Bạn có thể đã skincare được một thời gian đủ dài và có một danh sách tương đối các sản phẩm đã và đang sử dụng. Nhưng liệu bạn có biết rằng loại mỹ phẩm tuyệt vời nhất mà có bỏ tiền ra cũng không thể mua được chính là lớp màng acid béo luôn nằm chình ình trên làn da của mình hay không?

Có thể nói lớp rào chắn tự nhiên của da (skin barrier) là thành tố tiên quyết quyết định một làn da khoẻ. Lớp màng này được cấu thành chủ yếu từ các acid béo nên đôi khi vẫn được gọi là lớp màng acid béo hoặc lớp màng lipid. Đây là cơ chế chính của da giúp bảo vệ mình khỏi các tác động từ môi trường bên ngoài.

Khoa học rất phát triển và các hãng mỹ phẩm đã cho ra đời hàng loạt các sản phẩm với cam kết làm da đẹp lên nhưng có thể khẳng định là sẽ không có một loại mỹ phẩm nào có thể thay thế lớp màng bảo vệ này. Đáng tiếc thay, việc đánh giá thấp chính món quà tuyệt vời mà tự nhiên ban tặng đã khiến chúng ta đôi khi vô tình làm nó yếu đi bằng lối chăm sóc không hợp lý.

Lớp màng bảo vệ da (skin barrier) là gì?

Lớp rào chắn của da (skin barrier) là một lớp màng lipid được cấu tạo bởi hai thành phần chính là cholesteron và các acid béo 1, trong đó ceramides là loại acid béo chiếm tỉ trọng cao nhất (30 – 40%) 2.

Bạn có để ý da mình bao giờ cũng có một lớp dầu mỏng nhơn nhớt bao phủ bên ngoài không? chính là lớp màng bảo vệ da đấy. Nếu da quá khô, hoàn toàn không có độ bóng thì khả năng là bức tường lipid đang rơi vào tình trạng bị bào mòn, khiến da trở nên yếu, dễ gặp phải nhiều vấn đề khác nhau.

Hai thí nghiệm đơn giản dưới đây sẽ giúp bạn có thể hình dung rõ hơn vai trò của lớp màng acid béo trên da.

Chức năng bảo vệ da


Thí nghiệm trên dùng băng dính để can thiệp vào lớp màng acid béo bảo vệ ngoài da. Khi so sánh việc nhỏ dung dịch màu xanh lên vùng da thí nghiệm và vùng da bình thường, dễ thấy vùng da thí nghiệm thẩm thấu hầu hết dung dịch trong khi vùng da thường được màng lipid bao bọc ngăn không cho chất lỏng hấp thụ, chất lỏng chảy đi rất nhanh.

Lớp màng trên da hoạt động như một lá chắn bao bọc da khỏi các tác nhân môi trường, thậm chí có thể chống tia UV, chống oxy hoá và kháng sinh tự nhiên 3.

Khi sự bảo vệ này bị mất đi, da rất dễ bị xâm nhập bởi các yếu tố bên ngoài như bụi bẩn, vi khuẩn, các tác nhân gây ung thư như tia cực tím. Người có lớp màng phòng vệ yếu do vậy thường dễ xuất hiện mụn do viêm nhiễm, da dễ bị cháy nắng đồng thời gặp nhiều bệnh ngoài da hơn người bình thường.

Chức năng duy trì độ ẩm

Đây là một thí nghiệm khác giải thích khả năng ngăn ngừa mất nước của chất béo. Do dầu và nước không tan được vào nhau, dầu sẽ nổi lên trên ngăn nước bốc hơi.

Ở trên da, ceramides trong lớp màng lipid đóng vai trò tương tự, nó bao phủ mặt ngoài của da và duy trì độ ẩm, ngăn không cho nước bay hơi vào môi trường 4. Bởi vậy, khi da có hiện tượng khô hạn, điều đầu tiên mà bạn cần nghĩ đến là có thể lớp màng lipid đang bị hư hoại, không đủ khả năng giữ nước làm da trở nên kém đàn hồi, sần sùi, thô ráp.

Đọc thêm: Thế nào là da mất nước

Các nhân tố gây hại đến lớp màng bảo vệ da (skin barrier)

Giờ thì bạn đã hiểu lớp màng bảo vệ da quan trọng như thế nào rồi chứ? Cho dù bạn làm gì với da đi chăng nữa, nguyên tắc quan trọng bất di bất dịch luôn phải ghi nhớ là không được can thiệp quá nhiều đến lớp rào chắn lipid, nếu không về lâu dài da sẽ phải gánh chịu những hậu quả mà khó có biện pháp nào có thể cứu chữa được.

Sai lầm phổ biến nhất trong thói quen chăm sóc da hàng ngày gây ra sự phá hoại lớp màng acid béo chủ yếu đến từ việc làm sạch da quá cầu kì và sử dụng quá nhiều thành phần mạnh bạo với da.

Rửa mặt (cleansing) quá kĩ

Môi trường ở Việt Nam vốn rất ô nhiễm nên cũng dễ hiểu khi bạn cho rằng cleansing không đủ thì da sẽ không sạch. Tuy nhiên cleansing lại là nguyên nhân số một gây ra sự phá hoại lớp màng lipid bởi trong các sản phẩm sữa rửa mặt ít nhiều cũng có chứa surfactant. Đây là nhân tố giúp lấy đi bụi bẩn, dầu thừa nhưng cũng âm thầm phá quấy lớp màng acid béo. Kết quả của việc rửa mặt quá kỹ là dễ làm da khô yếu.

Bởi những lí do này, đối với người có lớp màng bảo vệ da yếu, da khô, da nhạy cảm, việc cleansing không nên diễn ra quá 2 lần một ngày. Nên rửa mặt bằng nước mát, đồng thời giảm thời gian tắm xuống dưới 10 phút, tránh để da tiếp xúc với nước quá lâu.

Da nhăn nheo sau khi ngâm nước

Lí do da trở nên nhăn nheo sau khi ngâm nước lâu là vì lớp màng bảo vệ da bị rửa trôi, da hấp thụ nước và trương phềnh

Da càng yếu, việc rửa mặt lại càng phải được tiến hành một cách nhẹ nhàng. Mình biết có rất nhiều beauty blogger review tốt về các loại máy rửa mặt nhưng sử dụng máy rửa mặt hay bàn chải rửa mặt dù là ở chế độ nhẹ nhất đều ít nhiều có khả năng tẩy da chết và gây ảnh hưởng đến lớp màng acid béo trên da 5. Bạn chỉ nên sử dụng máy một đến hai lần một tuần nếu da không khoẻ, thậm chí mát xa bằng tay kết hợp tẩy da chết vật lí thôi là cũng đã đủ để da sạch sẽ rồi.

Bạn cũng nên lựa chọn các sản phẩm có công thức surfactant nhẹ dịu không chứa Sodium Lauryl Sulfate (SLS), thường là các loại sữa rửa mặt ít tạo bọt xà phòng (soap), không gây cảm giác quá khô rít sau khi rửa xong. Vào buổi sáng thì chỉ nên sử dụng các loại sữa rửa mặt nhẹ nhàng dành cho da nhạy cảm hoặc rửa mặt với nước không nếu da không tiết quá nhiều dầu. Một số các giải pháp cleanser chứa ít surfactant có thể cân nhắc như micellar water, foam cleanser hoặc oil cleanser.

Sử dụng chất tiêu sừng chưa hợp lí

Chất tiêu sừng có tác dụng hỗ trợ quá trình sừng hoá và tẩy da chết. Bên cạnh các chất tẩy da chết hoá học quen thuộc như AHA (glycolic acid, malic acid, mandelic acid, lactic acid, …), BHA (salicylic acid), còn có dẫn xuất các loại vitamin A (retinoids) và vitamin C.

Tác hại thường thấy của việc đưa quá nhiều hoạt chất này vào quá trình chăm sóc da trong thời gian quá ngắn là khiến da không thích ứng kịp và gây ra các hậu quả xấu làm tổn thương lớp màng bảo vệ da. Đối với da yếu, bạn cần thận trọng trong việc đưa các active trên vào chu trình chăm sóc. Nếu có ý định sử dụng thì lời khuyên là hãy đưa thật từ từ, từng thành phần một, cách nhau tối thiểu 4 tuần. Trong trường hợp da yếu, không nên dùng quá 2 thành phần tiêu sừng 1 lúc. Giả sử nếu đã dùng AHA và BHA thì nên cắt retinoids và vitamin C, đợi da hồi phục đã rồi tính sau.

Khi dùng bạn cũng nên dùng từ nồng độ thấp đến nồng độ cao, từ tần suất ít đến nhiều. Một số bạn chưa dùng acid bao giờ đã peel da với AHA/BHA nồng độ cao ngay làm da bị kích ứng, thậm chí bỏng. Đọc xong bài này thì bạn cần lưu ý mà tránh nhé, hãy để da làm quen với acid một cách từ từ trước khi nâng cấp routine sử dụng acid của mình.

Đọc thêm: AHA – Giải pháp cho da sạch mịn, sáng bóng

Đọc thêm: Tẩy da chết hoá học với BHA

Đọc thêm: Có nên sử dụng retinoids không?

Củng cố lớp màng bảo vệ da

Bên cạnh việc tối giản hoá các bước làm sạch, chúng ta cũng có thể củng cố lớp màng bảo vệ da thông qua việc bổ sung các dưỡng chất phù hợp thông qua các sản phẩm skincare. Một số thành phần giúp củng cố lớp màng acid béo có thể kể ra như:

Niacinamide (vitamin B3)

Niacinamide được chứng minh là có công dụng kích thích sự tổng hợp ceramides trên da 6. Do đó việc sử dụng niacinamide sẽ giúp làm dày lớp màng này và khiến da khoẻ lên.

Dầu dưỡng (facial oil)

Một thành tố quan trọng khác nữa trong lớp màng bảo vệ da chính là các acid béo (fatty acids), để cung cấp acid béo cho da thì còn gì thích hợp hơn chính việc bôi chúng lên mặt bằng dầu dưỡng nhỉ. Dầu dưỡng vốn giàu các acid béo, đặc biệt là oleic và linoleic giúp củng cố độ ẩm và bảo vệ da một cách tự nhiên.

Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý là cần tránh một số loại dầu dưỡng có cấu trúc đặc và có thể gây bít tắc lỗ chân lông như dầu dừa (coconut oil) hoặc dầu quả bơ (avocado oil), đặc biệt là với những người sở hữu loại da dầu. Một số loại dầu dưỡng có cấu trúc lỏng nhẹ có công dụng tốt khá nổi tiếng mà bạn có thể thử như: dầu Argan, dầu Rosehip, dầu Marula

Thực phẩm chứa acid béo

Cung cấp cho cơ thể chính những nguyên liệu cần thiết để nó tự tổng hợp ra lớp lá chắn bảo vệ sinh học vẫn là biện pháp an toàn bền vững nhất. Hãy dung nạp thật nhiều acid béo có lợi bằng việc ăn các loại hạt như hạt điều, hạt macca, hạt hạnh nhân, “xịn” hơn nữa là các loại siêu thực phẩm như hạt flaxseed, hạt chia, hạt quinoa. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng các loại thực phẩm chức năng chứa các acid béo tự do omega 3, 6, 9, tuy nhiên không nên quá phụ thuộc.

Các loại hạt chứa nhiều acid béo có lợi

Các loại hạt chứa nhiều acid béo có lợi

Các chất chống oxy hoá

Các chất chống oxy hoá hay được tuyên truyền với tác dụng chống lão hoá. Tuy nhiên, bản chất hoạt động của chúng còn quan trọng hơn thế. Các chất này giúp chống đỡ lại các tác nhân môi trường để bảo vệ, củng cố sức khoẻ da toàn diện. Nên là hãy cân nhắc đưa các chất chống oxy hoá vào chu trình chăm sóc ngay khi có thể dù cho da bạn chưa có dấu hiệu lão hoá đi chăng nữa. Bài viết cụ thể về chất chống oxy hoá bạn có thể đọc tại đây.

Kết luận

Có thể đối với mỗi người, mục đích của việc skincare sẽ một khác, nhiều người tìm đến skincare với nhu cầu hướng tới vẻ đẹp không tì vết như một ngôi sao, nhưng càng tìm hiểu sâu, chúng ta sẽ càng thấy skincare không có tác dụng như vậy. Tôn trọng, bảo vệ và giúp da khoẻ mạnh tự nhiên mới thực chất là chân lí của một routine tốt.

Ngành công nghiệp làm đẹp kiếm hàng tỉ tỉ đô nhờ vào việc giáo dục người dùng là cần phải bôi cái này, đắp cái nọ lên mới tốt cho da nhưng thứ tốt nhất lại là chính những cơ chế sinh học bảo vệ tự nhiên mà ta bẩm sinh đã có. Hãy nhớ nguyên tắc quan trọng trong chăm sóc da luôn phải đi từ việc tôn trọng và hỗ trợ các chức năng này, để da thực hiện những vai trò của nó một cách đầy đủ và an toàn nhất.

Đọc thêm: Tham mỹ phẩm có tốt cho da?

Nguồn tham khảo

SaveSave

SaveSave

SaveSave

  1. Elias, Peter M. “Skin Barrier Function.” Current allergy and asthma reports 8.4 (2008): 299–305.
  2. Proksch, E. , Brandner, J. M. and Jensen, J. (2008), The skin: an indispensable barrier. Experimental Dermatology, 17: 1063-1072.
  3. Lee, S., Jeong, S. and Ahn, S. (2006). An Update of the Defensive Barrier Function of Skin. Yonsei Medical Journal, 47(3), p.293.
  4. Sochorová, M., Staňková, K., Pullmannová, P., Kováčik, A., Zbytovská, J. and Vávrová, K. (2017). Permeability Barrier and Microstructure of Skin Lipid Membrane Models of Impaired Glucosylceramide Processing. Scientific Reports, 7(1).
  5. Yoo, L. (2018). Dermarolling • Cleansing Brushes • Skincare Ingredients To Avoid // Skincare Q&A. [online] YouTube. Available at: https://youtu.be/ogXrP_hU3Zs?t=2m17s [Accessed 2 Jun. 2018].
  6. Tanno, O., Ota, Y., Kitamura, N., Katsube, T. and Inoue, S. (2000). Nicotinamide increases biosynthesis of ceramides as well as other stratum corneum lipids to improve the epidermal permeability barrier. British Journal of Dermatology, 143(3), pp.524-531.