Benzoyl Peroxide đã được ứng dụng vào điều trị mụn trong vài thập kỷ gần đây và được coi là hoạt chất trị mụn không cần kê đơn hiệu quả nhất. Bài này tớ sẽ tổng hợp một số thông tin về Benzoyl Peroxide để giải đáp thắc mắc Benzoyl Peroxide có an toàn, hiệu quả không và dùng thế nào cho hợp lý

SP tham khảo: Acnecide 5% gel

Tổng quan

Benzoyl Peroxide [BP] được coi như hoạt chất trị mụn không phải kê đơn tốt nhất. BP có công năng hoành tráng làm lu mờ cả những hoạt chất trị mụn đình đám như Salicylic Acid, AHA, Azelaic Acid, Retinoids, thậm chí có khả năng diệt khuẩn tốt hơn cả kháng sinh.

Đây là hoạt chất có tính ưa dầu nên dễ dàng lọt qua lớp hàng rào lipid bảo vệ da, thẩm thấu rất sâu. BP nhìn chung là an toàn và được FDA chấp nhận cho việc sử dụng lâu dài trên da, tuy nhiên chất này cũng có một số nhược điểm khiến cho việc lạm dụng nó quá không phải là một ý tưởng hay cho lắm.

Cơ chế trị mụn của Benzoyl Peroxide

Mỗi một hoạt chất có cơ chế điều trị mụn khác nhau như tiêu sừng, kháng viêm, diệt khuẩn, chống sưng,… 

Thế BP trị mụn bằng cách nào? Câu trả lời là bằng TẤT CẢ các con đường trên.

Chính vì khả năng tấn công mụn bằng một lúc nhiều cơ chế đã tạo nên sức mạnh ảo diệu của BP, khiến mụn chết tức tưởi không lối thoát, cứ bôi lên là mụn xẹp, dùng lâu không bị lờn. Những cơ chế trị mụn tiêu biểu của BP bao gồm:

Giải phóng tác nhân oxy hoá làm tiêu diệt vi khuẩn gây mụn (P. Acne)

Khi tiếp xúc với da, BP sẽ được chuyển hoá thành Benzoic Acid và Oxy, trong đó liên kết giữa 2 nguyên tử oxy rất mong manh dễ bị đứt gãy giải phóng gốc tự do oxy có khả năng tiêu diệt vi khuẩn mụn.

C6H5C(O)O-OC(O)C6H5 + H2O → 2 C6H5COOH + ½ O2

Cơ chế này khác với kháng sinh. Nếu dùng kháng sinh trong thời gian dài, vi khuẩn mụn có thể trở nên lờn thuốc thì hiện tượng này không xảy ra với BP. Một khi đã gặp gốc tự do, vi khuẩn mụn chắc chắn chết dù cho bạn có dùng BP bao lâu đi chăng nữa

Kháng khuẩn bất chấp nồng độ

BP dù ở nồng độ nào cũng đều có khả năng kháng khuẩn (antibacterial) tốt tương đương nhau. Bởi vậy chỉ cần sử dụng BP ở nồng độ thấp khoảng 2.5% cũng đem lại tác dụng diệt mụn ngang ngửa với nồng độ cao mà ít gây kích ứng hơn

Tiêu sừng mạnh mẽ

Tất cả các hoạt chất diệt mụn hiệu quả BHA, AHA, Retinoids không phải ngẫu nhiên đều là các chất có tính tiêu sừng. Việc thúc đẩy quá trình sừng hoá trên da giúp lớp da ngoài liên tục được thay mới, mụn được đẩy lên mau hơn và phần da khuyết điểm nhanh được giải quyết. 

Tăng thêm sức mạnh cho kháng sinh

Chính khả năng làm mỏng lớp sừng ngoài khiến BP có thể hỗ trợ các chất khác dễ thẩm thấu vào da hơn. Thông thường BP được sử dụng chung với kháng sinh dạng bôi hoặc uống (clyndamicine, doxycycline, tetracycline…) để điều trị những ca mụn khó. Vừa giúp tăng cường công năng trị mụn, vừa làm giảm nguy cơ lờn kháng sinh của bệnh nhân.

Kháng viêm

Nghiên cứu chỉ ra BP có khả năng giết chết “bạch cầu đa hình” (polymorphonuclear leukocytes – PMNs, Google dịch :)), ngăn ngừa sự giải phóng các gốc tự do gây sưng viêm, từ đó giúp hạn chế và giảm sưng viêm hiệu quả

Nhược điểm

Dễ gây kích ứng

Vì là chất tiêu sừng mạnh nên sử dụng BP có thể gây khô da, bong da, ngứa rát, kích ứng, nồng độ càng cao thì khả năng bị kích ứng càng lớn. Cũng có một số người bị dị ứng với BP, tuy không nhiều lắm (tỉ lệ khoảng 1-2% bệnh nhân)

Tạo gốc tự do oxy

BP tạo ra gốc tự do oxy trong quá trình hoạt động của mình và các gốc tự do này có nguy cơ tấn công DNA, làm giảm hàm lượng vitamin E gây khô da, tạo nếp nhăn và gây lão hoá sớm.

Paula’s Choice có đăng một bài trên trang của họ bảo là gốc tự do mà BP tạo ra là Phenyl Radical, không phải là Hydroxyl Radical nên sẽ không gây tác hại gì đáng kể. Nhưng mà theo các nghiên cứu khác mà tớ đọc thì Phenyl Radical vẫn gây hại như thường, và nhớ thêm là Paula’s Choice có bán cơ số các sản phẩm có chứa Benzoyl Peroxide nên không thể tin những gì họ nói 100% được.

Khả năng oxy hoá của BP cũng khiến nó làm bạc màu vải vóc, tóc, quần áo nên hơi bất tiện khi sử dụng.

Không nên dùng cho phụ nữ mang thai

Mặc dù ở Châu Âu, BP được kê cho phụ nữ mang thai và FDA cũng không nói là chất này có tác hại đáng kể gì cho phụ nữ mang bầu. Tuy nhiên, BP là hoạt chất mạnh và có mức độ thẩm thấu nhất định vào cơ thể người dùng (khoảng 2%), cũng không nhiều nhặn gì nhưng tớ không nghĩ là phụ nữ mang bầu nên dùng. Cứ tránh ra cho chắc.

Cách sử dụng Benzoyl Peroxide hiệu quả

Để tránh tối đa việc BP gây kích ứng thì các bạn dùng ở nồng độ thấp nhất là 2.5% thôi. Vì kể cả dùng đến nồng độ cao nhất là 10% thì tác dụng cũng không hơn là mấy.

Ngoài dạng gel sử dụng để chấm mụn thông thường, các bạn có thể sử dụng dạng sữa rửa mặt chứa BP. Ở dạng này BP chỉ tiếp xúc với da khoảng 1 – 2 phút rồi được rửa đi nên sẽ bớt kích ứng đi đáng kể.

BP nên dùng vào buổi tối và chỉ sử dụng trên phần da bị mụn cho tới khi hết, không nên quá lạm dụng dùng lâu dài. Theo tớ thì các bạn nên ưu tiên dùng Salicylic Acid hoặc Sulfur, tác dụng trị mụn tuy kém hơn nhưng an toàn trong dài hạn. Còn khi nào bất đắc dĩ gần đến ngày trọng đại nào đó mà cục mụn nó thù lù cần triệt tiêu nhanh hoặc mụn lâu quá mãi chưa hết thì mới phải đụng đến BP thoai.

Nguồn tham khảo

Textbook of Cosmetic Dermatology – Chapter 38

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/8806712

http://www.chm.bris.ac.uk/motm/benzoyl-peroxide/benzoylh.htm

https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0003986196903197?via%3Dihub

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/1782351