Liệu sử dụng arbutin có giúp bạn sở hữu làn da trắng sứ như tưởng tượng?

Làm trắng da sẽ là đề tài muôn thuở của skincare được nói hoài nói mãi do ai cũng đều khao khát có một làn da trắng sáng hơn để phù hợp với tiêu chuẩn đẹp chung của số đông.

Bên cạnh nhiều hoạt chất đã được nghiên cứu và ứng dụng trong mỹ phẩm để cải thiện sắc tố da như hydroquinone, kojic acid, vitamin C, retinoids; arbutin dạo gần đây cũng tham gia khá tích cực vào bảng thành phần của các sản phẩm gây tò mò cho người tiêu dùng.

Tết dương vừa qua và tết âm cũng rục rịch chuẩn bị tới, quảng cáo mỹ phẩm bắt đầu thi nhau cào cấu tường facebook làm ngứa ví các anh chị em, thế nên mình sẽ giúp các bạn bổ sung kiến thức về arbutin bằng bài viết đánh giá này xem chai serum arbutin có đáng để bạn tích cóp tiền lì xì quất về tân trang da dẻ không nhé.

Arbutin là gì?

Arbutin là một chất hoá học được chiết xuất từ các loài thực vật cùng họ dâu tây (bearberry, blueberry, cranberry). Bản chất arbutin là anh em ruột thịt với hydroquinone vì thành phần hoá học gần như tương tự nhau y xì đúc.

Hydroquinone lại vốn được coi là “tiêu chuẩn vàng” về cải thiện sắc tố da với công năng kích trắng vô địch. Bởi vậy, arbutin cũng chứa ‘gien’ làm trắng giống thằng anh trai và được ứng dụng trong mỹ phẩm với nồng độ trong khoảng 3% đến 7%.

Arbutin làm trắng da bằng cách nào

Trên thực tế, arbutin sẽ từ từ giải phóng hydroquinone sau khi được áp dụng lên da, vậy nên khả năng làm trắng của arbutin có thể do gián tiếp nhờ vào hydroquinone.

Phản ứng chuyển hoá arbutin thành hydroquinone
Phản ứng chuyển hoá arbutin thành hydroquinone

Cụ thể thế này: da bạn có màu sạm là do một quá trình biến đổi sinh hoá phức tạp trong tế bào sắc tố (melanosome) trên da mà tyrosine là nguyên liệu chính (đọc thêm tại đây). Hydroquinone can thiệp từ chính khâu đầu vào này, cản trở sự sản sinh sắc tố đen nâu (eumelanin) làm da đỡ đen đi 1. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy arbutin có tác động loại bỏ các tác nhân gây tăng cường sắc tố trên tế bào người và chuột 2.

Vì giải phóng hydroquinone một cách từ từ, arbutin ít gây kích ứng da và được cho là an toàn hơn so với hydroquinone 3.

Đọc thêm: Những sắc màu của da

Hạn chế của arbutin

Ít nghiên cứu chứng thực

Các nghiên cứu về ứng dụng của arbutin trong làm trắng da mới được tiến hành trên tế bào và động vật chứ chưa có thí nghiệm trực tiếp lên người nên độ chứng thực vẫn chưa cao. Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác chỉ ra công dụng làm trắng của arbutin có vẻ không quá đáng kể, thậm chí còn kém hơn kojic acid.

Thẩm thấu không thực sự tốt

Bôi được lên da là chuyện dễ nhưng cái chuyện nan giải mà hầu hết các hoạt chất trong mỹ phẩm phải đối mặt là làm sao thẩm thấu được vào da để đem lại hiệu quả tốt nhất. Và vấn đề này đối với arbutin cũng không ngoại lệ. Theo một nghiên cứu, mức độ thẩm thấu của arbutin so với các hoạt chất khác không được tốt cho lắm 4. Hầu hết arbutin được dùng trong mỹ phẩm lại là thực vật chiết xuất chứ không phải dạng nguyên chất nên càng làm tăng mối nghi hoặc về sự vô thưởng vô phạt của hoạt chất này.

Nghi ngờ về tác dụng phụ

Tuy nhiên hiệu quả mạnh yếu đến đâu không phải là vấn đề đáng quan ngại chính của arbutin mà là những hệ về sức khoẻ mà nó có thể đem lại. Do người anh em của arbutin là hydroquinone vốn có một tiền sử rất xấu là làm tăng khả năng gây ung thư da trên thí nghiệm động vật và bị ghi nhận gây ra chứng ochronosis (triệu chứng đổi màu da) trong thời gian dài sử dụng 5, thậm chí còn bị cấm ở một số quốc gia, nên bản thân arbutin ít nhiều cũng bị liên lụy. Nhiều nhà khoa học nghi ngờ arbutin ẩn chứa mối nguy tiềm tàng gây ra các bệnh lý đề cập ở trên khi chúng giải phóng hydroquinone trong quá trình hoạt động. Tuy vậy, vẫn chưa có bằng chứng xác thực điều này nên chưa thể kết án arbutin mà chỉ có thể để nó trong diện tình nghi.

Đã có một số trường hợp mắc chứng ochronosis khi sử dụng hydroquinone trong thời gian dài
Đã có một số trường hợp mắc chứng ochronosis khi sử dụng hydroquinone trong thời gian dài

Kết luận

Câu trả lời cho câu hỏi arbutin có giúp da trắng lên thật không là có. Tuy nhiên tác dụng này không có gì quá nổi bật so với các hoạt chất khác cộng thêm với một số tác dụng phụ bị “nghi ngờ” là có thể có làm cá nhân mình hơi quan ngại khi đụng vào. Dù chưa có trường hợp trầm trọng nào khi dùng arbutin được ghi nhận cả nhưng chắc mình cũng vẫn sẽ từ chối và lựa chọn vitamin C hoặc retinoids để thay thế trong vấn đề cải thiện sắc tố da, không những an toàn hiệu quả mà còn được củng cố vô cùng chắc chắn bởi tầng tầng lớp lớp các nghiên cứu khoa học.

Nguồn tham khảo

  1. Is Meladerm a good skin lightener – The beauty brain
  2. Inhibitory effects of arbutin on melanin biosynthesis of α-melanocyte stimulating hormone-induced hyperpigmentation in cultured brownish guinea pig skin tissues – Yu-Ji Lim et al.
  3. Treatment of hyperpigmentation problems / skin lightening – smartskincare
  4. Skin-lightening agents: New chemical and plant extracts -ongoing search for the holy grail – Kanthraj GR
  5. Exogenous ochronosis hydroquinone induced: a report of four cases – Jonas Ribas et al.