Nghe đến probiotic, prebiotic với nguyên liệu lên men như thành phần làm sữa chua ý nhỉ. Nhưng sự thật là những nguyên liệu trên đang được nghiên cứu và ngày một ứng dụng rộng rãi trong skincare, thậm chí dùng để trị cả mụn đấy các bác ạ. Và như thường lệ, cứ công nghệ mới nào ra đời là nhiệm vụ của bọn tớ là đi săm soi xem nó có thực sự ‘legit’ không hay lại là sản phẩm phóng đại của marketing moi tiền từ túi người tiêu dùng.

Để tìm hiểu xem prebiotic, probiotic và post-biotic có thực sự chữa mụn được hay không thì trước tiên chúng ta cần làm quen với một khái niệm mới, đó là hệ vi sinh vật của da – Một nhánh nghiên cứu mới mẻ trong khoa học skincare những năm gần đây.

Bên dưới đây là hình ảnh một cốc sữa chua ngon lành, mình để ảnh này vào đây để gợi cho bạn cảm giác thơm tho lành mạnh khi nghĩ tới vi sinh vật bởi sữa chua cũng là sản phẩm lên men của các loại vi khuẩn và đem lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ. Đồng thời mình cũng muốn dùng hình ảnh đẹp đẽ này để trung hoà bớt độ bốc mùi của bài viết vì có thể những thứ bạn sắp đọc sau đây sẽ không được hợp vệ sinh lắm với một số người.

Da cũng có hệ sinh thái???

Da là bộ phận lớn nhất trên cơ thể người và cũng không có gì ngạc nhiên khi có hàng tỉ tỉ những em vi sinh vật nhỏ li ti nhảy múa tung tăng trên đấy. Môi trường da của bạn cũng giống như môi trường đất, cung cấp khoáng chất, tài nguyên cho vi sinh vật sinh sôi nảy nở. Các vi sinh vật này tất nhiên không phải con nào cũng xấu, có những loại vi khuẩn đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sức khoẻ và độ ổn định của da. Mục đích tối cao của việc nghiên cứu về hệ vi sinh vật da là làm sao để nuôi nấng các vi sinh vật có lợi và kìm hãm sự phát triển của các vi sinh vật làm da xấu đi.

Hệ vi sinh vật của da có tên khoa học là microbiome, được quyết định bởi 4 yếu tố chính bao gồm độ pH, thành phần bã nhờn (sebum), màng bảo vệ da và độ ẩm. Khi các yếu tố này thay đổi thì hệ vi sinh vật cũng thay đổi. Trong một điều kiện môi trường nhất định, một số con vi khuẩn sẽ sinh sống thuận lợi hơn, một số con thì còi cọc yếu ớt. Môi trường da khô là môi trường giúp vi sinh vật trên da đa dạng nhất, tuy nhiên không phải lúc nào đa dạng cũng tốt, trong trường hợp này sự đa dạng vi sinh vật đồng nghĩa với hại khuẩn cũng tung hoành không thua gì lợi khuẩn có thể gây ảnh hưởng đến màng bảo vệ và gây hại cho da.

Nghiên cứu về microbiome chưa thực sự nhiều và còn có rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Nhưng đây hứa hẹn là một nhánh nghiên cứu nhiều triển vọng, giúp khai phá được nhiều con đường mới lạ giúp chữa trị nhiều bệnh lý trên da trong tương lai.

Prebiotic, Probiotic và Post-biotic là gì

Để không làm các bạn chán vì các thông tin khoa học, bạn có thể hiểu đơn giản 3 khái niệm này như sau:

Prebiotic là thức ăn, thứ nuôi dưỡng các vi sinh vật trên da

Probiotic là các vi sinh vật sống

Post-biotic là các sản phẩm mà các vi sinh vật trên da tạo ra, trong số đó có các sản phẩm lên men, gọi là cell lysate hoặc bacterial fermentation

Giải thích một các thô tục, để vi sinh vật (probiotic) sống được, chúng cần ăn và đi ị. Thức ăn của chúng là prebiotic và thứ mà chúng ị ra là post-biotic. Về mặt lý thuyết mà nói, nếu môi trường da của bạn thuận lợi cho lợi khuẩn thì những lợi khuẩn này sẽ rất vượng, ăn uống phè phỡn và ị tè le ra rất nhiều các post-biotic tiêu diệt hại khuẩn và là phân bón chăm bẵm da khỏe mạnh căng tràn. Nghĩ thế cho tích cực chứ nghĩ tiêu cực thì da chúng ta chứa toàn c*t của vi khuẩn thôi T_T

Tác dụng của probiotic trong điều trị mụn

Quan sát các vi sinh vật sinh hoạt trên da một thời gian, các nhà khoa học phát hiện ra một số vi sinh vật có vẻ có vai trò gì đó trong việc kìm hãm sự phát triển của mụn. Trong số hàng tỉ các vi sinh vật thì có 2 ứng cử viên vô cùng tiềm năng là Staphylococcus epidermidis và Ammonia Oxidizing Bacteria (AOB).

Ứng cử viên đầu tiên là Staphylococcus epidermidis, em này có tên khá là xoắn lưỡi, trong môi trường yếm khí thì lên men tạo ra các chuỗi acid béo ngắn, trong đó có lactic acid có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm và là kẻ thù mà vi khuẩn P. Acne không mấy mong muốn. Hoạt động của S.epidermidis thôi thúc các nhà khoa học thực hiện các thí nghiệm nhằm gia tăng vi khuẩn này trên da xem mụn có giảm bớt không. Trong một thí nghiệm, S.epirdermidis được đưa sống vào da kết hợp với glycerol (dung môi ưa thích của vi khuẩn này) và acid béo; một thí nghiệm khác thì đưa vi khuẩn sống vào da qua một loại gel. Cả 2 thí nghiệm đều cho ra kết quả khá khả quan, vi khuẩn mụn bị kìm hãm đáng kể mà da lại không bị kích ứng.

Ứng cử viên thứ hai là Ammonia Oxidizing Bacteria (AOB), đúng như tên gọi, em này ‘ăn’ ammonia và ị ra nitrite, nitrite lại tiếp tục oxy hoá thành nitric oxide, cả 2 thành phẩm này đều có tính kháng khuẩn, kháng viêm, rất thơm cho da nhưng rất thối đối với P.acne. Chưa kể thế, việc AOB ăn ammonia còn giúp giảm độ pH, giúp màng bảo vệ da thêm khỏe khoắn. Một công ty đã tiến hành thử nghiệm đưa một loại AOB sống mang tên B244 lên da. Kết quả cũng rất khả quan, vi khuẩn này mang lại tác dụng kìm hãm P.Acne đúng như mong đợi

Nghiên cứu về ứng dụng của probiotic tuy chưa nhiều nhưng bước đầu cũng có những tín hiệu tích cực. Vấn đề là bao giờ chúng được ứng dụng đại trà trong mỹ phẩm thì lại là chuyện khác. Trong các thí nghiệm, các vi khuẩn được sử dụng là những vi khuẩn còn đang sống nhăn nhở, nhưng khi đưa các vi khuẩn này vào tuýp kem và đem bán thì kiểu gì chúng cũng chết trước khi chạm được vào da của bạn. Một phần vì môi trường mỹ phẩm không phải là môi trường mà các sinh vật này quen thuộc, phần nữa là 99% các loại mỹ phẩm chứa chất bảo quản sẽ diệt trừ vi khuẩn sạch sành sanh. Việc sử dụng probiotic trên da lại chưa thực sự được kiểm chứng độ an toàn, một số vi khuẩn còn bị đưa vào nhóm rủi ro và có khả năng gây bệnh.

Prebiotic và cách ‘nuôi’ probiotic để điều trị mụn

Trong khi việc đưa probiotic sống lên da còn khá bất khả thi vì những cản trở về mặt công nghệ thì việc cung cấp thức ăn prebiotic và tìm cách ‘nuôi’ lợi khuẩn cho khoẻ mạnh có vẻ khả quan hơn một chút. 

Một số loại prebiotic có lợi cho lợi khuẩn thường được sử dụng trong mỹ phẩm bao gồm: fructooligosaccharides, galactooligosaccharides, pectin, beta-glucans, các sản phẩm từ chất xơ như starch. Tuy nhiên cũng phải lưu ý là prebiotic nuôi lợi khuẩn nhưng nhiều khi cũng nuôi luôn cả nấm nên nếu da có nấm thì các thành phần này tuyệt đối cần tránh xa.

Ngoài ra, môi trường da đủ độ ẩm, hơi có tính acid và giàu organic acids (AHA, BHA, PHA) cũng rất thuận lợi để nuôi dưỡng lợi khuẩn, nhất là S.epidermidis

Tác dụng của Cell Lysate (Post-biotic) trong điều trị mụn

Sản phẩm lên men của các lợi khuẩn thông thường là những chất mang tính dưỡng ẩm, kháng viêm, kháng khuẩn, giúp tăng cường màng bảo vệ da và ổn định pH. Các chất này quen thuộc với bạn hơn bạn tưởng, ví dụ như Lactic Acid, Hyaluronic Acid, ngoài khả năng giảm sưng viêm còn là chất cấp ẩm rất tốt. Sphingomyelinase thúc đẩy quá trình sản sinh ceramide làm khoẻ da. Lipotechoic acid và peptidoglycan giúp kích thích sản sinh các peptide kháng khuẩn. Acetic acid có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, v.v…

Ứng dụng trong xây dựng skincare routine

Nghiên cứu về hệ vi sinh vật da là một nhánh nghiên cứu mới, nhiều triển vọng, tuy nhiên những ứng dụng của nó trong ngành công nghiệp làm đẹp hiện tại chưa thực sự nhiều. Không biết đến bao giờ chúng ta mới có thể sử dụng vi sinh vật sống trên da một cách an toàn, nhưng từ giờ cho tới ngày đó thì tất cả các sản phẩm chứa probiotic trên thị trường đều chỉ có một công dụng là làm mòn túi tiền của bạn.

Nếu muốn môi trường da thực sự khoẻ mạnh, hãy sử dụng các sản phẩm chứa organic acids như AHA, BHA, PHA, aldobionic acids (ABAs), N-acetylamino acids (NAAs), N-acylpeptides (NAPs),… Kết hợp với duy trì độ ẩm của da.

Một số thành phẩm lên men của vi khuẩn cũng có thể hỗ trợ cải thiện da. Lactic, HA, Sphingomyelinase, Lipotechoic acid, Acetic acid là những thành phần phổ biến được ứng dụng nhiều. Galactomyces ferment là một thành phần lên men khá nổi trong thời gian gần đây, chưa có nhiều nghiên cứu support lắm nên tớ cũng chả biết tốt dở thế nào nhưng chắc là cũng có khả năng chống oxy hoá và cấp ẩm.

Nhìn chung là đọc về microbiome cũng hay, không phải hay vì là một công nghệ mới nào đó mang tính cách mạng, mà làm mở mang thêm góc nhìn của tớ về skincare. Như các cậu đọc nãy giờ thì thấy là đến mùa quít chín cũng không biết được chứng kiến một lọ mỹ phẩm chứa probiotic tử tế ra đời không. Nhưng biết về hệ vi sinh vật trên da cũng giúp chúng ta hiểu được là trị mụn nhiều khi không phải là đâm đầu vào bôi các thể loại acid kháng sinh lên để đè cục mụn xuống mà cũng có thể tiếp cận một cách hoà bình hơn, nuôi nấng môi trường da để môi trường ấy cân bằng, kích thích lợi khuẩn phát triển, từ đó vi khuẩn mụn cũng yếu dần đi và không có cơ hội hoạt động nữa.

Nguồn tham khảo

https://www.mdpi.com/2076-2607/7/11/550/

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3888247/

https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/ics.12594

https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/exd.14032

https://www.dermatologytimes.com/dermatology/are-skincare-products-probiotics-worth-hype