sebum excretion in man. Archives for Dermatological Research, 251(2), pp.155-164.
  8. Một thí nghiệm về độ tiết dầu và tình trạng mụn so sánh trên các cặp song sinh và người bình thường cho thấy mức độ tiết dầu trên da của các cặp song sinh là gần như giống nhau trong khi có sự khác biệt lớn với người khác. Điều này có thể cho thấy mức độ tiết dầu phụ thuộc vào yếu tố gen – WALTON, S., WYATT, E. and CUNLIFFE, W. (1988). Genetic control of sebum excretion and acne—a twin study. British Journal of Dermatology, 118(3), pp.393-396.
  9. Lab Muffin Beauty Science. (2018). Do oils make your skin less oily? The myth of rebound oil – Lab Muffin Beauty Science. [online] Available at: https://labmuffin.com/moisturising-make-skin-produce-less-oil/ [Accessed 30 Jun. 2018].
  10. Chularojanamontri, L., Tuchinda, P., Kulthanan, K. and Pongparit, K. (2018). Moisturizers for Acne: What are their Constituents? : JCAD | The Journal of Clinical and Aesthetic Dermatology. [online] Jcadonline.com. Available at: http://jcadonline.com/moisturizers-for-acne-what-are-their-constituents/ [Accessed 30 Jun. 2018].
  11. Pubchem.ncbi.nlm.nih.gov. (2018). Salicylic acid. [online] Available at: https://pubchem.ncbi.nlm.nih.gov/compound/salicylic_acid#section=Non-Human-Toxicity-Excerpts [Accessed 17 May 2018].
  12. Lab Muffin Beauty Science. (2018). Why Vitamin C Can Stain Your Skin (and How to Avoid It!) – Lab Muffin Beauty Science. [online] Available at: https://labmuffin.com/vitamin-c-can-stain-skin-avoid/ [Accessed 30 Jun. 2018].
  13. Essendoubi, M., Gobinet, C., Reynaud, R., Angiboust, J., Manfait, M. and Piot, O. (2015). Human skin penetration of hyaluronic acid of different molecular weights as probed by Raman spectroscopy. Skin Research and Technology, 22(1), pp.55-62.
  14. A. Pinsky, M. (2018). Efficacy and Safety of an Anti-aging Technology for the Treatment of Facial Wrinkles and Skin Moisturization. JCAD Online Editor. [online] Available at: http://jcadonline.com/december-2017-anti-aging-technology/ [Accessed 1 Dec. 2017].
  15. Nolan, K. and Marmur, E. (2012). Moisturizers: Reality and the skin benefits. Dermatologic Therapy, 25(3), pp.229-233.
  16. HUANG, C. and MILLER, T. (2007). The truth about over-the-counter topical anti-aging products: A comprehensive review. Aesthetic Surgery Journal, 27(4), pp.402-412.
  17. HUANG, C. and MILLER, T. (2007). The truth about over-the-counter topical anti-aging products: A comprehensive review. Aesthetic Surgery Journal, 27(4), pp.402-412.
  18. N. John, K. and Charles, L. (2018). Moisturizers: What They Are and a Practical Approach to Product Selection. [online] Skin Therapy Letter. Available at: http://www.skintherapyletter.com/dry-skin/moisturizers-selection/# [Accessed 30 Jun. 2018].