Vầng, theo tiến sĩ Baumann thì da có 16 loại đấy chứ không phải 4 loại như bạn thường biết đâu nhé. Tại sao phân loại da thôi mà cũng phải phức tạp hoá lên đến vậy, phân loại theo cách thông thường thì có gì không hợp lí mà phải xào lên thành tận hơn chục loại như thế? Bài lần này, mình sẽ trình bày quan điểm của Baumann về việc phân loại da, tầm quan trọng của việc phân loại cùng những lưu ý để có một phân tích bao quát chính xác về làn da mà chúng ta đang sở hữu.

Tại sao phải phân loại da?

Có thể khẳng định phân loại da là bài học nền tảng của khoa học skincare, nếu bạn không phân loại được da của mình thì tất cả kiến thức làm đẹp khác đều khó có thể áp dụng chính xác.

Cũng như việc viết một bản nhạc, không phải người nhạc sĩ cứ xếp bừa nốt này cạnh nốt nọ là xong mà họ cũng phải hiểu những nguyên tắc nhạc lí cơ bản để sáng tác những giai điệu bắt tai đối với người nghe. Skincare không phải là nghệ thuật, bạn không thể dựa vào cảm xúc hay sự ngẫu hứng để phối ra được một cái routine bất kì rồi cầu thần mặt cho nó hiệu quả được.

Tác dụng lớn nhất của việc phân loại da là giúp chúng ta chọn được phương án làm đẹp phù hợp với mình. Số lượng sản phẩm chăm sóc da ngoài thị trường là vô số, nhưng số lượng những tổ hợp thành phần phù hợp với đặc điểm da của bạn lại không nhiều như bạn nghĩ. Nắm được tính chất da sẽ giúp bạn thu hẹp phạm vi lựa chọn lại, dễ dàng mua được các sản phẩm đúng và đủ đáp ứng nhu cầu.

Phân loại da thông thường và phân loại da theo cách của Baumann

Theo cách phân loại thông thường mà hầu như ai cũng biết, da được chia chủ yếu thành 4 loại: da thường, da khô, da hỗn hợp và da dầu. Tuy nhiên cách này chỉ dựa vào một yếu tố duy nhất là mức độ tiết dầu của da chứ không đả động gì đến các đặc tính khác như cấu trúc, độ nhạy cảm hay sắc tố. Nếu chỉ cân nhắc yếu tố độ ẩm khi đi mua sản phẩm skincare thì bạn chỉ tiếp cận được một khía cạnh nhỏ về làm đẹp chứ chưa bao quát một cách toàn diện. Một làn da đẹp ngoài cân bằng độ ẩm còn phải khoẻ, kết cấu chắc chắn, màu da đều và trẻ lâu. Phương pháp phân loại da của Baumann được thiết kế để khắc phục vấn đề này, từ lâu đã trở thành một hệ thống tiêu chuẩn mà rất nhiều các bác sĩ da liễu trên toàn thế giới dựa vào để đánh giá trình trạng da bệnh nhân.

Phân tích về hệ thống da Baumann

Về cơ bản, cách phân loại da của Baumann là bản nâng cấp của cách phân loại truyền thống, thay vì một, nó có tới bốn biến yếu tố đầu vào: độ tiết dầu, độ nhạy cảm, sắc tố và cấu trúc da. Phức tạp hơn nhiều đúng không? Cũng bởi số lượng yếu tố đánh giá đầu vào nhiều hơn nên số loại da cũng nhiều hơn, lên tới con số 16.

16 loại da

Hệ thống phân loại da của Baumann. Nguồn: http://lesliebaumannmd.com/16-baumann-skin-types/

Lấy chữ cái viết tắt của các yếu tố ghép vào với nhau, bạn sẽ được một cụm bốn chữ cái thể hiện cho loại da theo qui tắc của Baumann, ví dụ như người có làn da dầu (Oily – O), nhạy cảm (Sensitive – S), da đều màu (Non-pigmented – N) và không có nếp nhăn (Tight -T) thì loại da sẽ là OSNT. Bạn có thể download công cụ phân loại da ở đây, hoặc copy lại một bản khác vào Google Drive để dễ sử dụng

Từ lý thuyết đến thực tiễn

Mặc dù hệ thống phân loại da của Baumann đã có phần cụ thể và chính xác hơn rất nhiều trong việc đánh giá làn da, tuy nhiên chúng ta cũng nên hiểu rằng đây chỉ là một phương pháp phân hệ thống dưới góc nhìn của bốn yếu tố chứ không phải là một lời giải cụ thể là nếu da bạn thuộc nhóm nào thì bạn cần chăm sóc da ra sao. Có hai vấn đề cần lưu ý:

  • Các vùng da trên mặt bạn có thể có những tính chất khác nhau, da vùng má khô còn vùng trán lại nhờn là chuyện bình thường. Nếu sự khác biệt là nhỏ thì không sao, còn nếu quá lớn, có thể bạn nên coi từng vùng da như các loại da khác nhau và chăm sóc chúng theo cách riêng biệt. Giả sử trong trường hợp nêu trên, bạn có thể coi da vùng má của bạn là DRNW còn da vùng trán là OSNT rồi skincare theo chế độ tương ứng chẳng hạn. Việc chăm sóc theo vùng da cụ thể cũng hợp lí để giải thích phương pháp trị liệu điểm (spot treatment), ví dụ nếu da bạn có mụn thì chỗ nào coi chỗ đấy là phần da đặc biệt, chỉ thoa kem trị mụn chỗ đấy thôi chứ không cần thoa cả mặt.
  • Phân biệt loại da và trạng thái da: Một trong những sai lầm nguy hiểm của việc phân loại da là sự nhầm lẫn giữa loại da và trạng thái da. Loại da của mỗi người là cố định tuy nhiên trạng thái da thì liên tục thay đổi tuỳ thuộc vào môi trường và cách chăm sóc. Ví dụ, người có loại da tiết nhiều dầu thì sẽ có đặc điểm là lỗ chân lông to và tuyết bã nhờn hoạt động mạnh, đây là yếu tố về gen di truyền, skincare thông thường sẽ không thay đổi được. Tuy nhiên vào mùa đông hanh khô, da của người đó lại trở nên cân bằng hơn, thậm chí còn có dấu hiệu hơi khô. Trong trường hợp này, loại da vẫn cố định mang yếu tố là da dầu (Oily) nhưng sự biến động thời tiết đã khiến độ ẩm trên bề mặt da thay đổi. Việc skincare có mục đích khắc phục các nhược điểm của loại da thông qua việc tác động làm cân bằng trạng thái da. Điều này đồng nghĩa với việc kể cả bạn biết da mình thuộc loại da dầu, khi bề mặt da có trạng thái khô, bạn cần thay đổi biện pháp dưỡng ẩm phù hợp để đưa trạng thái da về lại sự thăng bằng.

 

Kết luận

Đóng góp của hệ thống Baumann theo mình là rất quý giá, không phải vì nó giúp phân loại được da tốt hơn mà quan trọng là giúp mình hiểu hơn về kiến trúc da dưới nhiều yếu tố. Làn da vốn dĩ rất phức tạp cho nên không một cách phân loại nào có thể mang tính chính xác hay cố định hoàn toàn. Tuỳ thuộc vào sự thay đổi của nội tiết tố hoặc môi trường mà trạng thái trên da biến động không ngừng, thậm chí có thể phản ứng hoàn toàn ngược lại với tính chất loại da mà bạn đang sở hữu. Vậy nên việc skincare sẽ không đơn giản chỉ là mua các sản phẩm về và bôi lên mặt mà đòi hỏi bạn phải lắng nghe nhu cầu của da để đáp ứng đúng cái mà nó đang cần ở các thời điểm khác nhau. Và phương pháp của Baumann là một công cụ tuyệt vời để giúp bạn làm được điều đó.

Nguồn tham khảo

http://lesliebaumannmd.com/baumann-skin-type-quiz/